Du học Mỹ dưới góc nhìn của 1 tiến sĩ quản lý giáo dục

“Có nên (cho con) đi học ở Mỹ không? Và nếu đi học ở Mỹ thì chọn trường như thế nào?”. Bài viết dưới đây của tác giả Trần Xuân Thảo - tiến sĩ quản lý giáo dục tại Trường đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ - sẽ trả lời câu hỏi mà không ít phụ huynh đặt ra.

Ở Mỹ có khoảng gần 4.000 trường đại học công và tư, trong đó có những trường do các hội đoàn tôn giáo thiết lập, đại học cộng đồng, đại học bốn năm, trường chuyên ngành. Khó có thể nói là trường tư thì có chất lượng hơn, đáng tin tưởng hơn hoặc bằng cấp có giá trị hơn, bởi vì có không ít trường công rất uy tín và thành công trong sứ mệnh của họ.

Cũng có quan niệm sai lầm cho rằng trường do hội đoàn tôn giáo tổ chức thì chỉ dạy các chương trình có tính chất tôn giáo, hoặc chỉ để phục vụ sinh viên có cùng đức tin tôn giáo. Không cần thiết phải lo lắng là nếu con mình theo học ở một trường đại học Thiên Chúa giáo thì sẽ có những nỗ lực lôi kéo con cái mình theo đạo...

Đặc điểm chung của các trường đại học ở Mỹ là: do được bảo đảm quyền tự chủ rất cao, các trường hoàn toàn độc lập trong mọi việc, từ tiêu chí tuyển sinh đến tuyển dụng nhân sự, giáo sư, giảng viên... hoặc mở thêm ngành đào tạo mới.

Nên không có một mô hình độc nhất có thể khái quát về các trường đại học ở Mỹ. Các đại học Mỹ hoàn toàn chủ động trong việc giảng dạy cái gì và giảng dạy như thế nào. Nước Mỹ cũng có một bộ giáo dục nhưng không có chức năng quản lý và chỉ đạo, hay nói chung Bộ Giáo dục Hoa Kỳ không có chức năng và quyền hạn tương đương như Bộ Giáo dục và đào tạo của VN. Do vậy, sẽ có thể sai lầm nếu chỉ tìm hiểu thông tin về một vài trường đại học rồi khái quát lên...

Ở Mỹ không có thi tuyển sinh vào đại học như ở VN. Thay vào đó, một trong những tiêu chí để các trường nhận học sinh vào học là điểm thi SAT (viết tắt của ba chữ cái đầu tiên trong cụm từ Scholastic Aptitude Test).

Đây không phải là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông do Bộ Giáo dục tổ chức. Một tổ chức độc lập không bị ảnh hưởng hay chi phối của chính quyền liên bang hay tiểu bang tổ chức kỳ thi này và thu lệ phí. Học sinh muốn tham gia kỳ thi này chỉ cần vào mạng đăng ký, trả tiền qua thẻ tín dụng hoặc séc rồi tham gia kỳ thi vào ngày được sắp xếp.

Trong những năm cuối bậc trung học phổ thông, học sinh Mỹ đăng ký dự thi vào những thời điểm thuận lợi nhất cho mình, để có sẵn điểm SAT chuẩn bị cho việc nộp đơn vào đại học. Điểm SAT càng cao, khả năng được nhận vào các chương trình cử nhân nổi tiếng càng lớn. Đa số học sinh Mỹ (cũng như học sinh của các nước khác muốn theo học đại học ở Mỹ) trong thời gian cuối cấp trung học thường thi SAT nhiều lần để lấy điểm cao nhất.

Ngoài điểm thi SAT, học sinh quốc tế cần phải có điểm xác định trình độ tiếng Anh qua kỳ thi TOEFL. Mỗi trường tự qui định điểm sàn của SAT và TOEFL.

Các tiêu chí tuyển sinh của các trường đại học ở Mỹ không thống nhất. Một số trường có tiêu chí rất cao trong khi những trường khác thì không. Không nhất thiết nhìn vào tiêu chí tuyển chọn để đánh giá chất lượng dạy và học của trường đó. Ví dụ, tiêu chí tuyển vào các trường chuyên ở VN rất cao nhưng không nhất thiết phải học từ chỉ những trường ấy ra thì mới giỏi.

Học phí do các trường tự ấn định. Một trường thu học phí cao không nhất thiết chất lượng dạy và học ở trường ấy hẳn phải cao. Ăn một tô phở ở nhà hàng trong khách sạn năm sao thì chắc chắn là đắt, nhưng không phải lúc nào cũng ngon và chất lượng hơn một tô phở ở vỉa hè nếu bạn chọn đúng nơi.

