Thạc sĩ Việt tại Pháp: “Quản lý cây xanh đô thị - Ví dụ từ Paris”
(Dân trí) - Với mong muốn đóng góp thêm thông tin về quản lý và quy hoạch cây xanh đô thị, thạc sĩ Việt Nam tại Pháp, Hoàng Năng Thắng có bài viết về vấn đề này từ Paris để độc giả có thêm góc nhìn, đánh giá.
Thông tin về tác giả bài viết
Tác giả bài viết - Thạc sĩ Hoàng Năng Thắng (sinh năm 1983) học tập và làm việc tại Paris (Pháp) từ 10 năm nay. Hiện tác giả đang giữ chức vụ phó Chủ tịch hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, tham gia các dự án về thanh niên cho Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF)...
Đồng thời trong vai trò thành viên nghị viện trẻ Pháp ngữ, thạc sĩ Hoàng Năng Thắng đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 của thanh niên Pháp ngữ bàn về biến đổi khí hậu ở Berne và Hội nghị chính thức của các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris... Thạc sĩ Hoàng Năng Thắng. |
Những ngày qua, nhân dân thủ đô Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung đặc biệt quan tâm đến các sự việc liên quan đến việc chặt hạ và thay mới một bộ phận cây xanh đô thị của thành phố.
Những ý kiến phản đối về cách làm cũng như đòi hỏi sự minh bạch trong dự án này của người dân là hoàn toàn chính đáng và thành phố đã có quyết định dừng triển khai để xem xét lại quá trình thực hiện.
Là người Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại thủ đô Paris - CH Pháp, trong bài viết này tôi xin đề cập đến vấn đề quản lý và quy hoạch cây xanh đô thị của thủ đô nước Pháp, với mong muốn góp thêm phần nào về mặt thông tin cho các nhà quản lý, từ đó áp dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế của Hà Nội và có những bước đi tiếp theo đúng đắn, phù hợp, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân thủ đô và cả nước để Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp và màu xanh vốn có của thành phố vì hòa bình.
Paris là một trong những thành phố tại châu Âu có nhiều cây xanh đô thị nhất. Đây là kết quả của các chính sách và cố gắng của chính quyền từ hơn một thế kỷ nay. Theo kế hoạch từ nay đến 2020, thành phố Paris sẽ trồng mới thêm 20.000 cây xanh trên các tuyến phố của thủ đô.
Với diện tích 105 km2 và dân số khoảng 2,2 triệu người, tài sản cây xanh do thành phố Paris trực tiếp quản lý bao gồm 100.000 cây được trồng trên 700 km các tuyến phố (tổng chiều dài của các tuyến phố là 1650km), 40.000 cây được trồng trong 490 công viên, vườn và cách quảng trường nhỏ, 30.000 cây được trồng trong 20 nghĩa trang nằm trong và bên ngoài đại lộ vành đai của thành phố, 6.000 cây được trồng ven đại lộ vành đai, 7.000 cây trồng trong các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, 4.000 cây trồng trong các khu thể thao. Đặc biệt Paris có 2 cánh rừng là rừng Boulogne và rừng Vincennes nằm ở phía bắc và phía nam, là hai lá phổi xanh của thành phố, nơi tập trung khoảng 300.000 cây xanh.
Hàng năm, thành phố Paris đều dự báo kế hoạch chương trình thay mới khoảng 1.500 cây không đảm bảo yêu cầu, chủ yếu các cây bị sâu mục và có nguy cơ gây nguy hiểm cho con người và trồng mới thêm khoảng 1.500 cây tại các tuyến phố chưa có cây xanh. Tổng cộng lại 3.000 cây xanh này được chuyển từ vườn ươm của thành phố để trồng tại các tuyến phố và không gian xanh của thủ đô.
Về qui hoạch đô thị, trong đó có qui hoạch cây xanh đô thị là một truyền thống của chính quyền thành phố từ thế kỷ 16. Đến cuối thế kỷ 19 thành phố có 38.000 cây và hiện nay là gần 500.000 cây xanh.
Cây xanh trồng ở Paris gồm nhiều chủng loại khác nhau, ước tính khoảng 400 loài. Vòng đời của cây xanh đô thị không khác khi cây được trổng trong các khu vực tự nhiên khác, tuy nhiên, các yếu đố đặc biệt của đô thị đòi hỏi sự giám sát và chăm sóc kỹ lưỡng tới từng cá thể cây và thay thế cây mới khi cây bị sâu mục.
Trước khi được đưa vào trồng trong thành phố, cây non được trồng và chăm sóc tại vườn ươm của thành phố trong khoảng trung bình thời gian từ 8 -10 năm. Khi tiến hành trồng cây tại các tuyến phố, các qui định yêu cầu phải đào một hố trồng, lớp đất cũ được lấy đi và thay vào đó là một lớp đất hữu cơ.
Thể tích của một hố trồng cây phải đạt 12 mét khối để đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất của bộ rễ và cây được cung cấp đầy đủ về nước và chất dinh dưỡng trong đất đảm bảo cho sự phát triển của cây.
Sau khi trồng, trong 3 năm đầu tiên, cây xanh mới trồng được một sự chăm sóc đặc biệt để đảm bảo cây phát triển hài hòa. Cây được tưới thường xuyên, hai tuần một lần, mỗi lần khoảng 100 lít nước trong suốt khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.
