Tú tài Trung Quốc:
Du học để “trốn” thi đại học
(Dân trí) - Trong khi các bạn cùng lớp cấp tập chuẩn bị cho kì thi tuyển sinh vào ĐH, Chen Ruqian vẫn ngồi nhàn rỗi ở nhà. “Kì thi tuyển sinh đại học thật là khủng khiếp và tôi cảm thấy thật may mắn vì đã thoát kì thi này”, cô tú 18 tuổi tâm sự.
Sở dĩ cô nữ sinh xuất sắc của Trường Trung học Ngoại ngữ Thượng Hải danh tiếng có thể ung dung ngồi nhà chơi vì cô đã nắm trong tay tấm vé vào một trường Cao đẳng của Mỹ.
Chen cho biết tất cả những học sinh giỏi nhất của trường cô đều sắp sửa học tại Mỹ. Trong năm ngoái, 80 người trong số gần 300 tú tài của trường Ngoại ngữ Thượng Hải đã được các trường đại học Mỹ chấp nhận, 40 tú tài khác sang du học tại Anh.
Theo Chinadaily, trong năm 2008 có khoảng 180.000 người Trung Quốc đi du học mà gần nửa trong số này là những học sinh tốt nghiệp trung học. Tại các trường trung học nổi tiếng ở những thành phố lớn khắp Trung Quốc đều có tình trạng chung là con số học sinh du học ngày càng tăng. Các em đi du học là vì muốn có cơ hội học hành tốt hơn hoặc đơn giản là để tránh kì thi tuyển sinh đại học “một sống một còn”.
Từ lâu nay, kì thi tuyển sinh đại học vẫn được đa số người Trung Quốc coi là cơ hội đổi đời để có thể kiếm công việc tốt hơn và thu nhập cao hơn. Nhưng trong những năm gần đây, không ít bậc phụ huynh nước này lên tiếng phàn nàn về kì thi tuyển sinh khắc nghiệt cũng như về chất lượng kém của hệ thống giáo dục bậc đại học, theo nhận định của Yin Kai, chuyên gia giáo dục ở công ty giáo dục quốc tế Chivast.
Theo chuyên gia này, khi người Trung Quốc trở nên giàu có hơn và cởi mở hơn, nhiều người đã cho con em đi du học để được đào tạo tốt hơn và có cơ hội phát triển toàn diện hơn.
Đồng thời, kể từ năm 2005, nhiều trường đại học nước ngoài đã hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào để thu hút thêm sinh viên Trung Quốc.
Bà Li Xin, mẹ của nữ sinh Chen Ruqian, đã thuyết phục con gái đi học ở Mỹ bởi vì bà không hài lòng với hệ thống giáo dục bậc cao của Trung Quốc. Bà Li Xin cho rằng, các lớp học trong các trường đại học Trung Quốc quá đông sinh viên và giảng viên không thể quan tâm đến tất cả các nhu cầu của sinh viên.
Bà Li và cô con gái Chen Ruqian đã chuẩn bị cho kế hoạch du học của cô trong suốt sáu năm trời, Chen Ruqian đã dự các kì thi TOEFL, SAT và tham gia tích cực vào vô số hoạt động xã hội.
“Tuy nhiên tất cả những nỗ lực này cũng vẫn không mệt mỏi bằng việc tham dự kì thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc”, bà Li cho hay.
Xuân Vũ
TheoChinadaily