Định hướng lộ trình sự nghiệp nên bắt đầu từ "thấu hiểu bản thân"
(Dân trí) - Chương trình Chào tân sinh viên do Báo Tiền phong phối hợp GEIN Academy tổ chức tại Trường Đại học Ngoại thương mang đến nhiều kiến thức giúp sinh viên thấu hiểu bản thân, từ đó định hướng phù hợp để phát triển trong tương lai.
Nói về mục đích của chương trình, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Sinh viên Báo Tiền Phong chia sẻ: "Đây là chương trình thường niên của Báo Tiền Phong tổ chức, để giúp các bạn tân sinh viên có thể thu nhận những kiến thức thực tế, bên cạnh những kiến thức được học trên giảng đường. Năm nay chúng tôi ưu tiên mời diễn giả là cựu sinh viên trường, để việc trao gửi kiến thức được thân tình, gần gũi và cũng thực tế hơn".
Thạc sĩ Nguyễn Huyền Minh - Trưởng phòng Truyền thông và quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, trước đây, nhiều người quan niệm trải nghiệm trong trường đều là những giấc mơ đẹp, nhưng thực tế thì tất cả trải nghiệm ở bất cứ đâu đều đáng trân trọng.
"Cuộc sống đang thay đổi rất nhanh, hãy cố gắng tiếp nhận tất cả các thông tin nhưng phải biết tự chịu trách nhiệm. Đừng chạy theo bất cứ ai mà hãy phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình", Thạc sĩ Nguyễn Huyền Minh nhấn mạnh.
Chương trình còn có sự tham gia của chị Nguyễn Thị Thạch Thảo - Co-Founder GEIN Academy, Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục quốc tế Langmaster và Trường doanh nhân HBR, tác giả cuốn sách "Vươn tới mặt trời", đồng thời là cựu sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại - Trường Đại học Ngoại thương.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh cũng chỉ vừa đủ để giúp trang trải học phí, bố mất sớm, mẹ là giáo viên, chị Nguyễn Thị Thạch Thảo sớm đã trở thành niềm hy vọng và chỗ dựa cho gia đình. Từ chối 3 học bổng ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, chị lựa chọn Trường Đại học Ngoại thương bởi ấn tượng với phong thái của sinh viên trường cũng như thu nhập đáng mơ ước sau khi tốt nghiệp.
Thế nhưng, vào học rồi, chị cho biết, bản thân mới hiểu rằng mình không đủ giỏi để vào trong các tập đoàn hàng đầu, chị cũng không thể cạnh tranh ở lĩnh vực marketing và bán hàng vì chị nói lắp. Tiếng Anh vốn là thế mạnh nhưng cũng chỉ có thể trở thành biên dịch với đồng lương ít ỏi. Cũng là lúc ấy, chị đi tìm cho mình câu trả lời rằng tôi là ai, tôi làm gì để thành công và tôi có khả năng lãnh đạo không?
Bằng việc trở thành người xây dựng dự án GMC - Dự án hỗ trợ sinh viên du học Nhật Bản, chị đã hiểu được cách làm việc của người Nhật Bản và biết đến mô hình Ikigai - Mô hình thấu hiểu bản thân.
"Mô hình này đã giúp tôi trong hành trình sự nghiệp của mình, là công cụ để tôi có được những thành tựu đáng mơ ước. Mô hình giúp tôi trả lời 4 câu hỏi lớn: mình thích làm việc gì; mình có thế mạnh làm việc gì; công việc ấy có đem lại giá trị cho xã hội không và mình có được trả tiền cho công việc ấy không?", chị Thảo nói.
Chị Nguyễn Thị Thạch Thảo cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của công việc mình yêu thích và chia sẻ rằng nhờ có sự dũng cảm khi quyết định lựa chọn công việc chị yêu thích thay vì công việc đúng ngành và theo truyền thống gia đình mà chị mới có được thành công như ngày hôm nay.
Trong phần giao lưu với sinh viên, chị Nguyễn Thị Thạch Thảo đã có những định hướng cụ thể cho từng bạn sinh viên với từng sở thích, điểm mạnh mà các bạn sở hữu. Đồng thời, chị đã chia sẻ cho các bạn cách đặt mục tiêu phù hợp cũng như những kinh nghiệm, bài học chị rút ra trong quá trình phát triển sự nghiệp.
Kết thúc buổi tọa đàm, chị Nguyễn Thị Thạch Thảo thể hiện sự tin tưởng vào các bạn sinh viên Trường Đại học Ngoại thương bởi sự năng động, tự tin, dám ước mơ lớn và dám dấn thân hành động - Cái "chất" mà sinh viên trường sở hữu.
Chị kỳ vọng và cũng khẳng định các bạn sẽ thành công hơn nữa trong tương lai không xa. Với những tri thức mà chị Nguyễn Thị Thạch Thảo trao đi, các bạn tân sinh viên Trường Đại học Ngoại thương sẽ có nhiều góc nhìn trong việc thấu hiểu bản thân, để từ đó làm chủ được cuộc đời và có sự nghiệp rực rỡ hơn.