Đồng Nai: Học sinh đứng học

Tại một lớp 1 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (TP Biên Hòa), chỉ một vài học sinh thuộc diện “lớn trước tuổi” là có thể ngồi viết trên những bộ bàn ghế mới. Các em còn lại đều phải đứng thẳng, hoặc tì mông vào ghế, rồi nghiêng mình với tay lên mặt bàn để viết.

Không ít học sinh, dù đã đứng nhưng khoảng cách từ mắt đến mặt bàn sát rạt, không đảm bảo an toàn cho mắt. Nhiều em do đứng lâu, mỏi chân quá, chịu không nổi, phải tạm nghỉ... đứng bằng cách nhón chân... lấy đà, mới có thể ngồi lên ghế.

 

Cô giáo Đoàn Ngọc Hương, GV lớp 3/2, cho biết: “Thấy các em đứng lâu tội nghiệp, tôi bảo các em ráng ngồi thử coi. Nhưng chỉ ngồi một lát các em lại đứng lên, vì không thể viết bài được”. Trong lớp của cô Hương, một nửa học sinh phải đứng như thế.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trường học ở Đồng Nai, đặc biệt là những trường vừa xây dựng xong hoặc vừa được thay bàn ghế mới, đều “vướng” vào tình trạng này vì bàn ghế được trang bị chỉ theo một kích cỡ như thế.

 

Theo quy định của Bộ Y tế về tiêu chuẩn bàn ghế cho HS thì kích thước bàn, ghế phải phù hợp với tầm vóc HS và phải rời nhau để HS dễ dịch chuyển khi cần; ghế phải có thành tựa lưng hơi ngả về sau.

 

Ở tiểu học, bàn ghế có ba kích cỡ như sau: ghế cao 30cm, 33cm, 38cm và bàn cao tương ứng là 50cm, 55cm, 61cm.

Tại TP Biên Hòa, ngoài Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu còn có các trường tiểu học Phan Bội Châu, Tam Hiệp A, Tam Hiệp B.

 

Tại huyện Xuân Lộc, ông Nguyễn Công Danh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện, cho biết, khoảng 1/4 số trường tiểu học rơi vào tình trạng tương tự.

 

Ở tiểu học có năm khối lớp, tại sao bàn ghế lại chỉ có một cỡ? Trả lời câu hỏi này, hiệu trưởng các trường tiểu học khẳng định: nhà trường chỉ là đơn vị thụ hưởng, việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị như thế nào họ không hề biết!

 

Chiều 9/10, ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết: Ông đã đi kiểm tra một số nơi và xác nhận HS phải đứng học là sự thật. Trả lời câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm về vấn đề HS phải học đứng và bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?”, ông Hoàng nói: “Việc xây dựng các trường học từ cấp THCS trở xuống Sở đã giao cho các huyện thị, mỗi huyện thị đều có Ban Quản lý dự án để lo việc này, nên lỗi này thuộc các địa phương”.

 

Về hướng khắc phục tình trạng nói trên, ông Hoàng cho biết, trong vài ngày tới, trễ nhất là đầu tuần tới, sẽ phải chỉnh sửa lại kích cỡ bàn ghế cho phù hợp với độ tuổi, đồng thời phải tính toán bố trí lại giờ học của các khối lớp để sao cho học sinh từ lớp 1- lớp 3 sẽ dùng chung một kích cỡ, học sinh lớp 4 và 5 sẽ dùng chung một kích cỡ.

 

Theo Minh Nhật
Phụ nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm