Du học sinh Việt kể chuyện Tết ở xứ sở... "cừu đông hơn người"
(Dân trí) - Tết ở quê hương của vua Thành Cát Tư Hãn đậm chất “hoang sơ” vốn có như chính lối sống phóng khoáng, dân dã của những cư dân du mục Mông Cổ trên các thảo nguyên xanh bát ngát hàng ngàn năm qua.
22 bạn trẻ Việt học tập ở thủ đô của Mông Cổ
Chào bạn, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân?
Ở ngôi trường Thìn học có nhiều sinh viên Việt Nam không? Mỗi dịp Tết đến, các bạn thường về quê ăn Tết hay ở lại?
Có 22 sinh viên Việt Nam theo học các nghành như quan hệ quốc tế, công nghệ sinh học, kinh tế, nông nghiệp... Tất cả đều ở thủ đô Ulanbator (Mông Cổ); trong đó, ở trường mình có 13 bạn.
Dịp Tết bọn mình không về Việt Nam vì chỉ được nghỉ có 5 ngày nên rất hạn chế về mặt thời gian.
Cuộc sống của những du học sinh Việt như bạn ở Mông Cổ thế nào?
Các bạn biết đấy, Mông Cổ là một đất nước có địa hình núi cao và rất khô hanh. Thời tiết mùa Đông vô cùng khắc nghiệt với nền nhiệt độ âm 30 độ C nên rất khó khăn cho việc di chuyển và sinh hoạt.
Ăn Tết ở xứ sở cừu đông hơn… người
Vậy, hẳn phong tục đón Tết ở đất nước này cũng đậm chất… du mục?
Tết của người Mông Cổ rất đơn giản, không đa dạng như Tết Việt nhưng cũng rất thú vị và mang bản sắc đặc trưng của vùng đất du mục.
Tết Âm lịch ở Mông Cổ là Tsagaan Sar - Tết Mặt Trăng trắng (còn gọi là Tháng Trắng). Cùng với Tết Naadam vào tháng 7, Tsagaan Sar là dịp Tết quan trọng và được chờ đợi nhất.
Ngày cuối cùng khi năm mới theo âm lịch tới, người Mông Cổ sẽ làm gì?
Ngày này gọi là Bituun, gần giống ngày 30 tháng Chạp ở nước mình vậy. Người Mông Cổ sẽ gấp rút dọn dẹp nhà cửa, rốt ráo giải quyết nợ nần. Vào tối Bituun, cả gia đình sẽ tụ tập bên nhau để đón Giao thừa. Đây là đêm bầu trời hoàn toàn vắng ánh trăng (trăng trắng).
Ở xứ sở nổi tiếng là “cừu đông hơn người”, thịt cừu có lẽ là món ăn không thể thiếu dịp Tết?
Mọi món ở đây gần như đều liên quan đến cừu, thịt cừu. Nào là bánh bao nhân thịt cừu (buuz), đến các sản phẩm bơ sữa, rượu sữa ngựa (airag) và dĩ nhiên rồi, thịt cừu nướng lúc nào cũng có trên mâm của người Mông Cổ. Ở đây có sữa ngựa lên men nổi tiếng khắp thế giới.
Vào mùa đông, váng sữa được để lên men và phơi khô rắn như đá nhưng khi cắt ra nhai lại thấy dẻo và có vị ngậy béo như phô mai. Ngoài ra còn có thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng sữa đông, cơm ăn cùng nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, rượu vodka trộn sữa.
Tết ở Mông Cổ có điểm gì tương đồng với Việt Nam không?
Tết ở đây cũng có tục lệ mừng tuổi cho người già và trẻ em; mọi người đến nhà nhau chơi và chúc những điều tốt lành cho nhau.
“Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt” là câu chúc cửa miệng vào dịp Tết. Tất cả mọi người trong gia đình sẽ chúc nhau, ngoại trừ vợ chồng.
Người Mông Cổ sẽ thực hiện lời chúc zolgokh đối với người cao tuổi bằng cách dùng khuỷu tay của mình để ôm chặt những người cao tuổi nhằm thể hiện sự ủng hộ. Trong khi chúc Tết, mọi người cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho điềm lành.
Mùng 1 Tết, ai cũng dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới rực rỡ, nhóm lửa. Đó là tục đón mặt trời mọc. Sau khi ăn mừng năm mới bằng bánh bao nhân thịt cừu, thịt cừu, người ta sẽ pha chè với váng sữa để uống. Tiếp đó, người Mông Cổ sẽ mang theo thức ăn xuất hành lên núi để chào đón mặt trời với niềm tin, họ sẽ gặp rất nhiều may mắn trong năm.
Các hoạt động ngày Tết không thể thiếu ở đất nước du mục là gì?
Hội du học sinh Việt Nam ở Mông Cổ sẽ đón Tết cùng nhau trên đất khách chứ?
Du học sinh bọn mình mỗi năm đều tổ chức ăn tất niên cùng nhau và đi từng phòng chúc năm mới rất vui vẻ. Bọn mình chủ yếu tự tổ chức nấu ăn, gặp mặt để có không khí Tết.
Bạn có thể “bật mí” một chút về dự định trong năm mới Ất Mùi của mình?
Năm mới mình sẽ cố gắng hoàn thành chương trình tốt nghiệp và sau đó quay về Việt Nam làm việc. Thực sự sống ở đây 4 năm nhưng mình vẫn không quen khí hậu và không ăn được thịt cừu (cười).
Cảm ơn Thìn vì những chia sẻ thú vị, chúc bạn luôn thành công!
Trần Thìn – Bí thư Đoàn sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ.
(Ảnh: NVCC)