Việc xếp hạng các đại học ở Mỹ có giá trị rất tương đối và thường là đề tài tranh cãi của cả dư luận lẫn các trường được xếp hạng, mà lý do cơ bản là do không có sự thống nhất về tiêu chí và phương pháp xếp hạng. Ngoài ra, vì qui mô và mục tiêu đào tạo của các trường cũng rất khác nhau nên việc xếp hạng thường bị khập khiễng.

Không phải tất cả 4.000 trường đại học ở Mỹ đều đã được kiểm định chất lượng. Việc kiểm định chất lượng là hoàn toàn do các trường tự nguyện tham gia kiểm định. Mục tiêu của kiểm định không nhằm xếp hạng trường mà chỉ nhằm vạch ra những điểm mạnh và điểm yếu cần được lưu ý của nhà trường trên cơ sở sứ mệnh và tiêu chí phấn đấu của từng trường.

Một trường đại học có được giấy chứng nhận kiểm định chất lượng thì hẳn là có chất lượng. Thế nhưng một trường đại học không có giấy chứng nhận này không nhất thiết phải là một trường chất lượng kém. Do việc kiểm định là hoàn toàn tự nguyện, có thể đại học đó quyết định chưa muốn được kiểm định. Không nhất thiết phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng thì mới có được giấy phép hoạt động.

Thế cho nên, cần phân biệt một đại học được kiểm định nhưng không được cấp giấy chứng nhận, hoặc vì một lý do nào đó bị treo giấy chứng nhận, với một đại học không qua kiểm định.

Một trong những điều cần làm khi đọc những bảng xếp hạng này là xem nguồn dữ liệu lấy từ đâu, xếp hạng trên những tiêu chí và phương pháp nào. Một “khách hàng” khôn ngoan thường quyết định mà ít bị ảnh hưởng bởi những xếp hạng này. Một đại học có thể được xếp hạng rất cao về tổng thể, nhưng không hẳn tất cả khoa hay chương trình đào tạo của trường ấy đều có chất lượng cũng rất cao.

Tương tự, một trường có thể được xếp hạng không cao nhưng lại có thể có một khoa hay một chương trình học thuộc vị trí hàng đầu. Vào học một trường có chương trình quản trị kinh doanh được xếp hạng hàng đầu để học một chuyên ngành khác, cũng có thể ví như vào một tiệm nổi tiếng về phở để ăn một món khác không phải là phở.

Không phải tất cả 4.000 trường đại học ở Mỹ đều là những trường có chất lượng cao. Bên cạnh các trường có uy tín, còn tồn tại không ít trường có chất lượng thấp. Cũng không lạ nếu có trường đưa những thông tin không chính xác nhằm thu hút những người học thiếu thông tin và cả tin. Các tờ rơi tài liệu giới thiệu về trường được in ấn chất lượng cao và các buổi “hội thảo du học” được tổ chức ở khách sạn “năm sao” không đủ để bảo đảm rằng trường ấy là có thật và hẳn là một trường có uy tín. Cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.

Ngoài ra, cũng cần chọn trường trên cơ sở tình hình thành phố nơi đó. Tình hình xã hội ở một thành phố lớn bao giờ cũng phức tạp hơn và mức độ tội phạm cũng lớn hơn. Nước Mỹ có 50 tiểu bang và mức sống ở mỗi tiểu bang rất khác nhau. Nhìn chung, ở những thành phố lớn thì giá cả rất đắt đỏ. Nếu có đủ thông tin để có lựa chọn khôn ngoan thì cũng có thể giảm chi phí sinh hoạt, ăn ở xuống còn một nửa so với chi phí ở một thành phố lớn.

Có không ít sinh viên ở Mỹ có thể vừa đi học vừa đi làm và rất thành công, nhưng không nên quá tin rằng con em mình cũng thành công như vậy để tin rằng con em mình cũng sẽ dễ dàng vừa đi học vừa đi làm, chỉ sau một năm sẽ có thể tự túc.

Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh nên lưu ý trước khi quyết định cho con đi du học, đã có đủ tài chính (bao gồm học phí, sinh hoạt phí và những khoản chi phí khác) cho toàn bộ bôn năm học mà con mình sẽ học hay không. Không ít người có đủ nguồn lực chỉ cho một năm học và nghĩ là mình có một năm để lo cho năm tiếp theo.

