Du học hè: Đừng để “du” nhiều hơn “học”
Thời điểm nghỉ hè cũng là lúc nhiều phụ huynh lo lắng tìm cho con những lớp học nghệ thuật như đàn, hát, múa bên cạnh việc học. Và với những gia đình có điều kiện, việc đăng ký cho con một khóa du học hè tại nước ngoài là điều không còn lạ lẫm.
Tuy nhiên, các khóa du học tiền “khủng” này liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn?
Chương trình học không dành cho người nghèo
Với các phụ huynh, hè là thời gian vui chơi hoàn toàn cho các con hoặc là thời gian để thúc ép con nhồi nhét thêm các kỹ năng như đàn, hát, múa bên cạnh việc học. Mọi người đều thấy cái lợi – hại của từng quan điểm. Thế nên khi có một chương trình dung hòa giữa chơi và học, giữa rèn luyện kỹ năng sống và tiếp thu các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới như du học hè thì nhanh chóng được các bậc phụ huynh hưởng ứng và quan trọng hơn, con cái họ tỏ ra rất thích thú với chương trình.
Nắm bắt được nhu cầu muốn cho con cái phát triển toàn diện, nhiều trung tâm ngoại ngữ đã đưa ra những khóa du học hè nhằm có những trải nghiệm học tập, vui chơi ở nước ngoài. Phải nói luôn rằng, để cho con tham gia một khóa học hè tại nước ngoài là điều không dễ dàng với những gia đình không dư dả về vật chất. Bởi một khóa học hè tại các nước phát triển trong khu vực như Singapore hay Malaysia cũng có giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Những trung tâm đào tạo liên kết có tiếng như Language Link và Apollo Việt Nam cũng đưa ra những chương trình du học cho các bé từ 8 – 15 tuổi đi du học hè.
Khóa học 2 tuần đi Singapore do trung tâm Language Link tổ chức có giá là 49 triệu; khóa học tại Mỹ là 120 triệu cho 3 tuần. Trung tâm Apollo cũng có những chương trình đi tương tự với giá Singapore 1 tuần là 31 triệu đồng; 2 tuần là 51 triệu đồng. Khóa du học hè tại Mỹ và Anh 2 tuần khoảng 100 triệu đồng.
Chương trình học kỹ năng sống (KNS) kết hợp với học và giao tiếp bằng tiếng Anh dành cho trẻ tiểu học tại Singapore, Trung tâm Anh Văn hội Việt Mỹ ( VUS) còn có những gói học đa dạng với những mức giá khác nhau tùy thời gian cho phụ huynh lựa chọn như gói Singapore 1 tuần (bắt đầu từ 8/7) giá 1.650 USD, gói 2 tuần (bắt đầu từ 24/6) giá 2.650 USD, gói 3 tuần (hai tuần đầu ở Singpore, một tuần sau ở Malaysia, bắt đầu 1/7) với giá 3.650USD tương đương với khoảng 77 triệu VNĐ.
Các chi phí trên bao gồm vé máy bay, tiền ở, tiền ăn, học phí, vé thăm quan, phí đi lại. Tuy nhiên, với số tiền gần 100 triệu cho 2 – 3 tuần du lịch, tìm hiểu tại nước ngoài dành cho lứa tuổi từ 7 – 15 thì xem ra các bậc phụ huynh rất “có điều kiện”.
Chị Nguyễn Khánh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) mang gần 50 triệu đồng đóng cho ban tổ chức để con gái tham dự trại hè Singapore trong tuần từ ngày 2/7- 9/7.
Chị tâm sự: “Trung tâm quảng cáo trại hè này dành cho học sinh từ 12-17 tuổi. Cháu sẽ được tham quan các địa điểm nổi tiếng của Singapore, giao lưu Anh ngữ và học các môn Kỹ năng sống với các bạn cùng tuổi. Hi vọng sau khóa học một tuần này về trình độ tiếng Anh của cháu sẽ tốt lên và cháu sẽ bạo dạn hơn nhiều. Mặc dù số tiền bỏ ra không nhỏ, nhưng để con có cơ hội được làm quen với môi trường học tập ở nước ngoài cũng là không phí phạm”.
Tốn kém, nhưng có hiệu quả?
