Đôi vợ chồng dạy viết chữ đẹp

Ở số 10 phố Hàng Mành (Hà Nội), vợ chồng Dương Tuấn - Ðặng Hải Lý, 26 tuổi, mở lớp dạy viết chữ đẹp. Lớp học của họ ngày càng thu hút nhiều học viên.

Trong ngôi nhà lớn của gia tộc họ Dương ở phố Hàng Mành, Dương Tuấn cho biết, nhà có truyền thống viết chữ đẹp, nên cũng ham mê luyện chữ đẹp. Anh cũng từng có ý tưởng mở lớp dạy viết chữ đẹp từ lâu rồi.

 

Ý tưởng của Tuấn biến thành hiện thực ở trong một hoàn cảnh cũng khá lý thú. Ðó là khi vào bộ đội ở Quân khu Thủ đô, thấy Tuấn viết chữ đẹp nên ngoài luyện tập chiến đấu cấp trên giao cho Tuấn chuyên viết bằng khen, giấy khen rồi viết báo cáo, báo tường... Ngắm những dòng chữ nghiêng viết theo lối cũ, nét thanh, nét đậm đều tăm tắp, mọi người mê như điếu đổ. Thế là lớp dạy viết chữ đẹp được mở ra, Tuấn làm giáo viên. Ðó là lớp dạy viết chữ đẹp đầu tiên của anh.

 

Hết nghĩa vụ quân sự, Tuấn về nhà và thi đỗ Ðại học Ngoại ngữ, ra trường trở thành giảng viên Ðại học Quốc gia Hà Nội. Dẫu đã có chút thành đạt, nhưng niềm đam mê những con chữ đẹp và ý tưởng mở lớp luyện viết chữ đẹp cho mọi người vẫn nguyên vẹn. Niềm đam mê cháy bỏng đó đã lan sang cả người bạn đời của anh - chị Ðặng Hải Lý, một cựu sinh viên Ðại học Ngoại thương. "Mới quen nhau, anh ấy đã dạy em cách viết chữ đẹp rồi sau đó em cũng mê luôn và khi mở lớp, em trở thành trợ giảng cho nhà em" - Lý kể, kèm theo một nụ cười rạng rỡ.

 

Từ những lớp học ngoại ngữ, tiếng đồn về một thầy giáo viết chữ đẹp và sẵn lòng dạy cách viết chữ quốc ngữ đẹp truyền từ người này sang người khác. Ngày càng có nhiều người, đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp đến theo học vợ chồng anh. Trong đó có không ít người là giáo viên tiểu học, trung học cơ sở. Vào dịp nghỉ hè rất đông học sinh phổ thông theo học.

 

Năm 2000, Tuấn bắt đầu mở lớp dạy viết chữ đẹp nhưng mãi đến tháng 3 năm nay mới chính thức trương biển quảng cáo ở mặt phố. Ðến nay, vợ chồng anh đã có hai cơ sở dạy viết chữ đẹp, một ở Hàng Mành và một ở phố Thái Thịnh, thường xuyên có năm, sáu chục học viên với mức học phí 300 nghìn đồng một khóa học.

 

Người bình thường nào cũng viết được chữ đẹp, miễn là kiên trì và nắm được những quy tắc cơ bản, Tuấn - Lý khẳng định chắc chắn như vậy.Những quy tắc cơ bản đó được Tuấn hình thành và hoàn chỉnh suốt trong quá trình mày mò, luyện viết các kiểu chữ đẹp theo đủ các mẫu chữ, từ kiểu viết chữ nghiêng truyền thống của Việt Nam đến các kiểu chữ trang trí của Anh, Pháp....

 

Ðầu tiên, người học phải luyện viết nét cơ bản của các chữ cái: nét tròn. Viết đẹp nét cơ bản này coi như đã thành công một nửa. Ðó là đối với chữ thường, còn với chữ hoa, người học chỉ cần luyện viết thành thạo hai nét cơ bản mà theo cách gọi của Tuấn là nét thứ nhất  và nét thứ hai. Khóa đào tạo của Tuấn được sắp xếp như sau: bốn buổi đầu, người học học cách cầm bút, tư thế viết, luyện viết các nét cơ bản và các chữ cái. Các chữ cái được gộp  theo từng nhóm có nhiều nét gần gũi nhau như: o, c, a rồi  q, g, d...

 

Buổi tiếp theo học viết chữ hoa. Hai buổi tiếp là học ghép nối các chữ viết thuận lợi, nghĩa là từ chữ cái nọ nối liền chữ cái kia bởi nét móc (như:  liếp, mình, quyển, sênh...). Hai buổi tiếp nữa luyện viết các chữ viết không thuận lợi tiếp nối nhau bởi nét tròn (như: oạch, oang, vọng, chồng...). Buổi tiếp theo học ghép nối các chữ hoa và buổi cuối cùng là ôn tập, tổng hợp, dạy viết các kiểu chữ trang trí. Sau mười buổi luyện tập, người học đã viết được những dòng chữ nghiêng ai trông thấy cũng phải xiêu lòng.

 

Lớp luyện chữ của vợ chồng Tuấn - Lý ở Hàng Mành được bố trí ngay trong gian thờ tổ tiên của gia đình. Những cô, cậu học sinh ở mọi lứa tuổi chăm chú ngồi luyện chữ bên những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng đã phai mầu theo thời gian càng làm cho không khí lớp học trở nên trang nghiêm và có sức hấp dẫn rất riêng, rất lạ.

 

Hết khóa học ai muốn tiếp tục đến ngồi cho có không khí đều được hoan nghênh mà không phải đóng thêm một khoản phí nào. Có học sinh nổi tiếng ngỗ ngược ở trường, nhưng khi được bố mẹ đưa đến đây, trải qua mấy buổi học trở nên ngoan ngoãn, hết khóa học không những viết được chữ đẹp mà học lực cũng khá hẳn lên.

 

Trường hợp đặc biệt nhất là Nguyễn Hải Yến, học sinh lớp 2E, Trường tiểu học Thái Thịnh. Em bị dị tật ở mặt và luôn mặc cảm với chính mình, thế nhưng sau khi tham gia khóa học, em viết chữ đẹp được thầy hiệu trưởng tuyên dương trước toàn trường. Thành công đó đã giúp em vượt qua mặc cảm tật nguyền, sống tự tin, hòa đồng với mọi người.

 

Sức hấp dẫn của lớp học là do sức quyến rũ của những con chữ đẹp, nhưng cũng là bởi cung cách dạy dỗ, đối xử của vợ chồng Tuấn - Lý đối với người học, nhất là các em nhỏ tuổi. Trong lớp học không có sự dọa dẫm, đe nẹt mà chỉ có sự ân cần, trìu mến. Thầy, trò thân ái trong từng động tác nhỏ khi viết chữ.

 

Không chỉ có thế, Tuấn sẵn sàng dạy miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 

Theo Nhân Dân