Dự báo xu hướng tuyển sinh của các đại học lớn trong năm tới
(Dân trí) - Việc thi vào các trường đại học hàng đầu có tính cạnh tranh rất cao nên chưa bao giờ là việc dễ dàng, do đó cần ôn luyện sớm, năm nay gần như các học sinh không có kì nghỉ hè để tận dụng ôn luyện
Đầu năm 2020, câu chuyện hàng loạt trường đại học hàng đầu dự định tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng đã khiến các bạn sĩ tử sinh năm 2002 rất lo lắng.
Rất may là đa số các trường đã tạm dừng việc tổ chức thi riêng, và ở Miền Bắc chỉ còn lại kỳ thi riêng của ĐHBK Hà Nội là vẫn diễn ra theo dự kiến, nhưng số chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả kỳ thi này được giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 30% tổng chỉ tiêu.
Trong khi đó ở khu vực Miền Nam, kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQG TPHCM tổ chức đã có một sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng thí sinh đăng ký dự thi và số trường sử dụng kết quả kỳ thi vào việc xét tuyển.
Như vậy, tới thời điểm này thì phương thức tuyển sinh đại học (TSĐH) năm 2020 đã khá rõ ràng. Vậy việc TSĐH năm 2021 sẽ thay đổi như thế nào?
Các kỳ thi tuyển sinh riêng của các đại học hàng đầu liệu có tiếp tục bị trì hoãn? Và xu hướng ra đề thi riêng của các đại học sẽ khác gì so với đề thi của những năm qua. Đây là câu hỏi được nhiều bạn học sinh đặc biệt quan tâm, nhất là các bạn sinh từ năm 2003 trở về sau.
Chúng ta biết rằng theo Luật Giáo Dục mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 thì kỳ thi THPT Quốc Gia hiện nay sẽ buộc phải thay đổi theo hướng đề thi sẽ dễ hơn nhiều so với hiện nay và chỉ còn mang một chức năng duy nhất là đánh giá tốt nghiệp THPT.
Mặc dù các đại học và cao đẳng (ĐHCĐ) vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT mới để tuyển sinh đầu vào, nhưng kết quả này chỉ phù hợp cho việc tuyển sinh của các trường ĐHCĐ ở nhóm dưới với mức cạnh tranh đầu vào thấp.
Do đề thi quá dễ nên rất khó phân biệt được các nhóm học sinh có học lực khá, giỏi, và xuất sắc, nên bắt buộc các trường đại học hàng đầu, có uy tín lớn và tỉ lệ cạnh tranh cao phải tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng của mình, hoặc là đồng tổ chức với trường khác, hay là sử dụng kết quả của một kỳ thi khác phù hợp hơn với việc TSĐH.
Đến đây xuất hiện câu hỏi là khi tổ chức các kỳ thi riêng như vậy thì nội dung thi sẽ được thay đổi theo hướng nào ? Có còn giống với đề thi THPT QG không? Câu trả lời nằm trong chức năng của đề thi TSĐH, đó là để kiểm tra xem thí sinh có đủ các năng lực cho việc học ở trên đại học hay không.
3 nhóm năng lực quan trọng
Các năng lực quan trọng này có thể gộp vào thành ba nhóm, và tùy từng nhóm có phương thức kiểm tra đánh giá tương ứng, cụ thể:
- Nhóm năng lực sử dụng ngôn ngữ, bao gồm Tiếng Việt và Ngoại Ngữ (thường là Tiếng Anh): Phần thi Tiếng Anh sẽ không khác gì với các kỳ thi mà chúng ta đã biết do môn học này về bản chất là quốc tế.
Phần thi Tiếng Việt tập trung vào đánh giá năng lực đọc hiểu các văn bản có tính chính xác, khoa học và khả năng viết văn nghị luận. Lưu ý trong kỳ thi TSĐH, năng lực văn chương sẽ không được chú trọng như trong kỳ thi THPTQG.