Du học hè đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng 6-7 năm nhưng chỉ từ 3 năm trở lại đây mới trở nên sôi nổi, hút khách. Thời điểm này, khi phần lớn học sinh lớp 9, lớp 12 đang tập trung ôn thi cuối cấp thì nhiều học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11 lại đang háo hức tìm hiểu thông tin về du học hè.
Có 80-90% phụ huynh cho con đi du học hè có hướng cho con đi du học lâu dài sau này. Du học hè chỉ là bước “tiền trạm”, nhằm rèn luyện cho các em thói quen tự lập, làm quen với môi trường học và sống ở nước ngoài, cho dù các chương trình vẫn nặng phần “du” hơn phần “học”.
Hiện các chương trình du học hè chưa được quản lý, hầu hết chỉ dựa trên sự thỏa thuận giữa các công ty, trung tâm với phụ huynh học sinh. Bạn Nguyễn Thùy Vân (THPT Phan Đình Phùng) cho biết: “Những khóa học ngắn hạn kiểu này chỉ thực sự bổ ích nếu mỗi cá nhân tự tin, chịu khó học hỏi và hòa nhập tốt, như vậy khả năng ngoại ngữ và cách suy nghĩ, xử lý công việc sẽ dễ dàng, khoa học hơn. Còn nếu đi du học ngắn hạn chỉ để chứng tỏ mình có điều kiện hay để trốn khỏi sự quản lý của gia đình thì chẳng khác nào đi du lịch giá cao”.
Ở Việt Nam, cha mẹ có xu hướng không tin vào con cái, nên thường quá bao bọc. Do vậy tự dưng “hất” trẻ vào một trại hè nước ngoài, đảm bảo sẽ gây tác hại nhiều hơn là lợi ích. Khi con chưa vững về kinh nghiệm sống thì ngoại ngữ có giỏi mấy cũng chưa thể gọi là thuần thục.
Không có bất kể ai dám đảm bảo 100% trẻ không gặp sự cố. Bởi trẻ không có đủ khả năng tự ứng phó với những tình huống bất ngờ. Nếu bị lạc, làm thế nào để tự tìm đường trong khi những người lớn như chúng ta có vốn sống và khả năng ngoại ngữ vững vàng, khi lần đầu đi du học nước ngoài vẫn có nhiều khả năng không tìm được đường về khách sạn.
Chị Phạm Thùy Linh (nhân viên ngân hàng MB – Hà Nội) phàn nàn: “Năm ngoái mình cũng đăng ký cho con trai theo học một trại hè quốc tế. Trung tâm quảng cáo nhiều lắm, nào là cơ hội giao lưu ngoại ngữ, cơ hội tham gia các lớp kỹ năng sống … Tiền đóng cũng hơn 20 triệu, thế nhưng sau khóa học, con trai chẳng tiến bộ lên tý nào. Hỏi ra thì các cháu chẳng giao lưu tiếng Anh với ai, chỉ ngồi nói tiếng Việt với nhau, rồi đi chơi công viên, ăn uống”.
Hơn nữa, các khóa học thường được thiết kế theo công thức: Buổi sáng, học sinh tham gia vào các lớp học tiếng Anh, buổi chiều và tối sẽ tham gia vào các cuộc đi chơi, tham quan các viện bảo tàng trong thành phố, tham gia các câu lạc bộ, giao lưu văn hóa với học sinh quốc tế, đốt lửa trại…
Đánh vào tâm lý đi cho biết đó biết đây, vừa học vừa được chơi mà các công ty đã đưa vào chương trình lịch tham quan còn cụ thể và hấp dẫn hơn lịch học. Thời gian du học hè thường được thiết kế từ 4 đến 6 tuần, thậm chí có cả khóa học chỉ 1-2 tuần, nên hiệu quả du học có thể sẽ không cao.
Du học hè cũng là một “phép thử” cho những em có ý định du học sau này, nó thể hiện khả năng chịu đựng và sự thích ứng với nền văn hóa mới của mỗi học sinh. Đáng buồn là có nhiều em không biết tận dụng thời gian để học tập, chỉ thích tụ tập buôn chuyện bằng tiếng Việt, thích đi mua sắm, chơi game tại phòng… Với những trường hợp này, sự kỳ vọng của cha mẹ về con mình chỉ thu lại kết quả là con số không.
Theo Petrotimes