GS Archie Lapointe:
Đổi mới trong thi cử ở VN có ý nghĩa vô cùng quan trọng...
(Dân trí) - Sáng 15/12, ông Archie Lapointe - Giám đốc điều hành Cục Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc chuẩn bị triển khai kỳ thi trắc nghiệm khách quan môn Ngoại ngữ đối với học sinh lớp12 trên toàn quốc.
Trao đổi với phóng viên ngay sau buổi làm việc, ông Archie Lapointe cho biết:
- Tôi đã đọc và xem xét kỹ nội dung, thảo luận chi tiết với Tiến sĩ Ninh ( ông Nguyễn An Ninh Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng) và các đồng nghiệp của ông, đồng thời đã tới thăm một địa điểm tiến hành thi trắc nghiệm khách quan thí điểm ở Bắc Ninh và trao đổi với các với các em học sinh ngay sau khi kết thúc bài thi. Tôi cũng đã tham dự buổi trao đổi kinh nghiệm và kế hoạch tổ chức các kỳ thi sắp tới với một số hiệu trưởng và các cán bộ giáo viên của trường cùng một số cán bộ của Cục Khảo thí.
Ngoài ra, tôi đã xem chi tiết băng video hướng dẫn tổ chức thi trắc nghiệm khách quan. Tất cả, các quy trình mà những người tham gia trong kỳ thi phải tuân thủ đều phản ánh những tiêu chuẩn khắt khe nhất mà ETS (Cục Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ) yêu cầu áp dụng đối với tất cả các chương trình khảo thí của ETS.
Thưa ông, các quy trình của ETS sẽ phát huy được khả năng đến đâu khi áp dụng với thực tế thi tuyển của VN?
Các quy trình của ETS đã được xây dựng và hoàn thiện hơn 50 năm kinh nghiệm. Đối với thực tế thi tuyển của VN, các quy trình này giúp đảm bảo chắc chắn độ chính xác của dữ liệu, đo được cái cần đo trong kỳ thi và bảo mật các câu hỏi thi một cách tốt nhất.
Theo ông, những yếu tố gì cần thiết để kỳ thi trắc nghiệm khách quan đạt kết quả?
Khi thi trắc nghiệm khách quan được áp dụng khắp toàn quốc, tôi đề xuất Bộ GD- ĐT nên cân nhắc xem xét việc bổ sung đội ngũ thanh tra đến ít nhất 20% các địa điểm thi, mà “không cần thông báo”. Thanh tra có thể là giáo viên, hiệu trưởng hoặc cán bộ giảng viên đại học đã được tập huấn để theo dõi toàn bộ quy trình thi. Mỗi thanh tra cần đến địa điểm thi trước khi thời gian thi bắt đầu để thông báo các phong bì chứa bài thi vẫn không được mở cho đến khi các giám thị sẵn sàng phát bài thi cho thí sinh.
Bản hướng dẫn những việc cần làm cũng nêu rõ thời gian làm từng phần trong bài thi, nêu rõ câu hỏi của thí sinh có được trả lời hay không, xử lý gián đoạn xảy ra trong khi làm bài thi (ví dụ có thí sinh có hành vi cư xử không đúng mực), xử lý tình trạng gian lận ở một hay nhiều thí sinh…
Thanh tra sẽ không can thiệp để sửa chữa sai phạm của giám thị hoặc ngăn chặn gian lận. Giám thị có trách nhiệm thực hiện quy trình, thanh tra không nên can thiệp. Thanh tra chỉ phục vụ 2 mục đích: Đảm bảo cho thí sinh thi trong môi trường trung thực và được chuẩn hoá và thí sinh được làm bài một cách công bằng. Điều chỉnh và hoàn thiện quy trình tập huấn trong tương lai dành cho các giám thị. Hơn nữa, việc giám thị nhận thức được rằng họ có khả năng bị theo dõi, giám sát trong suốt buổi thi sẽ khiến họ chuẩn bị tốt hơn và cẩn thận hơn trong việc tuân thủ các quy trình một cách chuẩn mực.
Tôi cũng đề xuất cần có một hệ thống những ngày thi “bù” để sinh viên bị ốm vào ngày thi theo dự kiến có thể được phép thi vào một ngày sau. Để thực hiện được điều này, cần phải có một bài thi dự phòng, tương đương về nội dung và độ khó, để có thể thực hiện những buổi thi bù như trên.
Nhưng điều quan trọng là hình thức thi của mỗi năm cần phải “tương đương” với hình thức thi của những năm trước để có thể đo lường và báo cáo mức độ tiến bộ một cách đáng tin cậy theo thời gian.
Các nhà quản lý giáo dục hiện tỏ ra khá kỳ vọng vào hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Ông thấy sao?
Đối với tôi, việc tiến hành từng bước để thực hiện những đổi mới trong thi cử ở Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Lãnh đạo và các cán bộ của Bộ GD- ĐT sẽ được khen ngợi vì đã làm một công việc hết sức tuyệt vời này. Với kỳ thi trắc nghiệm khách quan thì đây là cách làm rất thực tế để thiết lập những quy trình mới khắp cả nước, và hoàn thiện quy trình bằng cách tiến hành thi trắc nghiệm khách quan môn ngoại ngữ vào năm 2006, rồi sau đó mới áp dụng vào các môn học khác theo chương trình vào năm 2007 – 2008.
Trong quá trình thực hiện, Bộ GD - ĐT nên tiến hành các hoạt động nghiên cứu nhỏ bằng cách tiến hành điều tra trên 200 – 300 mẫu các thí sinh đã tham dự cả hai kỳ thi trong một hoặc hai năm. Chẳng hạn, sinh viên được chọn mẫu có thể thi theo hình thức truyền thống và cả hình thức thi mới - Trắc nghiệm khách quan. Nghiên cứu này cũng sẽ cho phép lãnh đạo Bộ GD – ĐT biết được các kết quả này được so sánh như thế nào đối với cá nhân các thí sinh.
Xin cảm ơn ông!
Mai Minh - Hồng Hạnh