- Nhóm năng lực logic toán, bao gồm Toán và Logic: Phần này sẽ kiểm tra lại kiến thức Toán mà học sinh đã được học ở phổ thông và khả năng vận dụng Toán học vào giải quyết các vấn đề thực tế đơn giản, phù hợp với đối tượng học sinh.
Đề thi có thể là trắc nghiệm hoặc tự luận, hoặc cả hai hình thức phối hợp với nhau. Và tùy vào ngành học và trường học, đề thi có thể đánh giá thêm năng lực tư duy logic của thí sinh thông qua các câu hỏi logic.
- Nhóm năng lực khoa học, bao gồm kiến thức khoa học và năng lực vận dụng kiến thức đó vào giải quyết vấn đề: Phần này kiểm tra lại kiến thức khoa học của học sinh đã được học ở phổ thông. Câu hỏi đưa ra có thể là để kiểm tra kiến thức hoặc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức đó để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tùy theo ngành học, có thể có môn học được ưu tiên hơn trong đề thi, chẳng hạn các ngành kỹ thuật sẽ ưu tiên môn Vật lý, các nghành Sinh học, Nông nghiệp, và Y khoa sẽ ưu tiên môn Hóa học và môn Sinh học, … Câu tạm thời vẫn riêng cho từng môn học nhưng đề thi sẽ có xu hướng gộp các môn vào để thi chung nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức.
Thông qua phân tích ở trên có thể thấy một điểm rất quan trọng mà các bạn học sinh thi năm 2003 cần lưu ý, đó là việc thi TSĐH dù được thực hiện theo phương thức nào thì về cơ bản sẽ đánh giá kiến thức và năng lực mà các bạn tích lũy được ở giai đoạn học phổ thông, nhưng sẽ toàn diện hơn và có tính thực tiễn hơn so với trước đây.
3 điểm lưu ý cho thí sinh sinh năm 2003
Để có thể ôn thi cho tốt, nhất là trong giai đoạn chưa có thông tin chính xác về việc thi vào từng trường, các bạn sinh năm 2003 cần lưu ý ba điểm sau đây:
- Thứ nhất là không được chủ quan, việc thi vào các trường đại học hàng đầu có tính cạnh tranh rất cao nên chưa bao giờ là việc dễ dàng do đó cần ôn luyện sớm, năm nay gần như các bạn không có kì nghỉ hè để tận dụng ôn luyện Nếu chờ cho tới khi phương thức tuyển sinh của các trường được công bố rõ ràng thì sẽ muộn, không còn đủ thời gian.
- Thứ hai, nên bắt đầu bằng việc học chương trình phổ thông một cách toàn diện và cơ bản. Tránh học lệch và không nên tập trung vào những thứ quá phức tạp. Cần chú trọng hơn đến khía cạnh vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tế và lưu ý đến các chứng chỉ tiếng Anh như IELST
- Thứ ba, cần theo dõi và cập nhật thông tin về công tác tuyển sinh từ các đại học mà các bạn mong muốn thi vào để kịp thời điều chỉnh việc ôn thi cho phù hợp với phương thức tuyển sinh của nhà trường. Trường hợp kỳ thi riêng có những nội dung đặc biệt, chẳng hạn như các nội dung logic, đọc hiểu, viết luận, … thì nên học bổ sung những nội dung này từ những giáo viên có uy tín sẽ giúp các bạn tối đa hóa kết quả thi.
Các bạn ở khu vực Miền Nam nên đặc biệt lưu ý tìm hiểu về kỳ thi ĐGNL do ĐHQG TP HCM tổ chức, đây là kỳ thi có uy tín và chất lượng cao. Dự đoán là sẽ được đại đa số các trường đại học ở khu vực Miền Nam tin dùng vào việc tuyển sinh năm 2021.
Cuối cùng, xin chúc các em tìm thấy niềm vui học tập và có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh năm 2021.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam