Du học Nhật Bản: Người học dễ “sập bẫy” quảng cáo
(Dân trí) - “Du học Nhật Bản tự túc”, “Du học vừa học vừa làm tại Nhật Bản”… là những cụm từ khóa xuất hiện hàng triệu kết quả tìm kiếm trên Google, làm “xiêu lòng” không biết bao nhiêu phụ huynh, học sinh sẵn giấc mơ du học Nhật. Thực tế, Du học Nhật Bản không phải là một bức tranh hào nhoáng, một viễn cảnh như mơ mà các trung tâm tuyển sinh đã vẽ ra. Ở Nhật, bạn phải học cật lực, thời gian làm thêm là rất hạn chế!
Cửa đã “hẹp” dần
Theo Global Times, du học sinh Nhật Bản thuộc 5 nước Trung Quốc, Việt Nam, Nepal, Myanmar và Sri Lanka sẽ bị áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về nhập cảnh từ giữa tháng 3/2017 - một thông tin sẽ khiến không ít phụ huynh, học sinh ngã ngửa.
Nguyên nhân được chỉ ra rằng: Hiện tại các quốc gia nói trên, các loại hình dịch vụ tư vấn du học đang nở rộ là: Sang Nhật dưới dạng du học sinh (xin visa du học, có đăng ký lớp tại một trường tiếng Nhật), nhưng học thực tế chủ yếu đi làm kiếm tiền. Thống kê của IFSA (Hiệp hội lưu học sinh quốc tế ở Nhật) cho hay, số lượng du học sinh Việt Nam ở Nhật năm 2013 là khoảng 15.000 người, gấp 4 lần năm 2012, và gấp 18 lần tổng số du học sinh năm 2009 - con số khiến các nhà quản lý Nhật Bản phải chú ý và mạnh tay “siết” lại.
Thực tế, từ năm 2016, dư luận Việt đã “dậy sóng” khi trong một hội thảo du học, GS Yuichi Kondo - Trường ĐH APU, Nhật Bản - đã kể về việc du học sinh Việt Nam bị công ty tư vấn du học lừa sang Nhật Bản. Ông nói: “Có vẻ như vài công ty tư vấn du học ở Việt Nam nói với học sinh, sinh viên rằng các em qua Nhật có thể làm việc đủ chi trả tiền học phí, sinh hoạt phí, thậm chí có thể tiết kiệm tiền gửi về nhà. Điều này không đúng sự thật.”
Dư luận cũng đánh giá đây là biện pháp mạnh tay, được cả hai nước ủng hộ vì sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng “vàng thau lẫn lộn”!
Chi phí du học Nhật Bản không đắt!
Luật pháp Nhật cho phép người có visa du học được lao động tối đa 28 tiếng một tuần. Tuy nhiên, không ít người đăng ký du học nhưng dành phần lớn thời gian để đi làm, có khi tới 20 giờ/ngày. Với các biện pháp siết chặt hiện nay, người học sẽ đối diện nguy cơ bị bị đuổi học vì ít đến lớm, hoặc không được gia hạn visa vì học quá lâu mà không lên được trình độ, phải quay về nước…
So với thu nhập, mức sống của người dân tại Nhật, thì chi phí du học Nhật không phải không cao, mà còn khá… thấp!
Theo các thống kê chính thức, học phí tại các trường Nhật ngữ dao động từ 630.000 đến 720.000 yên/năm (115 triệu đến 130 triệu đồng), trong đó đã bao gồm các phí đăng ký, nhập học, thiết bị. Hầu hết các trường đều có ký túc xá, tùy vào số lượng người ở một phòng mà giá dao động từ 25.000 đến 40.000 yên/tháng (4 đến 7 triệu đồng).
Như vậy, tổng chi phí trong lần đầu đăng ký du học Nhật Bản khoảng 200 triệu đồng/năm, đã bao gồm mọi khoản: Học phí một năm, ký túc 5 tháng, (các năm tiếp theo chi phí = 60%) bảo hiểm y tế, tài liệu học tập, phí visa (650.000 đồng), vé máy bay (8 đến 10 triệu đồng)…
Số tiền nói trên là quá nhỏ nếu so sánh với du học Mỹ, Anh. Tuy vậy, người học cũng đừng ảo tưởng rằng mình sẽ tự lo được chi phí nói trên chỉ bằng việc làm thêm. Là bởi pháp luật Nhật Bản quy định rất chặt chẽ về thời gian làm thêm của du học sinh nước ngoài (chỉ 28 giờ/tuần), và bạn cũng cần đặt nhiệm vụ học tập, rèn luyện lên hàng đầu để tạo nền tảng vững chắc cho tương lai!
Thực tế, cơ hội được nhận hỗ trợ tài chính của du học sinh là rất rộng mở, khi chính phủ Nhật Bản có rất nhiều các chương trình hỗ trợ tài chính dành riêng cho những sinh viên nước ngoài - thông qua học bổng và trợ cấp. Bên cạnh đó, các cơ quan chính phủ, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) và Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO) cũng có nhiều cơ học bổng và chương trình tài trợ tại các trường đại học trên khắp Nhật Bản.
Người học đừng tin vào những quảng cáo “ảo” mà tiền mất tật mang. Nếu học tập nghiêm túc, trang bị kiến thức vững vàng, các doanh nghiệp Nhật Bản vốn có mặt trên khắp thế giới luôn mở rộng chào đón các sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp, nhất là ở các lĩnh vực kỹ thuật, CNTT, đầu tư, ngân hàng, giáo dục…
Theo chuyên gia tư vấn, anh Nguyễn Tất Quân- Phó GĐ Cty du học VINAHURE: Người học nên nộp hồ sơ vào công ty uy tín, chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm, họ sẽ hạn chế được những rủi ro về visa, tìm được việc làm thêm phù hợp khi đi du học, có được công việc tốt khi ra trường…
Thêm nữa, các bậc phụ huynh và người học cần tìm hiểu, lựa chọn các công ty tư vấn uy tín, có bề dày kinh nghiệm, là đại diện tuyển sinh cho các viện, trường tại Nhật Bản để chọn đúng, trúng trường học, ngành học, với chi phí hợp lý, đầu ra tươi sáng nhất.
Nhật Hồng