Đổi mới giáo dục phổ thông từ trường sư phạm
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những khâu then chốt trong đổi mới giáo dục phổ thông. Vì vậy, sự vào cuộc của các trường sư phạm trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng được với đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới đang được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm..
Thày kém, trò khá giỏi
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, từ những hạn chế của chương trình sách giáo khoa cũ cho thấy, muốn xây dựng chương trình giáo dục thành công, phải có sự vào cuộc của các trường sư phạm. Trong đó, giải pháp then chốt của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đối với cơ sở đào tạo giáo viên là phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Nhiều ý kiến cho rằng, với vai trò là người thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới, các giáo viên sẽ là người phải đổi mới đầu tiên. Để học tập, nâng cao trình độ theo yêu cầu của ngành, mỗi giáo viên đều tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và tìm hiểu về các phương pháp giảng dạy khoa học để định hướng cho học sinh trong quá trình học tập. Khẳng định vai trò của giáo viên, cô giáo Nguyễn Ngọc Anh, trường Tiểu học Nguyễn Siêu, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Từ sự đổi mới của giáo viên, dần dần sẽ hướng cho học sinh thay đổi trong cách học để học sinh chủ động hơn. Trước mỗi bài giảng, giáo viên phải chuẩn bị nhiều thông tin hơn, suy nghĩ nhiều hơn, chuẩn bị nhiều đồ dùng dạy học hơn để học sinh hứng thú tham gia”.
Vai trò của giáo viên quan trọng như vậy, nhưng có một thực tế là trong những năm gần đây, đa số thủ khoa thi đầu vào các trường đại học, cao đẳng không ở các trường sư phạm mà thuộc về khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng. Và điều đáng nói hơn là số lượng sinh viên giỏi tốt nghiệp sư phạm không bám trụ với nghề dạy học, mà chuyển sang những nghề có thu nhập tốt hơn, ngày càng nhiều. Em Nguyễn Thu Hiền (học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm, Ninh Bình) chia sẻ: “Trước đây em cũng có mơ ước là giáo viên, vì cả hai bố mẹ đều làm nghề giáo. Nhưng đến năm học cấp III, em được khuyên là không nên theo nghề giáo, bởi nghề giáo thu nhập rất thấp. Ra trường gần 10 năm mới cảm thấy tự tin về thu nhập, mà còn phải dạy thêm “mướt mặt””. Kết quả là, năm nay Hiền đăng ký vào khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Với ngành học này, em nghĩ sẽ có nhiều cơ hội việc làm và có thu nhập tốt hơn là nghề giáo.
Trong một khảo sát với 500 giáo viên về câu hỏi “nếu cho chọn nghề lại thì bạn có chọn nghề giáo không” của PGS Vũ Trọng Rỹ (Viện Khoa học giáo dục), thì có đến 50% câu trả lời là “không”. Hình mẫu của thầy cô giáo chưa được xã hội đối xử công bằng, nâng niu, trọng vọng. Và để bám nghề, họ phải bươn chải kiếm sống bằng dạy thêm… khiến học trò giỏi, có năng lực quay lưng với nghề giáo.
PGS TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Nghề sư phạm là nghề đào tạo ra sản phẩm con người nên tiêu chí phải cao hơn. Nếu đầu vào không chuẩn, sinh viên không giỏi, rất khó để đào tạo thầy giỏi”.
Về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định: Từ năm 2012, sau khi chính sách phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được ban hành, con số này có xu hướng tăng. Nhiều học sinh giỏi, xuất sắc cũng thi vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội và phổ điểm cao của nhiều ngành, các lớp chất lượng cao ở các khoa của trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một minh chứng.
“Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đang có những nghiên cứu một cách khoa học về chính sách, thực tế đào tạo nhằm hút những sinh viên giỏi vào học. Tuy nhiên, để đạt được điều này không chỉ mình ngành sư phạm làm được”, thày Minh nói.
Các trường vào cuộc
Theo các chuyên gia giáo dục, cần có một chính sách đột phá trong việc đào tạo và tạo cơ chế cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Bởi thực tế, sinh viên sư phạm tốt nghiệp làm trái ngành rất nhiều, nếu có đúng ngành thì mức thu nhập rất thấp so với mặt bằng chung. Trong khi đó, cách nhìn nhận của xã hội với nghề giáo trong những năm gần đây có nhiều thay đổi, khiến chính những người trong nghề chán nản và xã hội nhìn vào thiếu sự bền vững. Do đó, bên cạnh những ưu đãi về tuyển sinh, miễn giảm học phí, tạo điều kiện về chỗ ở, thì giải quyết việc làm thì một môi trường đào tạo giáo viên tương lai thực sự cạnh tranh và hiệu quả là một khâu gần như có tính quyết định.
“Nghề sư phạm là nghề đào tạo ra sản phẩm con người nên tiêu chí phải cao hơn. Nếu đầu vào không chuẩn, sinh viên không giỏi, rất khó để đào tạo thành thầy giỏi”. PGS TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh |
Hiện nay ở nước ta đã bắt đầu hình thành một số mô hình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học bằng nhiều hình thức như hiệp hội, câu lạc bộ… Riêng khối đại học đã hình thành nhóm 7 trường: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Sự phối hợp giữa các trường trong nhóm đã đem lại kết quả bước đầu đáng khích lệ trong phát triển chương trình đào tạo.
“Sinh viên được thực hành, thể nghiệm kỹ năng nghề nghiệp ngay trong trường sẽ tạo không khí học tập sôi nổi, tạo hứng thú cho sinh viên. Từ thực hành, sẽ có những đề án, chương trình mà sinh viên có thể tham gia. Đây cũng là cách để thu hút học sinh vào học.
Mức lương của giáo viên hiện nay được coi là thấp so với mặt bằng chung. Điều này cũng khiến thí sinh không mặn mà với ngành sư phạm”. GS. TS Đinh Xuân Khoa.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, các trường sư phạm không nên ngồi chờ đổi mới phổ thông xong mới xúc tiến đổi mới đào tạo, cũng không nên máy móc chờ có văn bản cụ thể chỉ đạo, mà ngay bây giờ phải triển khai việc đổi mới đào tạo giáo viên, khắc phục ngay các bất cập, đặc biệt là gắn mục tiêu, yêu cầu giáo dục phổ thông mới vào việc đào tạo. Các trường sư phạm cần tính toán điều chỉnh từ cơ chế quản lý đến nội dung đào tạo”.