Dòng tin nhắn của một lớp phó học tập: "Thầy ơi, con muốn... chết!"
(Dân trí) - "Con đang ở trên lầu 3. Một mình. Thầy ơi, con muốn chết!", những dòng tin nhắn của cậu học trò lớp 10 làm thầy giáo "rụng tim". Thầy gọi điện, bật camerea.. để trò chuyện với học trò.
Tuần rồi, sự việc nam sinh lớp 6 ở Hà Nội nhảy lầu làm nhiều người rụng rời. Vậy nhưng, việc học trò tự vẫn không phải là chuyện xưa nay hiếm, gần năm nào cũng xảy ra.
Trường hợp học trò tự tử theo nhiều người chỉ là "tảng băng nổi" so với số học trò có ý định hoặc suy nghĩ tự tử. Nhiều giáo viên trong quá trình tiếp xúc với học trò gặp không ít câu chuyện đau lòng...
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cũng công bố trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
"Con đang trên lầu 3!"
Nhắc lại câu chuyện cách đây không lâu, thầy Nguyễn Văn Trung, nguyên giáo viên một Trường THPT ở quận 3, TPHCM vẫn chùng lòng. Tối đó, một em học trò nhắn tin cho thầy nói... em đang ở trên sân thượng lầu 3 và em đang chờ để nhảy xuống. Em nhắn: "Thầy ơi, con muốn chết!".
Thầy Trung bủn rủn. Cậu học trò một mình trong căn nhà rộng thêng thang, không ai bên cạnh. Qua lời kể của em thầy chỉ biết từ bé em đã thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ em gây gổ, đánh nhau.
4 năm nay, bố em đã chuyển đến sống với người phụ nữ khác, vài tháng mới về nhà. Người mẹ bận rộn, đi suốt ngày. Gần đây, theo cậu học trò, mẹ mình có bạn trai nên càng ít về nhà, ngày nào bà cũng gọi điện chỉ để nhắc "lo học đi". Một mình lủi thủi, ngày em càng chán chường, không thiết sống...
Tối đó, thầy giáo gọi điện qua video call với cậu học trò suốt đêm hòng giữ chân em. Cậu học trò nằm trên sân thượng, một mình uống rượu bia... Đến 2 giờ sáng, nghe lời thầy, em đi xuống nhà khi đã say khướt.
Thầy Trung chia sẻ, đó chỉ là một trường hợp mình vô tình biết được do em là lớp phó học tập, hay nhắn tin qua lại. Hiện nay, đời sống học trò cực kỳ phức tạp, nếu chỉ nhìn bên ngoài, không dễ nhìn thấy được những bất ổn bên trong các em.
Không cần đến những nghiên cứu, khảo sát hay các con số báo động, cô Nguyễn Thị T., giáo viên dạy Văn ở quận 7, TPHCM từng cảnh báo tại tọa đàm về giáo dục: Hầu hết học trò cô dạy đều ít nhất một lần nghĩ đến việc tự vẫn, có em nghĩ đến nhiều lần.
Cô T. kể đã thâm nhập vào các nhóm chat, diễn đàn của học sinh, đi sâu vào "thế giới ngầm" của học sinh mới thấy được phần nào nỗi lòng, các vấn đề mà các em đang phải đối mặt.
Lý do các em nghĩ đến cái chết thì vô vàn, từ thất tình, bị bạo hành học đường, bị Body Shaming, kết quả học tập không như kỳ vọng, hoặc chán nản chuyện gia đình...
Trong đó, theo cô T., nhiều em chịu áp lực rất lớn từ kỳ vọng, sự áp đặt của bố mẹ. Và đặc biệt, các vấn đề của các em không được tháo gỡ khi không tìm được sự chia sẻ, không được lắng nghe, không tìm được một điểm tựa nào đó để tìm tháo gỡ cho những vấn đề của mình.
Cả chục năm, chỉ nói với con câu "lo học đi"
Tiếp xúc với các em, hòa trong thế giới của các em, cô Nguyễn Thị T. bày tỏ: "Điều đáng thương nhất là các em ngày nay không thiếu ăn thiếu mặc, không thiếu thốn gì về vật chất nhưng các em rất cô đơn và tuyệt vọng!".
Trẻ nhỏ là đối tượng chịu nhiều tác động của những bi kịch đời sống xã hội, gia đình. Cuộc sống hiện nay ít có sự gắn kết, tương tác, trẻ ít không gian thực để kết nối, để tiếp xúc giữa người và người, ngay cả trong gia đình. "Cuộc khủng hoảng gia đình" là thách thức với nhiều đứa trẻ khi bố mẹ quá bận rộn, không quan tâm chia sẻ với con cái, bố mẹ bạo lực hoặc ly hôn...
Chưa nói đến thế giới rộng lớn nhiều áp lực ngoài kia, nhiều đứa trẻ cô đơn ngay trong nhà mình, ngay khi sống bên cạnh bố mẹ. Có em, bố mẹ sáng đi đêm về hoặc đi công tác triền miên, muốn nói gì với bố mẹ thì "viết giấy dán lên tủ lạnh"; có em hàng ngày rạch tay, uống thuốc ngủ rồi lên mạng tâm sự để nhận về sự chia sẻ, những lời động viên "dừng lại đi" từ nickname xa lạ...
Nhiều đứa trẻ cứ mở lời với bố mẹ là bị la mắng, phán xét; có những đứa trẻ "đóng cửa" với bố mẹ nhưng cũng không ít trẻ nổi loạn để mong bố mẹ thấy mình còn tồn tại...
Một nữ sinh ở trường cai nghiện game, khi kể về hành trình dấn thân vào game, thậm chí từng có ý định giết người để có tiền chơi game, em nói: "Cả chục năm qua, từ khi em vào lớp 1, câu duy nhất bố mẹ nói với em là "lo học đi". Khi chơi game, em bớt cô đơn".
Đời sống, tâm lý học trò phức tạp đặt ra thách thức lớn với nhà trường, giáo viên. Trường học, giáo viên giờ đây không chỉ là dạy chữ, dạy kiến thức mà cần nắm, hiểu về cuộc sống, khó khăn của trẻ. Đòi hỏi trường học phải xây dựng một hệ thống hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ.
Vậy nhưng, việc hỗ trợ tâm lý trong trường học còn rất hạn chế, nhiều trường không có chuyên gia tâm lý hoặc có cho... có. Việc hỗ trợ trẻ nhiều khi vượt quá năng lực của nhà trường, của giáo viên.
Bà Vũ Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Đào tạo tại một hệ thống trường ngoài công lập, đồng tác giả bộ sách "Chăm trái tim ấm - Dưỡng trí não con tinh" chia sẻ, đối với nhiều vấn đề của học trò, khả năng của người thầy là... có hạn. Nhiều vấn đề của học sinh xuất phát từ gia đình, mình không thể can thiệp, không thể thay đổi giá trị của họ đối với việc giáo dục con. Người thầy chỉ có thể làm những việc trong khả năng của mình.
Chúng ta không thể làm việc hàn gắn hạnh phúc gia đình của họ hay thay đổi họ như mình mong muốn. Việc người thầy có thể làm là hãy cho các em biết rằng, kể cả khi thế giới có quay lưng lại với con, cho dù ba mẹ con có vấn đề gì, hãy tin luôn có cô lắng nghe, bên cạnh con.
Để ít nhất, có khi muốn "buông", học trò vẫn thấy có bàn tay luôn sẵn sàng giơ ra nắm lấy tay mình.