Đổi mới giáo dục - Từ góc nhìn đối thoại
“Đối thoại giáo dục” tại TP Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8/2014 được nhiều cơ quan truyền thông xem là sự kiện nổi bật trong lĩnh vực GD&ĐT của năm. Hội thảo do nhóm Đối thoại giáo dục - một nhóm trí thức mà các thành viên chủ chốt là những nhà khoa học người Việt đang làm việc tại các trường ĐH ở nước ngoài- chủ trì tổ chức. Nghe họ chia sẻ để suy ngẫm:
GS Ngô Bảo Châu tại hội thảo Đối thoại Giáo dục - TPHCM 31/7 - 1/8/2014.
GS Vũ Hà Văn,ĐH Yale, Mỹ:
Từ một số giải pháp gần đây mà Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm đổi mới cơ bản toàn diện nền GD&ĐT, tôi nhận thấy có những dấu hiệu khá tích cực khi mà các nội dung được đưa ra liên quan đến những vấn đề tương đối mấu chốt, không luẩn quẩn như việc dạy thêm học thêm.
Tuy nhiên, những cải cách cụ thểđược thực hiện như thế nào thì còn là một vấn đề. Nhưng điểm quan trọng nhất mà tôi hy vọng ta sẽ đạt được, là định hướng của cải cách, cải cách để làm gì? Thay bằng đặt câu hỏi dạy cái gì, câu hỏi mới mà chúng ta đã đặt ra được là học kiến thức nào để làm gì? Và quan trọng hơn nữa, mục đích của giáo dục là đào tạo ra con người như thế nào? Một khi ta có câu trả lời tường minh cho câu hỏi này, giáo dục sẽ có cơ hội đi đúng đường của nó.
Còn một vấn đề quan trọng khác, chất lượng đội ngũ nhà giáo là nguyên nhân khiến cho nền GD&ĐT của chúng ta yếu. Để xốc dậy nền GD&ĐT, chúng ta cần phải làm sao cho chất lượng đội ngũ mạnh lên. Đề xuất giải pháp, trong khuôn khổ ý kiến này tôi chỉ xin nói riêng về đội ngũ cán bộ - giảng viên trong lĩnh vực đào tạo đại học.
Một thực trạng mà ai cũng biết, đó là lực lượng giảng viên đại học của ta rất mỏng, rất ít người làm nghiên cứu. Ở bậc đại học, không quan tâm đến nghiên cứu, giảng viên rất khó giỏi, nhất là trong những ngành mũi nhọn. Chất lượng giảng viên đại học tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo viên phổ thông, vì giáo viên phổ thông cũng được đào tạo từ các trường đại học ra.
Theo tôi, đào tạo giảng viên đại học không phải việc làm đại trà, mà phải tinh tuyển từng người. Đây là việc làm có tính cá nhân rất cao. Chất lượng, và cả khí chất của một giảng viên trẻ phụ thuộc rất nhiều vào người thầy của họ. Trong khi đó các giáo sư đại học giỏi của ta rất hiếm, trong bất kỳ ngành nào.
Vì thế, với những giáo sư giỏi chúng ta cần phải quý trọng, đãi ngộ họ thật đặc biệt, vì đó là đầu tàu của cả nền khoa học giáo dục. Đầu tàu có khỏe, mới kéo được nhiều toa. Đừng nhân danh tập thể bắt họ lãng phí sức lực vào những việc không đâu. Trong các trường đại học tại Mỹ, người có tiếng nói trọng lượng nhất và được đãi ngộ tốt nhất là các giáo sư đầu ngành, chứ không phải ông trưởng khoa. Những nhà khoa học trẻ nhìn vào đó cũng thấy hướng để phấn đấu.
PGS Ngô Quang Hưng, ĐH Bang New York ở Buffalo, Mỹ:
Trong số các ý tưởng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong thời gian gần đây, tôi đánh giá cao chủ trương sẽ có một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa trong giáo dục phổ thông.
Về lý thuyết, bất kỳ sản phẩm nào nếu có sự cạnh tranh cũng đều chỉ làm cho chất lượng sản phẩm có mặt trên thị trường tốt hơn. Vì thế, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm là điều rất quan trọng. SGK cũng thế.
Hơn nữa, những vấn đề khó - phức tạp nếu để cho một người, kể cả một nhóm người đi chăng nữa, giải quyết thì khả năng thành công sẽ hạn chế. Tôi nghĩ viết SGK là một công việc không dễ dàng. Việc có sự cạnh tranh sẽ giúp cho những tác giả viết sách có điều kiện học hỏi lẫn nhau và như vậy chúng ta sẽ có được sản phẩm SGK tốt nhất.
PGS Ngô Quang Hưng.
Một số ý kiến còn băn khoăn về việc Bộ GD&ĐT đứng ra chủ trì biên soạn một bộ SGK sẽ tạo một cơ chế không công bằng trong việc thiết lập vị trí trên thị trường SGK, đặc biệt là với các bộ SGK của các nhóm tác giả độc lập. Tôi cho điều đó không đáng ngại. Có thể lấy ví dụ từ lĩnh vực mà tôi đang làm việc - khoa học máy tính - để “trấn an” những nhà giáo dục, nhà khoa học có ý định biên soạn SGK. Ai cũng biết, trong hàng chục năm trời, hệ điều hành Window của Microsof thống lĩnh thị trường nhưng rốt cục đã có nhiều người viết được các hệ điều hành khác tốt hơn.
