Năm học 2008-2009:

“Đón” nhiều sự kiện và thử thách mới

(Dân trí) - Ngày tựu trường của năm học 2008-2009 đã đến tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc trong gió mưa và sân trường, bàn ghế đầy những vết bùn đất dấu tích của những cơn lũ kinh hoàng vừa đi qua…

Chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để gắng học tốt và dạy tốt là một nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục. Nhưng còn một “cuộc chiến” khác không kém phần cam go hơn là làm thế nào để tiếp tục gây dựng được niềm tin của dư luận xã hội vào giáo dục đào tạo.

Với một loạt những mục tiêu được đề ra cho năm học mới này, ngành giáo dục muốn gặt hái thành công sẽ phải đương đầu với không ít khó khăn…

Năm học ứng dụng CNTT

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, hai năm trước, ngành không chọn Công nghệ thông tin làm chủ đề năm học bởi lúc đó quan trọng nhất là thiết lập môi trường sư phạm. Sau khi thực hiện “Hai không”, nền tảng giáo dục được thiết lập, ý chí học tập cũng tăng lên, chúng ta mới có điều kiện để đưa công cụ vào giảng dạy để người học tiếp thu tốt hơn.

Phó Thủ tướng có một niềm tin chắc chắn rằng, dù cơ sở vật chất của ngành giáo dục còn nhiều thiếu thốn nhưng ngành nhất định sẽ thực hiện được mục tiêu này, bởi theo Phó Thủ tướng, vấn đề cốt yếu chính là động lực người học và phương pháp dạy học.

“Chiếc áo mới” của học phí

Vấn đề học phí thế nào trong năm học mới này được nhắc tới, nhắc một cách hết sức rụt rè, thận trọng và luôn đi cùng với cụm từ “nhạy cảm”. Hiện, Chính phủ đã nghe Bộ GD-ĐT báo cáo 2 lần về dự thảo đề án học phí và đổi mới cơ chế tài chính. Trong vài ngày tới sẽ trình Bộ Chính trị, sau khi Bộ Chính trị đã thông qua về mặt nguyên tắc thì Chính phủ sẽ ban hành. Khi triển khai, có thể có 2 khả năng: một là áp dụng ngay trong học kỳ 2 hoặc là hết năm học mới áp dụng.

Một thực tế là “học phí tăng nhưng người đi học chỉ có lợi, việc đi học sẽ dễ dàng hơn ở những vùng khó khăn, không ai cảm thấy gánh nặng của học phí… như sự thuyết trình của những người đứng đầu ngành giáo dục là điều không thể diễn ra. Rõ ràng, học phí không cần phải “cải trang” để được dư luận đón nhận mà nó nên cứ xuất hiện “đàng hoàng” như một quy luật phát triển tất yếu của xã hội: Đã đến lúc không thể không tăng.

Tuy quá rụt rè và thận trọng một cách không cần thiết nhưng ngành giáo dục lại đưa ra được môt bước đi rất thuyết phục lòng người để giảm đáng kể được nỗi ám ảnh của dư luận khi học phí tăng: Đó là đẩy mạnh được Quỹ tín dụng sinh viên. Quỹ tín dụng sinh viên trong năm qua đã có 754.000 sinh viên được vay vốn đi học. Dự kiến năm học này số sinh viên được vay sẽ là 900.000 người.

“Tinh thần là khi tăng học phí lên thì mức hỗ trợ học phí cho vay cũng tăng”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Khi Nhà nước đã sát cánh cùng chia sẽ gánh nặng học phí cùng người học thì đề án học phí thực sự sẽ bước qua được những rào cản cuối cùng để đến đích sau nhiều năm ra mắt không thành công.

Đính chính SGK

Lỗi sách giáo khoa được in để gửi về các trường. 3 cuốn đính chính SGK đã được đưa đi nhà in và sẽ gửi miễn phí đến 28.000 trường học cả nước trong những ngày tới.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Bộ GD-ĐT mở cuộc đánh giá về chương trình và SGK có quy mô lớn chưa từng có từ trước đến nay trong ngành, với sự tham gia của 20.000 trên tổng số 35.000 trường trên toàn quốc.

Sau 3 tháng triển khai, Bộ đã tập hợp tất cả những chỗ sai sót để chỉnh sửa và đã giao NXB Giáo dục in đính chính gửi xuống các địa phương để giáo viên hướng dẫn học sinh điều chỉnh lỗi trong sách. Đồng thời, Bộ cũng mở một mục trên trang web của Bộ về góp ý cho SGK. Mọi người đều có thể góp ý và SGK sẽ tiếp tục được chỉnh sửa. Thậm chí, mọi người có thể viết lại một bài, viết lại một chương để Bộ nghiên cứu sử dụng.

Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Nguyễn Minh Khang cho biết, những năm trước, việc biên soạn SGK được góp ý nhiều, tuy nhiên, sau khi trao đổi giữa ý kiến đóng góp và tác giả viết sách, chưa có đính chính mà chỉ có những sửa chữa lỗi nhỏ. Đây là năm đầu tiên, lỗi SGK được tập hợp, in thành cuốn để gửi tới các trường.

Sự việc này là điều chưa từng có trong lịch sử giáo dục trong và ngoài nước, và theo đó đã “dấy” lên “tội” của ngành là, đáng lẽ phải có chương trình trước rồi mới viết SGK nhưng Bộ GD-ĐT lại tổ chức viết SGK trước rồi chương trình mới được xây dựng cho phù hợp với sách, vì thế không thể không sai!

Thách thức bối cảnh đào tạo ĐH, CĐ

Năm học mới 2008-2009 cũng là năm được bắt đầu với sự tổng kết 10 năm về hệ thống các trường ĐH, CĐ được thành lập từ năm 1998 đến nay. Trên nền tảng phát triển 10 năm, theo như nhận xét của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì, “Trong vòng 10 năm qua, đã có tới 78 trường ĐH, 130 trường CĐ được thành lập và nâng cấp. Nhu cầu người học tăng nhưng chất lượng thì cũng gây lo lắng cho khá nhiều người. Vì thế cần phải làm rõ, cơ hội nào để vừa phát triển các trường ĐH, CĐ vừa phải tăng chất lượng. Nếu không trả lời được thì chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng tình của xã hội”.  

Hệ thống đào tạo ĐH-CĐ thực sự phải sang một trang mới trong một bối cảnh đầy khó khăn và thách thức.

Mai Minh