Doanh nghiệp: Chấm điểm cộng cho sinh viên ngoại thương về sự tự tin

(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đánh giá cao năng lực cũng như thái độ làm việc của sinh viên trường ĐH Ngoại Thương, đặc biệt là sự tự tin.

Đây là năm thứ 3, trường ĐH Ngoại thương tổ chức diễn đàn hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường năm 2019 với chủ đề:Năng lực tư duy và Thái độ làm việc - Hành trang cho những công dân toàn cầu. Tham dự diễn đàn là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kinh doanh đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho biết, diễn đàn là nơi nhà trường nghe các doanh nghiệp đánh giá đúng thực chất của sinh viên để thay đổi, chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp; từ đó xác định được mục tiêu đào tạo, quy chuẩn đầu ra, giải quyết bài toán việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Doanh nghiệp: Chấm điểm cộng cho sinh viên ngoại thương về sự tự tin - 1

Diễn đàn hợp tác giữa doanh nghiệp và trường ĐH Ngoại thương

Tự tin nhưng cần khiêm tốn

Tại diễn đàn, bà Trần Thị Bảo Quế - Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MB), cựu sinh viên ĐH Ngoại thương cho biết, hiện nay, kiến thức, kỹ năng không phải là nền tảng, là điều kiện với sinh viên ngoại thương nữa mà chúng tôi quan tâm sinh viên ngoại thương có yêu thích với công việc của công ty hay không? Có tự tin hay không?

Trong phỏng vấn nhân sự, chúng tôi tạo ra các tình huống kịch tính để xem bạn đó có cái “tôi” hay không và xem bạn đó có quan điểm, hiểu sâu vấn đề hay không.

Bởi khi chọn một bạn sinh viên vào làm việc, với kiến thức nền tảng, các bạn có thể làm 2 -3 năm một vị trí thông thường với mức lương cơ bản nhưng chúng tôi cần đồng hành cùng các bạn trên một con đường dài và cần bạn sau 3 năm có thể phát triển ở vị trí khác.

Bà Quế cho biết, vấn đề chú trọng khi tuyển nhân sự gần đây của MB là thái độ, là sự yêu thích công việc và sự tự tin của chính người dự tuyển.

Bà Quế chia sẻ: "Khi tôi ra trường, vào làm ngân hàng thì mọi người bảo sinh viên ngoại thương giỏi lắm. Tôi rất tự hào về điều đó. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm một số công việc văn phòng tôi đã không làm được, rất lúng túng. Chỉ sau 1 tuần đi làm, tôi đã mất hết sự tự tin của sinh viên ngoại thương mặc dù có nhiều kiến thức nền tảng.  

Tôi nghĩ, sự tự tin ban đầu là tự tin từ ngôi trường mình học nhưng về lâu dài, đó là sự tự tin ứng dụng được kiến thức mình đang có trong công việc".

“Các bạn sinh viên cứ tự tin nhưng tự tin có định hướng và sự khiêm tốn - đó mới là quan trọng” – bà Quế nhấn mạnh.

Nhận xét về sinh viên ngoại thương, ông Phạm Mạnh Khôi – Giám đốc nhân sự, Công ty L'oréal Việt Nam cho hay, 30% nhân sự của L'oréal hiện nay đến từ trường ĐH Ngoại thương, một con số rất lớn.

Theo ông Khôi, sinh viên ngoại thương có tính tuân thủ khá tốt. Khi giao dự án, các bạn đã có nhiều ý tưởng triển khai và thực hiện ý tưởng không cần nhiều sự kèm cặp của người quản lý.

Ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT Intracom Group, Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông cho biết, khi tuyển dụng nhân sự từ các trường đại học thì hầu hết các sinh viên trường ĐH Ngoại thương đều trúng tuyển. Tôi đánh giá cao về việc đào tạo của nhà trường.