Có vô số ví dụ tương tự trong các lĩnh vực khoa học- đời sống khác. Đương nhiên một “nhân vật” mới khi bước vào thị trường phải chấp nhận sự thống lĩnh của những “ông lớn” tại thời điểm đó. Vì thế, họ phải rất nỗ lực để có sản phẩm tốt hơn hẳn sản phẩm đang có thì mới hy vọng thay đổi được quan niệm của mọi người, và như thế chỉ có lợi cho xã hội.
Tuy nhiên, nếu được quyền quyết định thì tôi sẽ cho đưa tất cả nội dung SGK do nhà nước chủ trì tổ chức biên soạn lên trên mạng, tạo thành một diễn đàn để mọi người vào thảo luận từng đề mục của SGK. Điều này có cái lợi là những người soạn SGK sẽ được nhận phản hồi miễn phí từ người dùng. Và cơ chế lựa chọn SGK để sử dụng cũng sẽ linh hoạt. Thay vì các trường phải chọn cuốn sách A, cuốn sách B thì họ có thể chọn chương 1 từ cuốn A, chương 2 từ cuốn B, chương 3 từ C, v.v...
GS Ngô Bảo Châu đang trao đổi bên lề.
GS Ngô Bảo Châu,ĐH Chicago, Mỹ:
Theo tôi, GD&ĐT VN trong năm qua có một số điểm sáng, chủ trương chung về đổi mới cơ bản toàn diện GD&ĐT có nhiều bước đi mới, Bộ GD&ĐT đưa ra một số ý tưởng cải cách dù gây nhiều tranh luận trong xã hội nhưng về cơ bản đạt được một số sự tiến bộ. Chẳng hạn như về đổi mới chương trình - SGK, hoặc bỏ việc chấm điểm trong quá trình đánh giá thường xuyên với giáo dục tiểu học. Riêng về bỏ chấm điểm khi đánh giá thường xuyên ở tiểu học, tôi rất tán thành.
Với học sinh lứa tuổi này, sẽ là quá sớm để dùng điểm số tạo sự ganh đua, gây sức ép quá thường xuyên cho các em. Chủ trương này đã bắt nhịp được với xu hướng giáo dục tiểu học của thế giới cấp tiểu học. Tất nhiên, việc đánh giá bằng nhận xét với học sinh sẽ khiến các thầy cô giáo vất vả hơn. Tôi nghĩ việc gì cũng vậy, ban đầu sẽ có những khó khăn nhưng cũng không đến nỗi không thể không làm được. Những thay đổi đều tạo nên sự xáo trộn nhất định, nhưng thay đổi đúng hướng thì sẽ giúp chất lượng giáo dục được tốt hơn.
Nhưng các bước tiến bộ trong GD&ĐT dường như mới chủ yếu tập trung trong mảng GD phổ thông. Cá nhân tôi và các bạn trong nhóm Đối thoại giáo dục thấy hơi tiếc vì trọng tâm của cải cách đáng ra nên ở mảng GD ĐH thì không được mấy lưu ý. Có thể phần lớn người dân quan tâm nhiều hơn tới GD phổ thông, vì nó thiết thực gần gũi với đời sống của con cái họ. Nhưng ở tầm vĩ mô thì phải đặc biệt quan tâm tới GD ĐH, bởi nếu nói khâu yếu nhất của GD&ĐT VN thì đó chính là GD ĐH, mảng mấu chốt quyết định cho sự phát triển của đất nước về đào tạo con người.
Không có lý do gì mà hàng năm người dân VN bỏ ra hàng tỷ USD để du học mà nhà nước lại không đầu tư được một trường ĐH cho ra hồn. Trong khi đó để đầu tư cho một trường ĐH cho ra hồn, có lẽ chúng ta chỉ cần một tỷ USD - số tiền thấp hơn nhiều con số mà quốc dân phải bỏ ra. Tại sao chúng ta có hơn 80 triệu người dân mà không dồn sức để tạo ra được một trường ĐH cho tử tế?
Tôi nói đây không có ý định phê bình bất kỳ ai mà chỉ là chỉ ra một hiện trạng phải nhìn nhận. Chính vì vậy, tôi cho rằng việc “bỏ quên” GD ĐH, tập trung cho GD phổ thông là điểm cần phải xem lại. Tất nhiên cải cách GD&ĐT nói chung là điều vô cùng khó, chỉ trích thì dễ.
Nhưng tôi thật sự mong muốn lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần tập trung thời gian và tâm trí để cải cách GD ĐH. Có thể việc này nó quá khó, đòi hỏi thời gian, nhưng có phải chúng ta nhất thiết phải làm ngay đâu! Quan trọng là nghĩ đến điều này, tìm ý tưởng, có lộ trình để đưa các vấn đề ra suy nghĩ, để xới vấn đề lên, cùng bàn bạc để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
“Không có lý do gì mà hàng năm người dân VN bỏ ra hàng tỷ USD để du học mà nhà nước lại không đầu tư được một trường ĐH cho ra hồn. Trong khi đó để đầu tư cho một trường ĐH cho ra hồn, có lẽ chúng ta chỉ cần một tỷ USD - số tiền thấp hơn nhiều con số mà quốc dân phải bỏ ra”. GS Ngô Bảo Châu |
Theo Tiền Phong