Bạn đọc viết:

Đòn roi và sự bất lực của người thầy

(Dân trí) - Vụ việc một giáo viên chủ nhiệm cho 43 học sinh trong lớp tát vào má em T.L. ở trường tiểu học Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) quả là vấn đề nổi trội của giáo dục trong tuần qua. Sự ám ảnh trong lòng con trẻ còn đó, nỗi ân hận và day dứt của cô giáo vẫn chưa nguôi bao giờ. Đòn roi trong giáo dục thật sự đã gieo mầm trái đắng trong tâm hồn con người.


43 cái tát vào má của một học sinh lớp 4 đã không thể tìm thấy sự đồng cảm và bao dung từ dư luận.

43 cái tát vào má của một học sinh lớp 4 đã không thể tìm thấy sự đồng cảm và bao dung từ dư luận.

Đòn roi ở mức độ nào đó vẫn có thể xem là một giải pháp giáo dục trong những tình huống bất khả kháng. Có lúc mọi lời nói đều bất lực trước sự lì lợm, khó bảo của trò. Lúc đó, một roi vào tay hoặc vào mông để đưa trẻ về đúng khuôn khổ là điều cần thiết. Và chiếc roi ấy phải xuất phát từ tình thương và cái tâm của người thầy. Có lẽ nó sẽ nhận được sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.

Nhưng 43 cái tát vào má của một học sinh lớp 4 đã không thể tìm thấy sự đồng cảm và bao dung từ dư luận. Bởi đơn giản nó đã vượt quá giới hạn của cái tâm, cái tình trong lòng người thầy. Quất một vài roi hay tát một hai cái vào mặt con trẻ đã là điều khó có thể thực hiện với rất nhiều thầy cô giáo. Vậy mà khi chứng kiến lần lượt 43 bạn học sinh đưa tay giáng bốp vào má em T.L., phải chăng cô giáo đã quá nhẫn tâm?

Xem phóng sự trên đài truyền hình, chúng ta mới thật sự nghẹn lòng với 43 cái tát ấy. Câu trả lời ngây thơ của cậu bé lớp 4 khiến chúng ta phải giật mình với sức nặng của 43 cái tát: “Có bạn thương thì bạn đánh nhẹ, nhưng hầu như các bạn đều đánh mạnh”. 43 lần hứng tát vào mặt, quả là khủng khiếp!

Không thể trách bọn trẻ tát mạnh hay tát nhẹ. Bởi các con chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề cùng với sự tinh nghịch, hiếu động của lứa tuổi sẽ khiến trẻ lầm tưởng và ra tay đánh bạn với tất cả sức lực mình có.

Bạo lực chỉ truyền đi thông điệp về bạo lực. Cả xã hội vẫn đang trăn trở tìm lối thoát cho tình trạng bạo lực học đường, khi mà tình trạng học sinh đánh đấm lẫn nhau cũng như sự vô cảm trước nỗi đau của bạn bè cùng trang lứa vẫn đang nhức nhối. Vậy mà, lẽ nào chính cô giáo lại là người dạy trò những bài học về bạo lực trong ứng xử?

Một cách vô tình, trẻ sẽ nhận thức sai lầm rằng hình phạt thích đáng cho mọi lỗi lầm sẽ là đòn roi. Việc ra tay đánh bạn chỉ là chuyện bình thường, bởi cô giáo đã cho phép. Một số em dùng sức đánh bạn để thể hiện sức mạnh rồi thích thú với điều đó sẽ là điều cực kỳ nguy hại. Tất cả sẽ chẳng khác gì sâu mọt đục khoét thiện lương trong tâm hồn trẻ thơ.

Đớn đau nhất vẫn là cậu bé T.L. với nỗi ám ảnh khôn nguôi. Bị xúc phạm ở chỗ đông người, bị đánh trước mặt bạn bè cùng lớp và bị chính 43 bạn trong lớp tát sẽ là nỗi nhục nhã lớn. Sự rụt rè, nỗi sợ hãi có lẽ sẽ còn dai dẳng bám theo em suốt một thời gian dài. Và giọt nước mắt cùng ánh mắt khắc khoải của người mẹ, người bà cậu bé bao giờ mới vơi?

Lí lẽ “Thương cho roi cho vọt” trong trường hợp này thật sự không thể là cứu cánh cho hành động sai lầm của cô giáo. “Cái roi” ấy không chỉ to bản mà còn có sức nặng vô cùng lớn giáng xuống thân thể, tâm hồn trẻ thơ. “Cái roi” ấy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể tạo ra những mầm mống nguy hại như tâm lý phẫn uất, sự hận thù, hội chứng lì đòn,…

Tôi thấy tiếc cho bao nhiêu công sức, tâm huyết trồng người của cô giáo suốt hai mươi năm qua phút chốc sụp đổ bởi một hành động giáo dục sai lầm nhất thời. Không phải mọi lỗi lầm đều quy về đòn roi. Khi sử dụng đòn roi, đó chính là lúc người thầy bất lực trong cách giáo dục trẻ. Trẻ mắc lỗi rất cần bị phạt và răn đe, vấn đề là chúng ta cần tìm một hình thức xử phạt mang tính giáo dục. Bởi nghề giáo không chỉ “gõ đầu trẻ” mà còn là người trồng nhân cách con người./.

Thùy Mai