Nói về sự tự tin, theo ông Việt, sự tự tin quá sẽ làm triệt tiêu tính sáng tạo. Sinh viên trường ĐH Ngoại Thương rất tự tin, nhưng tôi nghĩ các bạn cứ tự tin, tự hào đi vì không tự tin sẽ rất nguy hiểm. Tôi luôn mong tìm được người tự tin vào làm tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, trong cuộc sống đôi khi phải nhường nhịn, cúi mình xuống sẽ tránh được gió bão. Phải biết nhược điểm của mình thì sẽ  vượt qua được khó khăn, không nên chủ quan bất cứ một vấn đề gì. Đặc biệt, các bạn sinh viên cần phải có sự khiêm tốn, luôn học hỏi thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.

Ông Việt cũng khuyên các sinh viên, trong công việc cần có sự chủ động, tính trung thực và sự chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp: Chấm điểm cộng cho sinh viên ngoại thương về sự tự tin - 2

Trường ĐH Ngoại thương ký kết hợp tác với doanh nghiệp

Phải có tư duy quan sát

Bà Trần Thị Bảo Quế cho biết, đối với ngân hàng MB,  kiến thức và kỹ năng quan trọng như nhau. Thế giới phẳng hiện nay, các bạn có thể mất việc ngay trên đất nước mình. Do đó, nếu muốn trở thành công dân toàn cầu, ngoài kiến thức là cốt lõi thì kỹ năng giúp cho các bạn vận hành thành thục trơn chu các quy trình thích nghi với công việc.

Nhưng về lâu dài khi tuyển dụng, với SV mới tốt nghiệp, hoặc đã có kinh nghiệm, ngân hàng MB đều đào tạo lại kiến thức và kỹ năng để khi các bạn về đơn vị làm việc sẽ không phải hỏi ai về điều gì.

“Kiến thức ở đây không phải kiến thức trên sách vở mà là kiến thức ứng dụng, kỹ năng ứng dụng” – bà Quế nhấn mạnh.

Còn theo ông Khôi, cái quan trọng nhất với các bạn sinh viên là ở trường học, mình học được cái gì và mình học được trang bị những kỹ năng gì? Còn các kỹ năng khác nhà trường không thể dạy hết cho sinh viên được, ví dụ sử dụng máy photo... Những kỹ năng này, các bạn phải học từ cuộc sống. Đó là lý do tại sao sinh viên có những kỳ thực tập.

Để có những kỹ năng khác ở ngoài cuộc sống, ông Khôi cho rằng, sinh viên phải có sự quan sát, bằng tư duy của mình. Ở trường đại học, các bạn được thầy cô dạy về tư duy phản biện, tư duy tìm ra được câu trả lời, trong khi đó doanh nghiệp không có thời gian để dạy bạn cái này, mà họ đánh giá bạn qua kết quả công việc.

"Chính vì vậy, trong thời gian học đại học, sinh viên cần tập trung học tốt những kiến thức mà nhà trường mang đến và đừng lo lắng về những kỹ năng khác. Khi vào doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ dạy cho các bạn các kỹ năng theo văn hóa của doanh nghiệp đó" - ông Khôi cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Việt nói thêm, học thì học cả đời. Ở trường đại học, các bạn sinh viên nên tập trung học vì học ở trường là kiến thức cơ bản nhất. Nếu thiếu kiến thức cơ bản khi học sang các kiến thức khác sẽ gặp khó khăn.

“Không phải chúng ta biết tất cả mọi việc nhưng với bất cứ việc gì chúng ta tư duy logic sẽ giải quyết được, quan trọng chúng ta có muốn làm đến cùng không. Nếu muốn tìm thì tận cùng thế giới chúng ta cũng có thể tìm được” – ông Việt nhấn mạnh.

Ông Việt cũng nhắn nhủ: “Các bạn trẻ đừng bao giờ bị stress về smartphone”.

Tại diễn đàn, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đều khuyên các sinh viên khi đi phỏng vấn xin việc thì việc đầu tiên phải trả lời được câu hỏi hiểu như thế nào về doanh nghiệp. Đó là một thái độ nghiêm túc, sự cầu thị.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng nhà trường cho rằng, ý kiến của các đại biểu là những ý kiến tâm huyết từ thực tế từ doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Đây là những phản hồi tích cực nhất về chất lượng sinh viên, nội dung đào tạo, đặc biệt là các nội dung nhằm phát triển năng lực tư duy và định hình thái độ làm việc để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của nhà tuyển dụng trong bối cảnh mới.

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm