Độc đáo "Vườn Lịch sử xứ Thanh"
(Dân trí) - Công trình “Vườn Lịch sử xứ Thanh” được xem như là một dụng cụ học Lịch Sử bằng trực quan rất sinh động và ý nghĩa của thầy trò Trường Tiểu học Minh Khai 1, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa.
Năm 2010, sau khi có mặt bằng, nhà trường tiến hành xây dựng tường bao. Thấy còn khuôn viên, thầy Khánh trăn trở làm sao để cho trường học trở nên thân thiện hơn, giúp HS có hứng thú với môn học Lịch Sử, tránh lối học thuộc lòng, học làm sao để nhớ dai, nhớ lâu. Từ đó, ý tưởng xây dựng “Vườn Lịch Sử xứ Thanh” ra đời.
Mong muốn của thầy là tổ chức cho HS có một không gian thân thiện. Ngày trước khi còn công tác tại Trường Tiểu học Điện Biên, thầy Khánh thường hướng cho HS tìm hiểu về lịch sử, con người xứ Thanh. Nghĩ là làm, thầy bắt tay vào xây dựng “Vườn Lịch sử xứ Thanh” ngay tại ngôi trường Tiểu học Minh Khai 1.
Mới đầu khi còn là ý tưởng, thầy Khánh có ý định tổ chức làm vườn Sử - Địa, nhằm giới thiệu về mảnh đất xứ Thanh với động Từ Thức, Sầm Sơn, suối Cá thần… Ngoài ra, Thanh Hóa vốn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu, tuy nhiên, nếu ôm đồm, đưa vào thì nhều quá.
Rồi thầy bắt tay vào làm, ban đầu là việc chọn lọc những sự kiện gắn liền với những mốc lịch sử nổi tiếng có liên quan đến Thanh Hóa. Đầu tiên phải kể đến là nền văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn… “Nó không xa xôi mà ngay cạnh nội đô Thanh Hóa, nhưng có thể nhiều người dân xứ Thanh còn chưa biết. Hay như nếu nói đến khu du lịch Kim Quy nhiều người không thiết đến, nếu đặt nó là Làng cổ di tích Kim Quy thì tốt hơn. Nhiều người cứ nghĩ văn hóa Đông Sơn là lấy tên huyện Đông Sơn, nhưng thực tế là làng cổ Đông Sơn”, thầy Khánh trăn trở:
Sự kiện, nhân vật lịch sử đã có, để thể hiện nó ra cho mọi người xem và tìm hiểu, thầy Khánh lại bắt tay vào việc nghiên cứu và tìm những phiến đá về tạo hình. Đá phải được lấy từ các vùng gắn liền với các sự kiện, các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Để có đá làm Vườn Lịch sử, thầy Khánh đã bỏ hàng tháng trời đi nghiên cứu, tìm hiểu ở nhiều địa phương khác nhau.
“Có những tư liệu mình rất tâm đắc. Mới đầu tôi cũng rất sợ bởi bản thân cũng chỉ là ông giáo làng. Nếu chỉ một mình thì không thể làm được, rất may ý tưởng của tôi được các bậc phụ huynh cũng như các đơn vị nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ. Bởi cái ý tưởng và cách làm ấy đem lại môi trường thân thiện cho nhà trường, cho HS”, thầy Khánh chia sẻ.
“Ý tôi là làm hay chứ không phải làm đẹp, hay ở chỗ là có ý nghĩa. Khi tôi nêu vấn đề ra làm văn bản xin một tảng đá ở khu di tích Lam Kinh, các anh ấy nhiệt tình và ủng hộ hết mình, còn khuyến khích tôi làm nữa”, thầy Khánh tâm đắc.
Rồi thầy Khánh rong ruổi, ngược xuôi hết tìm đá ở vùng đất Lam Kinh, vòng ra Hà Trung, về đất Hàm Rồng... để kiếm tìm những tảng đá đẹp, có ý nghĩa. Đi đến đâu, khi nói ra ý tưởng của mình, thầy Khánh cũng được mọi người nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ.
Trước đó gần một năm trời, thầy lặn lội đi chụp hình, định vị, đánh dấu những tảng đá phù hợp. Sau hai tháng trời từ khi bắt đầu xây dựng, cùng với sự tài trợ của “mạnh thường quân” là phụ huynh trong trường, khu vườn đã hoàn thành với khuôn viên rộng gần 300 m2, trong đó có 9 khối đá, mỗi khối gắn với một sự kiện hay một địa danh lịch sử tiêu biểu của xứ Thanh, theo trình tự thời gian.
Những phiến đá thể hiện những điểm nhấn lịch sử của xứ Thanh như: Núi Đọ (Thiệu Hóa), làng cổ Đông Sơn, núi Ngàn Nưa (Triệu Sơn), Xuân Lập (Thọ Xuân) - nơi sinh vua Lê Hoàn, khởi nghĩa Lam Sơn (Thọ Xuân), Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Hà Trung (nơi phát tích nhà Nguyễn), chiến khu Ba Đình (Nga Sơn) và cầu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa).
Trong sáng kiến kinh nghiệm được giải A cấp tỉnh về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thầy Hoàng Xuân Khánh có nói đến vườn lịch sử mà thầy đã dày công xây dựng.
Công trình đã được chọn là một trong ba giải pháp của ngành giáo dục Thanh Hóa tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 và được giải Khuyến khích.