Mỗi cây đều được gắn cọc để đảm bảo tính ổn định trong thời gian phát triển của bộ rễ chính, các cành cây được cắt tỉa để đảm bảo hình dáng khi cây phát triển trưởng thành. Sau 3 năm đầu tiên này, sự chăm sóc đặc biệt không còn cần thiết nữa và chấm dứt do cây đã có thể tự phát triển tự nhiên.
Trồng mới cây xanh tại Paris (Pháp)
Việc chăm sóc cây trưởng thành cũng rất quan trọng, cây được thường xuyên cắt tỉa để sự phát triển của chúng phù hợp với môi trường đô thị, không làm che khuất hệ thống tín hiệu đèn đỏ, biển báo giao thông, tán cây giữ khoảng cách hợp lý với mặt tiền của các tòa nhà trong phố, nâng các cành mọc quá thấp để không cản trở lưu thông của xe cộ và người đi bộ…
Một điểm khác là việc giám sát cây già cỗi, sâu mục. Cây xanh không tồn tại mãi mãi, chúng già đi theo thời gian và mắc các loại sâu bệnh, đôi khi phải chặt hạ để thay thế cây mới. Cây xanh trồng trên các tuyến phố ít khi tồn tại hơn 80 năm.
So với sống trong môi trường tự nhiên khác, cây xanh đô thị dễ bị tổn thương hơn do nhiều nguyên nhân. Đó có thể là các điều kiện về đất, thiếu nước, va chạm của các phương tiện giao thông, các chất thải ô nhiễm đổ dưới gốc cây.
Ngay cả trong lòng đất nơi cây sinh trưởng cũng rất chật hẹp bởi các hệ thống cáp ngầm gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ trong khi thông thường cây xanh cần diện tích đất để rễ phát triển tốt chính bằng diện tích tán che phủ của chúng.
Cây xanh đô thị cũng chứa đựng những mối nguy hiểm cho người dân, đó là trường hợp của những cây đã quá già cỗi, sâu mục và phải chặt hạ để đảm bảo an toàn. Thông thường, chỉ có các nhân viên có chuyên môn mới xác định được cây sâu bệnh vì nhìn bên ngoài thì chúng hoàn toàn khỏe mạnh.
Từ năm 2014, việc quản lý cây xanh được tin học hóa với một cơ sở dữ liệu cho phép thành phố theo dõi mỗi cá thế cây nhờ vào các thông số đầy đủ về cây đó và cho phép lên kế hoạch bảo dưỡng chăm sóc với từng cá thể cây.
Cây xanh bị chặt hạ vì lý do sâu mục đều được thay thế bằng cây mới. Như vậy, mỗi năm Paris đều dự báo thay thế hoảng 1.500 cây, chiếm 1,6% tổng số cây trên toàn thành phố. Các cây thay mới ngoài những cây được trồng tại vườn ươm của thành phố, đôi khi cũng lấy cây từ các vùng khác của Pháp hoặc từ Hà Lan, Đức để đảm bảo về chất lượng và độ lớn của cây.
Trồng xen kẽ nhiều loại cây khác nhau để phòng chống sâu bệnh, đây là cách duy nhất để đảm bảo tính hiệu quả, kinh tế và bền vững cho cây xanh đô thị . Thực tế, một số bệnh chỉ liên quan đến một loài cây. Việc tập trung chỉ một loại cây cùng nhau sẽ tạo điều kiện cho sự lây lan và sâu bệnh tấn công cây trên số lượng lớn.
Về lâu dài, giải pháp tốt nhất là đa dạng hóa các loại cây trồng đô thị, thay vì tập trung chủ yếu vào một số loài truyền thống, và ngay trong một tuyến phố có thể trồng xen kẽ các loài khác nhau.
Trồng các loài cây có khả năng thích ứng với các thời điểm nắng nóng. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên các đợt nắng nóng bất thường có khả năng xảy ra thường xuyên hơn, việc trồng mới hoặc thay thế cây xanh đô thị cũng cần tính đến yếu tố này.
Mặc dù cây xanh ở Paris được chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 20 cây bị gẫy, đổ do các nguyên nhân về thời tiết, tai nạn giao thông hoặc sự tiến triển quá nhanh của sâu bệnh.
Việc xử lý hóa học (thuốc trừ sâu) bị cấm trong việc chăm sóc cây ở Paris do các tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Thay vào đó là việc sử dụng các biện pháp mới để vẫn đảm bảo việc bảo quản cây xanh mà không hại đến môi trường và con người.
Mối quan hệ giữa cây và con người, đó là mối liên hệ chặt chẽ có từ lâu đời. Việc phải bắt buộc chặt hạ một cây lâu năm là một quyết định khó khăn. Cây xanh, đặc biệt là các cây cổ thụ là biểu tượng của sự sống, của sự trường tồn và sự thông thái.
Việc tổ chức chặt hạ và thay thế cây được tiến hành theo lịch trình và cần có sự cho phép của chính quyền thành phố. Thời gian để bộ phận quản lý cây xanh xin giấy phép là 40 ngày.
Việc xác định các cây sâu bệnh được tiến hành theo hai đợt trong năm. Đợt thứ nhất diễn ra trong quý đầu của năm. Công việc chặt hạ tiến hành vào mùa thu và trồng thay thế vào mùa đông.
Đợt thứ hai xác định cây sâu mục tiến hành vào quý hai của năm, chặt hạ vào mùa đông và việc trồng lại vào mùa đông sau đó để cơ hội sống sót và phát triển của cây cao nhất.
Ths. Hoàng Năng Thắng
(Từ Paris, Pháp)