Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: “Chốt” kinh phí gần 800 tỷ đồng?

(Dân trí) - Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình Quốc hội xem xét phương án đổi mới chương trình, sách giáo khoa với tổng kinh phí 778,8 tỉ đồng. Nhận xét các hạng mục, nội dung chi đã liệt kê chi tiết, hợp lý, có tính khả thi, cơ quan thẩm tra đã... “gật đầu”.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
 
So với con số 34.000 tỷ đồng gây choáng váng mà đại diện Bộ GD-ĐT từng nêu ra tại UB Thường vụ Quốc hội cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông, con số do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vừa chính thức trình Quốc hội thấp hơn rất nhiều lần.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Luận, tổng kinh phí thực hiện đề án là 778,8 tỷ đồng. Trong đó, 462 tỉ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn SGK, kể cả lực lượng của các tổ chức cá nhân viết SGK; xây dựng, thẩm định SGK (dự kiến có 4 bộ); nghiên cứu SGK điện tử; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, SGK mới; đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ SGK.

Việc triển khai thực hiện chương trình và SGK mới dự kiến chiếm 316,8 tỷ đồng trong số gần 800 tỷ đồng tổng kinh phí của đề án. Phần kinh phí này để thực hiện các nhiệm vụ như biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương; cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên; ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa theo chương trình mới; cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh họa cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc); công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên.  

Cụ thể, về nguồn kinh phí thực hiện, Bộ GD-ĐT dự kiến xin 504,4 tỷ đồng từ ngân sách TƯ, 274,4 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Mức dự toán kinh phí này đa được Bộ Tài chính thẩm định. 

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên,Tthiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đánh giá, đề án như thế đã đã liệt kê khá chi tiết các nội dung, hạng mục thuộc các khâu trong quy trình biên soạn chương trình, SGK phổ thông và tách riêng nguồn tài chính chi qua ngân sách TƯ với nguồn tài chính chi qua ngân sách địa phương và nguồn tài chính xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức khác. Khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ ở trung ương tương đối cụ thể, hợp lý và có tính khả thi.

Cơ quan thẩm tra chỉ đề nghị cơ quan soạn thảo thảo bổ sung thêm phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho đề án.  

Về phương án đổi mới chương trình, UB Văn hóa, Giáo dục cũng tán thành với mục tiêu Chính phủ đề ra là nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp, góp phần quan trọng phát triển con người có năng lực và phẩm chất tốt.

Về cơ cấu giáo dục phổ thông, dư luận chung trong giới giáo dục và khoa học nhất trí giữ nguyên cơ cấu hệ giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm, chia thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và THCS) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT).  

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về cấu trúc 5 năm tiểu học + 4 năm THCS và phương án tổ chức 5 năm tiểu học + 5 năm THCS hoặc 6 năm tiểu học + 4 năm THCS, cơ quan thẩm tra nghiêng về phương án giữ nguyên cơ cấu 5 + 4 như hiện nay.  

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, cơ cấu chương trình với 2 giai đoạn  giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp thì nội dung chương trình giáo dục sẽ có tính tích hợp cao ở cấp học dưới và phân hóa dần ở cấp học trên. 

Ở cấp THPT, học sinh học sẽ vừa học một số môn bắt buộc, đồng thời với việc học các môn tự chọn tích lũy tín chỉ. Chương trình đào tạo sẽ dành nhiều thời lượng để nhà trường vận dụng các môn học phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng địa phương. 

Song song với việc thay đổi chương trình học, đề án cũng thay đổi cách giảng dạy theo hướng đa dạng hóa hình thức học tập, tăng cường thực hành, áp dụng Công nghệ thông tin. 

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cùng với việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, việc thi và đánh giá kết quả học tập cũng sẽ được thay đổi theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm quá tải nhưng vẫn đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, trình độ, phân hóa học sinh để cung cấp cho các cấp đào tạo nghề nghiệp cao hơn. 

Về việc biên soạn sách giáo khoa, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi cũng đồng ý phương án đề Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. 

Tuy nhiên, ông Thi cũng cho biết, băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa Bộ và các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK khác nếu thực hiện theo phương án này, một số chuyên gia, nhà quản lý đề xuất, các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn SGK.

UB Văn hoá, Giáo dục nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều SGK cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản SGK phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện.
 

Năm 2018 bắt đầu dùng sách giáo khoa, chương trình mới

Dự kiến, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông được thực hiện 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ 1.2015 - 6.2017: tuyên truyền, xây dựng và thẩm định chương trình, SGK mới, hướng dẫn thực hiện.

Giai đoạn 2, từ 7.2017 - 6.2018: bổ sung chính sách, tiếp tục biên soạn thẩm định các bộ SGK.

Giai đoạn 3, từ 7.2018 - 12.2021: dự kiến năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình SGK mới. Trong giai đoạn này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đánh giá, điều chỉnh việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

 
P.Thảo
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm