Đắk Lắk:
Độc đáo cuốn sách bằng gỗ với 4 thứ tiếng về anh hùng Tây Nguyên
(Dân trí) - Từ sự ngưỡng mộ nhân cách và sự cống hiến lớn lao của thầy giáo Y Jút H’wing cho đồng bào dân tộc Ê đê và cho đất nước. Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung cùng với nghệ nhân Võ Văn Hải đã nghiên cứu và viết cuốn sách bằng gỗ độc đáo về cuộc đời, sự nghiệp người con anh hùng của mảnh đất Tây Nguyên.
Thầy giáo Y Jút H’wing (1885 - 1934) là một nhà giáo ưu tú, nhà lão thành Cách mạng chống Pháp vào đầu thế kỷ 20 và còn là người có công lớn trong việc biên soạn chữ viết tiếng Ê đê. Trước những công lao, đóng góp to lớn ấy Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung (Giảng viên trường ĐH Tây Nguyên) đã ấp ủ viết một tác phẩm về người thầy giáo ưu tú để tôn vinh nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua.
Cô giáo Tuyết Nhung chia sẻ bản thân cô cũng là một người con của dân tộc Ê đê, trong quá trình giảng dạy tại trường cô có dịp tiếp xúc với khá nhiều tài liệu liên quan đến thầy giáo Y Jút và tên tuổi của thầy Y Jút đã gắn liền với tên của những con đường, của rất nhiều trường học tại Tây Nguyên nhưng thông tin về cuộc đời và đóng góp của thầy còn rất ít người biết đến.
“Tên tuổi của thầy giáo Y Jút có sức lan tỏa về nhân cách, con người, sự cống hiến cho người Ê đê và cả cộng đồng Tây Nguyên nên tôi cũng muốn viết nên tác phẩm nhân ngày 20/11 để thế hệ sau ghi nhận công lao những bậc thầy đi trước mình, khẳng định truyền thống tôn sư trọng đạo nên đã bắt tay để thực hiện tác phẩm này”, cô Tuyết Nhung cho hay.
Sau khi nội dung được bàn bạc cùng nghệ nhân Võ Văn Hải (Hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk) đã được nghệ nhân lấy ý tưởng, sáng kiến viết nên tác phẩm thành cuốn sách bằng gỗ rất độc đáo. Trong quá trình hoàn thiện cuốn sách, tiến sĩ Tuyết Nhung phụ trách chính về nội dung, các tư liệu liên quan về cuộc đời của thầy giáo Y Jút; còn nghệ nhân Võ Văn Hải phụ trách việc trình bày và hoàn thiện cuốn sách.
Việc tìm hiểu các các tài liệu liên quan đến thầy Y Jút là một quá trình khá dài của tiến sĩ Tuyết Nhung, cô đã đến tận gia đình của thầy Y Jút để nghe những bậc tiền bối kể lại về cuộc đời của thầy. “Trong quá trình thu thập tài liệu về thầy Y Jút tôi cũng gặp không ít khó khăn khi các tài liệu rất ít ỏi, những sách vở, hình ảnh của thầy đã bị mất hết do nhà thầy từng bị cháy nên qua những lời kể của người thân của thầy, của cộng đồng nơi thầy sinh sống cùng một số tài liệu của các nhà khoa học tôi mới có thể viết nên cuốn sách này”, cô Tuyết Nhung tâm sự.
Sau quá trình thu thập tài liệu về tiểu sử và cuộc đời của thầy Y Jút, cô Tuyết Nhung đã tự biên dịch tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Ê đê và gửi tác phẩm cho các nhà dịch thuật dịch ra thêm tiếng Anh và tiếng Pháp cho tác phẩm này. Nghệ nhân Võ Văn Hải đã mất khoảng 3 tháng để viết lên cuốn sách gỗ và hoàn thiện cuốn sách với nhan đề “Thầy giáo Y Jút H’wing – người con ưu tú của Tây Nguyên” . Tác phẩm với 12 trang, khổ 50x70 cm, nặng gần 50 kg, cuốn sách được làm bằng gỗ bạch tùng và viền bằng gỗ cà te rất độc đáo.
Dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Võ Văn Hải, cuốn sách được chăm chút kỹ lưỡng, tỉ mỉ từ khâu chọn gỗ cho đến màu sắc, hoa văn, từng nét chữ trong tác phẩm. Việc trình bày một tác phẩm lên gỗ đòi hỏi nghệ nhân phải làm việc hết sức nghiêm túc, cẩn thận và đầu tư nhiều thời gian để hoàn thành.“Đây là cuốn sách bằng gỗ đầu tiên tôi viết về Tây Nguyên, cuốn sách là tác phẩm tôi rất tâm huyết và rất muốn được giới thiệu rộng rãi đến độc giả khắp cả nước”, nghệ nhân Võ Văn Hải chia sẻ.
Cô Tuyết Nhung cho biết rất mong muốn tác phẩm “Thầy giáo Y Jút H’wing – người con ưu tú của Tây Nguyên” trở thành công trình nghệ thuật ý nghĩa, có giá trị trong công tác bảo tồn và nghiên cứu cho thế hệ mai sau; Đồng thời tác phẩm cũng giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và tôn vinh người anh hùng của Tây Nguyên.
“Tôi cũng mong muốn đây không chỉ là tác phẩm đầu tiên viết về các anh hùng Tây Nguyên, tôi mong sẽ tiếp tục được tạo điều viết tiếp các tác phẩm khác nữa về những người con ưu tú của Tây Nguyên khác. Do cuốn sách được viết kinh phí hoàn toàn là do cá nhân tự bỏ ra, chưa có hỗ trợ từ các cấp, ngành nên gặp không ít khó khăn trong quá trình hoàn thiện”, cô Tuyết Nhung cho hay.
Hiện hai tác giả đã tiến hành các thủ tục để đề nghị xác lập kỷ lục Việt Nam với danh hiệu Cuốn sách gỗ được viết bằng 4 thứ tiếng Việt – Êđê – Anh – Pháp đầu tiên tại Việt Nam và đang chờ kinh phí hỗ trợ để công bố cuốn sách này tại tỉnh Đắk Lắk.
Thúy Diễm