Du học sinh Slavơ và… nỗi niềm sinh hoạt phí
(Dân trí) - Du học xa nhà, ở đâu cũng vậy, cần rất nhiều khoản phải trang trải, chưa nói chuyện đủ hay thiếu. Riêng du học ở các nước Slavơ (như Nga, Ukraina..), ít và khó có việc làm thêm, nhận tiền sinh hoạt phí luôn là thời khắc được du học sinh mong đợi nhất…
Những ai nhận được học bổng, dù là học bổng nhà nước, học bổng của các tổ chức tư nhân, phi chính phủ thì phần nào yên tâm hơn khi sinh hoạt phí được chuyển đúng hẹn, theo mức quy định. Với mức sống khác so với Việt Nam (hầu hết là đắt đỏ hơn), các bạn cũng phải rất tiết kiệm, chi tiêu có kế hoạch thì mới có thể phần nào yên tâm sinh hoạt nơi xứ người, hay sắm một vài món đồ nhỏ ưa thích.
Với khoản tiết kiệm của mình, qua vài đợt học bổng, Nguyễn Văn Huấn (ĐH Kĩ thuật Tổng hợp quốc gia Irkutsk, Nga) đã có thể cầm trong tay chiếc máy ảnh Canon mà từ lâu cậu mơ ước. Còn chàng trai quê nghèo Hà Tĩnh, Nguyễn Sỹ Hiền lại tích cóp, gửi về Việt Nam để giúp mẹ phần nào sửa sang lại căn nhà nhỏ cho vững chắc hơn trước mùa mưa bão…
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải lúc nào sinh hoạt phí cũng đến đúng hẹn, khiến cho cuộc sống của các bạn gặp không ít khó khăn. Ngày cuối cùng tháng 2/2012, các bạn du học sinh diện xử lý nợ ở thành phố Tula (Nga) hết sức vui mừng khi nhận được sinh hoạt phí của … 6 tháng vừa qua. Sự chậm trễ này là do việc chuyển tiền ở phía nhà trường và ngân hàng trải qua nhiều thủ tục, giấy tờ cần thiết…
Nửa năm qua, những khoản học bổng kì trước tiết kiệm được, vay mượn bạn bè, và may mắn nhất là được các anh chị đi làm thông cảm, cho mượn tạm, tất cả được “trưng dụng” cho những chi tiêu tối thiểu hàng ngày. Ngay khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng trong nước đã lập tức liên hệ, tìm cách giải quyết, và khó mà diễn tả niềm vui của những chàng trai, cô gái Việt ở đây khi nhận được khoản sinh hoạt phí này.
Sau khi trả vài món nợ đã vay, lên kế hoạch chi tiêu cho thời gian tới (đề phòng bị trễ tiếp), chàng sinh viên năm nhất Phan Quang Thịnh mới… dám mua cho mình đôi giày đông, chiếc áo ấm cho đỡ lạnh, dù đến lúc này thì mùa đông cũng sắp dần qua. Cầm trên tay khoản tiền vừa nhận được, Thịnh phấn khởi: “Lần nhận sinh hoạt phí này, dù có chậm đôi chút, nhưng mình cũng cố gắng sắm thêm một số dụng cụ học tập mà từ hồi đầu học kì chưa có tiền để mua”.
Còn với những bạn nhận “học bổng U-ta-chi”, nghĩa là du học tự túc, toàn bộ sinh hoạt phí đều do gia đình trang trải nên sống cũng phải tằn tiện hơn rất nhiều. Nguyễn Hiệp Quốc (sinh viên Đại học giao thông quốc gia Kharkov, Ukraina) đã cố gắng gói ghém tất cả những nhu cầu sinh hoạt thiếu yếu chỉ trong… 100 đô la Mỹ mỗi tháng. Hầu hết quần áo, vật dụng cá nhân, cậu đều đem theo từ lúc rời Việt Nam, sang đây chỉ mua thêm chiếc máy tính phục vụ việc học và một vài thứ lặt vặt khác.
“Các bạn ở nhà có thể đi làm rồi, còn mình vẫn đang đi học bằng tiền bố mẹ, không dám xin và tiêu nhiều được. Ở nhà vất vả, lại lạm phát, giá cả tăng như thế, bố mẹ cần hơn, còn mình sống bên này cũng tạm ổn rồi”, chàng trai đất cảng này chia sẻ.
Mỗi lần nhận sinh hoạt phí, không chỉ là niềm vui mà còn cả những trăn trở: làm gì, tiêu như thế nào? Có rất nhiều mong muốn, có rất nhiều thứ phải chi trả, nhưng khi được hỏi, hầu hết các bạn đều có chung câu trả lời: “Chỉ mong tiết kiệm để có thể về Việt Nam thăm nhà thôi!”.
Ở các nước Tây Âu, du học sinh có nhiều cơ hội làm thêm hơn, tăng chút thu nhập, trang trải cuộc sống, hay kể cả ở Nga cũng có thể bắt gặp những bạn trẻ Việt có điều kiện, sử dụng Iphone, hàng hiệu… nhưng giữa xứ Slavơ lạnh giá, vẫn luôn có những bạn du học sinh đang cố gắng học tập và sử dụng đồng tiền sinh họat phí - dù là học bổng, hay của bố mẹ - một cách nâng niu và thật đáng trân trọng.
Bài: Bảo Anh
Ảnh: Nhân vật cung cấp