Du học sinh Việt mưu sinh trên đất Anh

Không hiếm sinh viên Việt Nam sang học thạc sĩ ở Anh chọn công việc bồi bàn, sơn sửa móng tay và thậm chí cả đi nhặt rác để kiếm tiền.

Muốn phụ giúp bố mẹ trang trải một phần tiền ăn ở, Lê Thị Mai Hòa quyết tâm đi tìm việc sau một tháng chân ướt chân ráo đặt chân tới London.

 

May mắn cho cô sinh viên Đại học Metropolitan là được nhận vào làm chân chạy bàn tại một quán ăn Việt. Công việc khác xa so với chuyên ngành Tài chính quốc tế cô đang theo đuổi, nhưng Hòa vẫn thấy hài lòng vì “có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống và văn hóa của người bản xứ”.

 

Ngày đầu đi làm, Hòa lạc đường đến tận gần sáng mới về đến nhà trọ, sau nhiều lần tìm đường và chuyển chặng xe buýt.

 

Nữ sinh viên quê lúa Thái Bình sang Anh học tự túc tâm sự: “Đối với một người mới sang Anh như tôi, đi làm thêm giúp có cơ hội giao tiếp với người địa phương và hòa nhập cuộc sống tại vùng đất mới nhanh hơn”.

 

Cô thạc sĩ tương lai thường trở về căn phòng thuê của mình sớm nhất là lúc 0h30’ sáng, sau ca làm việc kéo dài từ 17 giờ đến 23 giờ. Nhiều đêm, nhất là trước khi thi hoặc nộp bài tập, Hòa còn phải chong đèn học bài đến sáng.

 

Vất vả thế, nhưng cô vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ đưa được cậu em trai sang xứ sở sương mù du học bằng chính những đồng tiền do mình kiếm ra.

 

Không phải đi về đêm hôm khuya khoắt như Hòa, nhưng Vũ Hoài Nam, sinh viên Đại học East London, thường phải dậy lúc tờ mờ sáng, bất kể mùa đông cũng như mùa hè, để đi làm cho kịp ca từ 4 - 8 giờ hoặc 5 - 9 giờ, tùy thuộc vào thời khóa biểu từng học kỳ ở trường.

 

Cũng giống như các sinh viên đi du học tự túc khác, Nam cho biết đi làm để phụ giúp bố mẹ cũng như học cách tổ chức công việc tại một cửa hàng của người bản xứ, vì cậu đặt mục tiêu “chỉ đi làm cho Tây”.

 

Nam làm 20 tiếng một tuần tại cửa hàng bán đồ ăn nhanh Pret A Manger. Cậu nói: “So với ở Việt Nam, các tổ chức công việc khoa học hơn và làm ra làm, không có thời gian “chết” như ở nhà”.

 

Cậu sinh viên MBA thừa nhận rằng đi làm thêm cũng mệt mỏi và ảnh hưởng ít nhiều đến việc học hành, nên để dung hòa được cả hai việc đòi hỏi phải nỗ lực hơn mức bình thường.

 

Mơ ước của Nam là mở một cửa hàng tương tự như Pret A Manger khi trở về Việt Nam. Và cậu cho rằng những kinh nghiệm thu nhặt trong quá trình làm việc tại đây sẽ giúp ích nhiều.

 

Một số việc làm thêm của sinh viên

 

- Bán quần áo

- Làm nail

- Đi quét dọn

- Làm lễ tân

- Phát báo miễn phí

- Đi trông thi

- Phiên dịch

- Dạy thêm cho học sinh bản xứ

- Giúp việc cho giáo viên…

Việc lương thiện

 

Sau khi đấu tranh tư tưởng, Huyền, sinh viên cao học tại Leeds, quyết định đi nhặt rác thuê trong vòng 5 ngày vì nghĩ rằng đó cũng là một cách kiếm tiền chân chính và lương thiện.

 

Huyền và một nhóm các sinh viên người Anh khác được ôtô chở đến dọn dẹp rác sau khi người ta tổ chức một lễ hội lớn ở khu vực ngoại ô. Cô phải nhặt rác bằng tay, và mỗi lần như vậy phải cúi lên cúi xuống suốt cả một ngày từ 9 giờ sáng cho tới 6 –-7 giờ chiều.

 

Cô sinh viên thạc sĩ bảo rằng công việc tay chân không làm mệt đầu óc nhưng cô phải luôn nghĩ tới một điều gì đó lãng mạn để xóa đi hình ảnh của rác.

 

Khác với Huyền, dù có công việc bán thời gian cộng với thu nhập ổn định giúp chi trả tiền ăn ở nhưng N. nhất quyết không muốn tiết lộ tên trên báo vì sợ bố mẹ biết cô đi làm ở tiệm sơn sửa móng tay.

 

N. cho rằng công việc ở tiệm nail khác với làm bồi bàn và bán quần áo ở chỗ cô được tiếp xúc và nói chuyện với khách hàng nhiều và lâu hơn, vì trung bình thời gian làm móng tay hoặc móng chân cho một khách đã mất một tiếng, nên khả năng nói tiếng Anh cũng được cải thiện hơn.

 

Cô sinh viên trường Kensington College of Business nói rằng công việc làm nail nhẹ nhàng, rất phù hợp với con gái, nhưng cũng không vì thế mà cô mải mê làm, sao nhãng học hành. Cô kết luận: “Nhưng dù có làm gì, thì quan trọng nhất vẫn là việc học”.

 

Anh Cương, người quản lý một tiệm nail ở khu Tây Nam London, cho biết các cửa hàng nail của người Việt còn phải cạnh tranh khốc liệt với các tiệm khác của người bản xứ nên thuê nhân viên bán chuyên nghiệp như sinh viên là hợp lý, vì họ có trình độ tiếng Anh và không đòi hỏi mức lương cao ngất trời.

 

Hằng, một cựu sinh viên Đại học Leeds, người từng kinh qua nhiều việc từ phục bàn, cho tới trông quần áo cho nhà hàng, nhấn mạnh rằng công việc làm thêm giúp cô học hỏi được rất nhiều điều thiết thực trong cuộc sống, đơn cử như bưng một cốc nước thế nào hay lau nhà ra làm sao, và cô cảm thấy dễ nói lời cám ơn và xin lỗi hơn trước.

 

Và trên hết, đó là cơ hội được làm việc trong một môi trường mang tính quốc tế.

 

Theo Bá Thùy
BBC