Đóng cửa trường cũng phải theo luật

Kỳ thi tuyển sinh đã bước sang đợt cuối cùng nhưng nhiều trường vẫn không tuyển được người học. Liệu các trường này có nên tiếp tục tồn tại?

 


Đóng cửa ĐH kém chất lượng là cách tốt nhất bảo đảm quyền lợi của sinh viên, chấn chỉnh chất lượng giáo dục đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đóng cửa ĐH kém chất lượng là cách tốt nhất bảo đảm quyền lợi của sinh viên, chấn chỉnh chất lượng giáo dục đại học. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định: “Đình chỉ hoạt động của một trường không đơn giản,  phải có luật! Một trong những điều kiện để đình chỉ  là không tuyển sinh được nhưng hiện nay, trường kém nhất cũng tuyển được hơn 100 người học”.

Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều trường chưa tuyển đủ người học, có ý kiến cho rằng do Bộ GD&ĐT tính sai số lượng thí sinh vượt điểm sàn. Ý kiến bà về vấn đề này?

Ý kiến cho rằng chỉ năm nay nhiều trường không tuyển được người học là không đúng vì mấy năm nay các trường đã không tuyển được đủ người học. Năm nay, chỉ tính đến hết đợt tuyển thứ hai, số thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển đã nhiều hơn số lượng tuyển được của vài năm trước. Số người đi học CĐ, ĐH mấy năm trước là hơn 500.000 người, năm nay, sau đợt 2 đã có khoảng 530.000 người nằm trong danh sách trúng tuyển, cao hơn 2 năm trước. Điều này cho thấy, lượng người đi học chỉ đến mức đó. Số người đi học CĐ và học nghề cũng không nhiều lắm.

Vì sao mấy năm trở lại đây số người đi học ít, vậy thí sinh đi đâu cả, thưa bà?

Chưa ai nghiên cứu hay điều tra về điều này, nhưng theo tôi có thể kể tới những nguyên nhân sau: Càng ngày tỷ lệ sinh càng ít đi dẫn đến ít học sinh hơn; công tác phân luồng tốt hơn cộng với  dư luận về việc có khoảng 100.000 cử nhân ra trường không có việc làm cũng khiến người học phải cân nhắc. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều khu công nghiệp mới tuyển số lượng lớn người lao động với một viễn cảnh hấp dẫn: học việc 1-2 tuần hoặc dưới 1 tháng là có thể đi làm và có lương. Khu công nghiệp Samsung tuyển dụng liên tục; các khu công nghiệp đưa xưởng về tận các huyện ở Nam Định, Bắc Ninh… là nguồn việc làm hấp dẫn đối với người lao động.

Nhiều trường, dù là lý do gì, không tuyển được người học có nên bị đóng cửa để “thanh lọc” lại hệ thống trường ĐH, CĐ không?

Đình chỉ hoạt động của một trường không đơn giản, phải có luật! Một trong những điều kiện để đình chỉ là không tuyển sinh được nhưng hiện nay, trường kém nhất  cũng tuyển được hơn 100 người học. Nhìn nhận một cách khách quan, người ta đã đầu tư hàng đống tiền vào trường ngoài công lập thì họ phải tự cân đối cơ sở vật chất, thu chi, nguồn lực, giảng viên… hoặc kêu gọi chủ đầu tư mới chứ không để tự chết. Ngành có chức năng quản lý phải thực thi một cách bình đẳng và đảm bảo chất lượng. Những trường công không tuyển được thì ngành sẽ có hướng sắp xếp lại hệ thống. Nói tóm lại, làm gì cũng phải có luật, có căn cứ, chứ không thể nói đóng là đóng được.

Vậy căn cứ đóng cửa trường là gì?

Trường nào không tuyển sinh được 3 năm liên tiếp thì dừng tuyển sinh. Dừng tuyển sinh rồi mà vẫn không khắc phục được nguyên nhân ngừng tuyển sinh thì sẽ đình chỉ hoạt động (Đình chỉ có nhiều căn cứ nhưng đây là nói về nguyên nhân tuyển sinh). Hiện nay, hầu như không có trường công không  tuyển sinh được.

Vậy các trường công sẽ được sắp xếp như thế nào?

Trên cơ sở phân tầng ĐH, các trường tự chọn định hướng của mình: nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành - làm gì thì phấn đấu theo chỉ tiêu đó. Nếu, giả sử, một trường làm theo hướng thực hành thì phải đầu tư lại cơ sở vật chất, kết nối với doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp... Ngành sẽ quản về chất lượng, hiệu quả khi sử dụng kinh phí và hoàn thiện theo hướng phân tầng.

Hiện nay, có khá nhiều trường phải bán và có trường bán đi bán lại; hậu quả là, có trường, sinh viên vừa học vừa ngắm sân vận động, hôm nào có sự kiện thì sinh viên phải nghỉ. Bộ làm gì để đảm bảo người học không phải chịu ảnh hưởng của những cuộc sang nhượng, mua đi bán lại?

Không có chuyện người học bị ảnh hưởng. Trường phải đổi chủ là theo hướng kêu gọi đầu tư. Người mới góp tiền và người có tỷ lệ cao có quyền chi phối. Mọi việc chỉ có vậy, không ảnh hưởng đến người học. Lấy ĐH Bắc Hà làm ví dụ, trường này đã bị thanh tra toàn diện, bị dừng tuyển sinh một năm (2014). Năm nay trường này xin tuyển sinh nhưng Bộ không cho phép và kiên quyết  chỉ đạo: bao giờ xây được trường thì mới cho phép tuyển sinh!

Xin cảm ơn bà!

Theo Tiền Phong

“Nhìn nhận một cách khách quan, người ta đã đầu tư hàng đống tiền vào trường ngoài công lập thì họ phải tự cân đối cơ sở vật chất, thu chi, nguồn lực, giảng viên… hoặc kêu gọi chủ đầu tư mới chứ không để tự chết”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học