Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục

Đổi mới công tác khen thưởng trước hết phải chuyển dần hình thức khen thưởng theo thủ tục hành chính sang hình thức khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đột xuất, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để đề nghị khen thưởng kịp thời.

Nội dung này ghi rõ tại dự thảo báo cáo của Bộ GD-ĐT tại Hội nghị văn phòng khối các Sở GD-ĐT về công tác thi đua - khen thưởng sẽ tổ chức tới đây.

Về vấn đề này, dự thảo cũng ghi rõ, công tác thi đua khen thưởng cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng, tiếp tục quán triệt, làm chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các cơ sở giáo dục phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Gắn trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong công tác thi đua, khen thưởng.
 
Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT cho các Sở GD-ĐT đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2012 - 2013.

Tăng cường việc phát hiện, xây dựng điển hình và có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội; lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với chức năng nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của từng đơn vị.

Phát động phong trào thi đua thiết thực, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị, với chủ đề dễ hiểu, dễ nhớ. Kết hợp phát động phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề thiết thực, hiệu quả.

Có kế hoạch cụ thể sơ kết, tổng kết, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu đề nghị khen thưởng kịp thời. Đặc biệt coi trọng khen thưởng các nhà giáo trực tiếp giảng dạy có thành tích xuất sắc qua phong trào thi đua.

Chú ý làm tốt công tác xây dựng điển hình tiên tiến, gắn kết chặt chẽ với cơ quan báo chí, thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Về triển khai công tác thi đua, khen thưởng năm học 2013 – 2014, Bộ GD-ĐT lưu ý, không xét khen thưởng hoặc hạ một bậc khen thưởng đối với các sở có vấn đề nổi cộm trong Ngành, trong xã hội như:

Vi phạm về hành chính, quy chế thi, tuyển sinh, thu góp, dạy thêm, học thêm không đúng quy định, có hiện tượng vi phạm về đạo đức nhà giáo, để học sinh bị chết hoặc đánh nhau trong trường học…, không thực hiện đúng cam kết về chất lượng giáo dục, không thực hiện đầy đủ các quy định tại văn bản này.

Ưu tiên xét khen thưởng các sở giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng có sự vươn lên so với năm học trước, các sở giáo dục và đào tạo có thành tích đặc biệt tiêu biểu xuất sắc thực hiện các chương trình mục tiêu do Bộ quy định; đảm bảo tỷ lệ thỏa đáng trong việc khen thưởng nhà giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, giáo dục.

Thủ trưởng các đơn vị cơ sở, Giám đốc các Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, phát hiện điển hình tiên tiến đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định khen thưởng.

Theo Lập Phương
GD&TĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm