Đồng phục sinh viên: Nên hay không?
Đầu năm học này, nhiều trường ĐH buộc SV mặc đồng phục với đủ loại, từ đồng phục thể dục đến đồng phục khoa, đồng phục trường. Một số trường đang gây cho SV những nỗi lo không đáng có...
"Bọn em là SV chứ có phải học sinh tiểu học đâu mà cứ bị nhắc nhở vì đồng phục hoài như vậy” - SV Hồ Vĩnh An, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, một trong những người bị đuổi ra khỏi lớp vì không có đồng phục, bức xúc kể.
Bị đuổi ra khỏi lớp vì... đồng phục
An chỉ là một trong vô vàn SV của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM rơi vào trường hợp này. Chiều 26/10, giờ tin học, 30 SV năm nhất Khoa Kinh tế Vận tải Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM bị đuổi khỏi lớp vì “không có đồng phục”. Trước đó, trong giờ các môn Hóa học, Triết học Mác-Lênin... SV nhiều khoa liên tiếp bị nhắc nhở hoặc bị đuổi ra khỏi lớp, vì lý do này.
Quy định của trường đưa ra: nam, nữ SV đều cùng một loại áo đồng phục màu trắng, có in phù hiệu trường lên tay trái, mua tại Văn phòng Đoàn trường và quần xanh đen, tối màu. Một SV năm nhất, vừa chân ướt chân ráo vào trường, em Nguyễn Thị Ngọc Ánh, trình bày: “Em trúng tuyển nguyện vọng 2, lên văn phòng thì áo đồng phục hết... ba tuần sau chưa có, thế là em và nhiều bạn mới vào bị giảng viên nhắc nhở, thậm chí nhiều lần bị đuổi ra khỏi lớp”.
Không mặc đồng phục, bị hạnh kiểm
Theo quy định của Trường ĐH dân lập Văn Lang, mỗi khoa sẽ có một loại đồng phục riêng nhưng bắt buộc nữ phải mặc áo dài. Khoa Công nghệ sinh học yêu cầu nữ SV phải mặc áo dài màu vàng, khoa Ngoại ngữ thì yêu cầu áo dài màu xanh biển, quần màu vàng...
“Để đi vào nề nếp, việc mặc đồng phục được tính vào điểm rèn luyện của mỗi SV”, một giảng viên khoa Ngoại ngữ của trường cho biết. Chính vì “tính vào điểm rèn luyện” nên SV nào cũng “sợ”.
Trong vai tân SV, tôi được Nguyễn Thị Cẩm Anh, SV năm 3, khuyên: “Đi học mấy tuần rồi mà chưa có à? Em phải may sớm đi... không là nguy đến hạnh kiểm đấy”. Rồi Cẩm Anh nói về những trường hợp cuối khóa bị yếu về hạnh kiểm vì “mặc đồng phục không chuyên cần...”.
Bắt mua nhưng không bắt mặc
Đa phần các trường ĐH có quy định về đồng phục đều bắt mua từ khi nhập học. Nhưng mua xong cất vào tủ không phải là chuyện hiếm thấy. Tại Trường ĐH dân lập Hồng Bàng, SV nào nhập học cũng phải mua đồng phục thể dục, đồng phục áo dài đối với nữ và sơ mi đối với nam. Tuy nhiên, mua xong rồi để đó là chuyện thường.
Lê Thị Phương Thúy, SV năm 4 khoa Châu Á, nói: “Mình mua từ lúc nhập học, đến nay đã bốn năm rồi nhưng mới mặc có lần đi học đầu tiên rồi thôi”. Nếu không phải mặc thì mua làm gì, Thúy cho biết: “Nhưng mua là bắt buộc!”.
SV Trường ĐH dân lập Hùng Vương cũng nói tương tự. Bạn Cẩm Tú, cựu SV của trường này cho biết mua đồng phục từ năm thứ nhất, hai năm sau mới dùng đến, chật quá... mặc không vừa... thế là phải đi may lại.
Thu nhập của trường? Đã nói là đồng phục thì chỉ có thể mua tại trường hoặc một điểm nào đó do trường giới thiệu. Nhưng giá cả mỗi nơi một khác. Nhiều trường bán với giá cao hơn rất nhiều lần so với giá thị trường. Trường ĐH dân lập Hồng Bàng, giá bộ quần áo thể dục: 80.000 đồng, áo dài: 120.000 đồng - 150.000 đồng tiền vải; Trường ĐH dân lập Hùng Vương, bán vải áo dài 100.000 đồng/bộ; Trường ĐH Giao thông vận tải, áo sơ mi nam 40.000 đồng/chiếc, quần áo thể dục: 32.000 đồng/bộ...; Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, giá áo thể dục: 25.000 đồng/cái. SV Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ thì thắc mắc trước việc lên giá bất ngờ của bộ quần áo thể dục từ 35.000 đồng/bộ năm 2004-2005 lên hơn 60.000 đồng/bộ năm 2005-2006. Còn em Nguyễn Văn Anh Châu, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, buồn rầu nói: Vải đồng phục thì xấu, ở ngoài chỉ đáng một nửa thì trường bán lên gấp đôi. |
Theo Người Lao Động