Du học sinh Việt làm thêm tại Đức như thế nào?

(Dân trí) - Như phần lớn các sinh viên đang học tập ở nước ngoài, các du học sinh tại Đức cũng phải đi làm thêm ngoài giờ học để trang trải các khoản sinh hoạt phí cá nhân, đồng thời tăng cường vốn ngoại ngữ và có những trải nghiệm thú vị nơi xứ người.

Các du học sinh tại Đức có khá nhiều lựa chọn việc làm cho mình: bán đồ ăn ở các quán ăn nhanh như Mc Donalds, Burgerking, phục vụ ở nhà hàng, làm thêm cho quán ăn của người Việt, làm gia sư, bán quần áo, mỹ phẩm,…

Trong năm học, các bạn không phải đóng thuế đi làm, tiền lương tối đa là 400€/tháng. Còn trong các kỳ nghỉ dài, thời gian đi làm nhiều hơn, các bạn thường có xu hướng kiếm những công việc có thu nhập cao hơn, thậm chí có những bạn còn đi làm 2 nơi cũng một lúc, khi đó việc kiếm được từ 1700€ đến hơn 2000€ là hoàn toàn có thể.

Mai Trang (sinh viên khoa y trường ĐH Hamburg) hiện đang làm thêm tại một viện dưỡng lão. “Công việc của mình là dọn dẹp phòng cho các bệnh nhân, thỉnh thoảng đưa một vài bệnh nhân ra sân sưởi nắng, phân phát thuốc, đưa đồ ăn cho bệnh nhân. Đôi khi mình phải phụ trách những bệnh nhân bị mất trí nhớ, công việc của mình là theo dõi và nhắc nhở họ. Công việc này mình được trả 12€/ giờ. Mình thường chỉ làm vào cuối tuần, mỗi ngày 8 tiếng”.

Du học sinh Việt làm thêm tại Đức như thế nào?
Chính (Sinh viên tại Ingolstadt) làm thêm trong một quán ăn Việt Nam


Học cùng khoa y với Mai Trang, Hồng Vân lại làm thêm tại một bệnh viện thú y. “Mình được giao việc chăm sóc các “em” mèo bị ốm. Mỗi khi có một bệnh nhân mới, mình sẽ ghi tên, triệu chứng bệnh, với những trường hợp bệnh nhẹ như cúm hoặc đầy bụng, mình sẽ thực hiện vài bước sơ cứu đơn giản, đôi khi mình còn được tự tay truyền nước và tiêm cho các bé mèo nữa”, Hồng Vân cười thích thú kể. “Mình kiếm được 10€/ giờ, và 14€/ giờ cho những hôm có bệnh nhân đặc biệt”.

Để tìm được một công việc làm thêm tại Đức, cách thông dụng nhất của các du học sinh là tự tìm việc qua người quen và tìm thông tin trên mạng.

Phương Mai (Berlin) chia sẻ: “Công việc bán mỹ phẩm hiện tại của mình là “hưởng” lại từ bạn trai mình. Còn việc làm bồi bàn tại Burgerking của mình thì đã “nhượng” lại cho một cô bạn gái. Bọn mình trước khi nghỉ làm ở đâu cũng thường dò hỏi bạn bè xem có ai muốn thế chỗ không, cho đỡ phí việc”.

Lâm (sinh viên ĐH Bonn) lại đang có một công việc rất đặc biệt: “Mình đang dạy tiếng Việt cho 1 cậu bé gốc Việt, bố mẹ bé đều là người Việt và rất muốn con mình có thể nói sõi tiếng mẹ đẻ. Việc dạy học cho bé không quá khó, nhưng mình phải có một sự kiên nhẫn cực kì, vì học tiếng Việt đối với bé, cũng như mình học tiếng Đức vậy, đều là học tiếng nước ngoài.

Thời gian đầu mình chỉ muốn từ bỏ, nhưng dần dần, mình cũng quen với công việc hơn, mình cũng cảm thấy quý bé và cô chú chủ hơn. Bây giờ đó đã trở thành một ngôi nhà khác của mình ở Đức, như là có một bố mẹ và một cậu em trai khác vậy”.

Công việc làm thêm tại Đức không có quá nhiều áp lực, có lẽ bởi vì phong cách làm việc của người dân tại đất nước này. Họ có những quy tắc bắt buộc phải tuân theo, nhưng lại không quá gò bó, người dân ở đây lại thân thiện và rất có tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Trường Sơn (Munich) nhận xét: “Đi làm mang lại cho mình một vốn hiểu biết kha khá, trang bị cho mình những kinh nghiệm khá thú vị, như thuế thu nhập, cách thích nghi trong những môi trường làm việc khác nhau, học được tác phong làm việc của họ, trách nhiệm với những việc mình làm. Chỗ mình làm thường mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm rất rõ ràng, ngoài ra cũng trang bị được một chút hiểu biết về cách bố trí và hoạt động của các doanh nghiệp bên này, khá mới lạ và thú vị”.

Việc đi làm thêm của các sinh viên Việt Nam, bên cạnh kiếm thêm tiền để trang trải cho cuộc sống du học vốn đã đắt đỏ, còn là cơ hội giúp các bạn tự lập, học hỏi thêm kiến thức trong công việc và cuộc sống.

Mai Trang chia sẻ “Có điều kiện tài chính mình vẫn đi làm thêm vì nó cho mình cơ hội học hỏi về ngành nghề của mình. Nếu ở Việt Nam thì chắc chắn mình sẽ không đi làm việc này. Lắm khi mình cũng tủi thân khi giữa mùa đông lạnh lẽo phải đi làm, trong khi các bạn khác thì được ở nhà nghỉ ngơi, nhưng cảm giác đó cũng qua nhanh. Đi du học chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn phải vượt qua, nhưng mình cũng đã học được rất nhiều thứ. Mình đã lớn lên nhiều, không còn là cô bé nhõng nhẽo ba mẹ ở nhà nữa”.

Trường Sơn cũng nói thêm: “Mình chưa nhắc đến lợi ích của thu nhập khi đi làm thêm, vì mình có học bổng nên tiền lương không phải yếu tố chính khi mình quyết định đi làm. Đối những bạn khác, họ đi làm để có thể tự sống bên này và giảm dần gánh nặng cho bố mẹ ở nhà, tăng khả năng tự lập và biết quí trọng đồng tiền hơn. Mình thấy sinh viên Đức rất chăm chỉ. Mình chưa gặp ai chỉ biết chơi bời phá phách cả”. 

Du hoc sinh đựơc làm 90 ngày làm việc/ năm, nếu làm cả ngày. Còn nếu làm nửa ngày thì được 180 ngày/năm.

Trong thời gian học, bạn sẽ được làm tối đa 20 giờ/ tuần. Còn trong kỳ nghỉ, bạn có thể thoải mái làm thêm theo mong muốn.

Theo qui định, sinh viên nước ngoài được phép làm thêm cả trong lẫn ngoài trường. Các công việc trong trường thường là phụ việc trong phòng thí nghiệm, phòng máy, phòng sinh viên, nhà ăn,… Tuy nhiên, số lượng công việc có hạn mà sinh viên lại đông, các bạn du học sinh Việt Nam thường tìm tới các công việc bên ngoài.

Nếu các bạn làm việc cho các cửa tiệm mà người Việt Nam làm chủ thì mức lương thường sẽ thấp hơn. Khi làm việc với chủ là người bản xứ, các bạn nên nhớ người Đức là những người rất coi trọng giờ giấc, lời hứa, trách nhiệm công việc, sự chăm chỉ và tính kiên nhẫn.

Ngân Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm