Du học sinh Singapore cũng khổ vì giá cả leo thang
(Dân trí) - Không chỉ riêng người dân Singapore than thở về giá sinh hoạt leo thang, các SV nước ngoài học tại đảo quốc sư tử cũng khốn khổ khi giá cả tăng vụt, nhất biệt là những SV học trường tư phải ở nhà trọ và đi học bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Theo tờ Channelnewsasia, số liệu chính thức công bố đầu tuần này cho thấy giá cả tiêu dùng trong tháng 1 ở Singapore tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,3% so với tháng 12 năm 2007.
Trong 6 tháng ở Singapore, cậu sinh viên Ấn Độ Nalla Jeevan Reddy bị sụt mất 7 cân do phải cắt giảm khẩu phần ăn và bỏ bữa. Nhưng vấn đề là Nalla không muốn giảm cân - cậu SV 28 tuổi học khoa quản lý khách sạn tại một trường tư ở Singapore đang cố gắng “dìm” chi phí sinh hoạt khi du học ở đảo quốc sư tử. Để tiết kiệm chi tiêu, Reddy phải thuê chung phòng với 5 SV khác.
Cậu SV Ấn Độ Pubba Sravan Kumar cũng chịu cảnh tương tự. Trước khi đến học ở Singapore, Pubba được biết là mình có thể thuê chung phòng với khoảng 3 người khác với mức giá 200 đô la/tháng. Nhưng giờ thì phòng trọ của cậu có tới 6 người ở và giá thuê nhà sẽ còn tăng nữa. Rồi Pubba cũng phải ăn ít đi và giảm thiểu rau xanh để không bị lâm vào cảnh “viêm màng túi”.
Theo Tổng cục Du lịch Singapore (STB), trong năm 2006 có khoảng 80.000 SV nước ngoài từ hơn 120 nước đến học tại Singapore trong đó có nhiều SV từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam. Kể từ năm 2003 khi STB bắt đầu khai thác thị trường SV nước ngoài, số du học sinh tại Singapore tăng 46%. |
Tháng trước, bà Hazel Margaret Duclos, hiệu trưởng một trường tư ở Singapore, đã đề xuất rằng nên cho phép SV nước ngoài học tại những trường tư được phép làm thêm. Điều này sẽ giúp SV đối mặt tốt hơn khi giá sinh hoạt tăng vùn vụt.
Lãnh đạo các trường tư khác cũng đồng tính với ý kiến này của bà Duclos. Ông Alvin Teo, phó giám đốc marekting của trường Kaplan Singapore, cho rằng việc cho phép SV trường tư làm việc từ 15 - 20 mỗi tuần có thể giúp họ có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt. Năm ngoái, trường Kaplan đã phải “treo” bằng tốt nghiệp của 10 SV vì họ không thể trả tiền học phí.
Đồng thời, giám đốc Viện Phát triển Quản lý Singapore, bà Tan Gek Khim, đề xuất rằng nên cho phép những SV nước ngoài học cao học tại các trường tư được phép làm part-time giống như những SV nước ngoài đang học tại các trường ĐH công.
Đến nay, Bộ Nhân lực Singapore vẫn chưa đưa ra câu trả lời gì khi được hỏi rằng có xem xét việc cho phép SV nước ngoài học trường tư được làm thêm hay không.
Tiến sĩ Ong Seh Hong, thành viên Quốc hội, phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc hội Chính phủ Singapore về Giáo dục, cho rằng các trường tư cần được điều chỉnh tốt hơn trước khi thay đổi những quy định hiện hành. Theo TS. Ong Seh Hong, mục tiêu của SV nước ngoài đến Singapore phải là học tập. Do vậy, việc SV có được phép làm part-time hay không không phải là băn khuăn đầu tiên.
Trong khi đó, ông John Gregory Conceicao, giám đốc Dịch vụ Giáo dục của Tổng cục Du lịch Singapore, nhận định rằng SV nước ngoài học tại Singapore có lợi thế là được học tại một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của thế giới với chi phí chỉ bằng một phần so với chi phí khi du học tại Anh và Mỹ vì giá sinh hoạt ở Singapore khá là “dễ thở”. Theo ông này, SV nước ngoài nên coi chi phí sinh hoạt là một phần trong chi phí học tập tại Singapore.
Tuy nhiên, một số SV nước ngoài phản bác rằng việc cho phép những SV nước ngoài học tại trường tư đi làm thêm sẽ giúp họ hòa nhập tốt hơn chứ không chỉ là có thêm thu nhập. Cậu SV Kumar (vừa đến Singapore được 3 tháng) phân trần là những người dân Singapore duy nhất mà cậu biết là giảng viên và hiệu trưởng!
Xuân Vũ
Theo Channelnewsasia