Trước hết các bậc phụ huynh cần biết rằng để có việc làm có thu nhập ổn định tại Mỹ không phải là dễ. Nếu ban ngày đi học và ban đêm đi rửa chén bát hay chạy bàn cho một nhà hàng thì thật sự là rất vất vả và khó có thể kéo dài suốt bôn năm học được, đặc biệt là vào mùa thi hết khóa.

Do vậy, đa số người Mỹ thường bắt đầu tích lũy tài chính cho con vào đại học từ những năm con cái họ đang còn bé. Những sinh viên Mỹ gặp khó khăn về tài chính thì nhà trường có chương trình cho vay tín dụng học đường và những sinh viên này được ưu tiên xếp việc làm thêm ngoài giờ ở trong trường.

Nếu vừa đi học vừa phải lo không biết năm tới có còn được đủ điều kiện tài chính để tiếp tục học không, hoặc không biết mình phải tranh thủ làm công việc gì, vào giờ nào trong ngày để trang trải cho cuộc sống, chắc chắn việc học sẽ bị ảnh hưởng. Do lẽ chương trình học ở Mỹ rất nặng, rất cao và trải đều cho cả năm học.

Không ít người nghĩ rằng theo học ở một đại học có nhiều giáo sư nổi tiếng và đoạt giải Nobel này nọ thì sẽ được các vị giáo sư này trực tiếp giảng dạy. Sự thật không phải như vậy. Do sức ép về cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và xuất bản công trình, đa số các giáo sư giỏi và kinh nghiệm lâu năm bị cuốn hút vào hoạt động nghiên cứu khoa học và có rất ít thì giờ để tham gia giảng dạy, đặc biệt ở cấp cử nhân.

Do vậy, đa số các khóa học cấp cử nhân ở những trường này là do các phụ giảng đảm trách. Các phụ giảng có thể là những sinh viên đang theo học chương trình tiến sĩ và đang làm luận án tốt nghiệp với một giáo sư nào đó.

Đa số các chương trình đào tạo của những trường đại học danh tiếng ở Mỹ có học phí rất cao. Học phí ở một trường hàng đầu có thể lên tới 1,5 tỉ đồng cho bốn năm học. Có nhất thiết phải đầu tư một số tiền khổng lồ như thế không? Cần cân nhắc mọi yếu tố trước khi quyết định, kể cả yếu tố lương bổng sau khi học xong.

Với thực tế lương bổng hiện nay tại VN, để có dư được 1,5 tỉ đồng sau 10 năm làm việc là điều mà không phải ai cũng làm được. Nếu tìm được một trường tương đương với học phí bằng phân nửa thì có thể tiết kiệm đến 750 triệu. Số tiền này có thể dùng làm vốn đầu tư ban đầu cho con cái sau khi tốt nghiệp.

Do việc du học đòi hỏi các bậc phụ huynh và bản thân học sinh phải cân nhắc nhiều yếu tố, nên một khi đã có ý định đi du học thì phải chuẩn bị càng sớm càng tốt. Muốn vậy công việc này phải tiến hành vào khoảng đầu năm học lớp 11 để có được nhiều lựa chọn khác nhau. Cách thông thường và dễ nhất để lên kế hoạch chuẩn bị là: lên lịch ngày muốn vào học đại học ở Mỹ, rồi tính lùi lại.

Ví dụ: nếu muốn học vào tháng 9-2006 thì phải xem hạn nộp đơn cho năm học ấy là ngày nào. Để có đủ hồ sơ trước hạn nộp đơn thì các mốc quan trọng ví dụ như phải thi SAT và TOEFL vào đợt nào trước đó... Nói chung là phải xem cụ thể yêu cầu của trường mình muốn theo học rồi lên lịch cụ thể để có đủ điều kiện và hồ sơ trước ngày hết hạn nộp đơn.

Ở VN, Viện Giáo dục quốc tế (Institute for International Education) của Mỹ, viết tắt là IIE, là một tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM. Hai văn phòng này cung cấp thông tin, tư vấn miễn phí về giáo dục Mỹ. IIE cũng là một đơn vị đăng cai tổ chức các kỳ thi SAT, TOEFL và các kỳ thi khác mà đại học Mỹ yêu cầu. Phụ huynh hoặc học sinh có thể trực tiếp đến để xin tư vấn hoặc tham khảo tài liệu miễn phí tại hai văn phòng này. Hoặc mọi người cũng có thể tham khảo qua trang web tại www.iievn.org.

Theo T.S Trần Xuân Thảo
Tuổi Trẻ