Ở lứa tuổi học sinh THPT, mỗi ngày cần 2.300 kcal với nữ và 2.700 kcal với nam. Học sinh có thể chọn mua mang theo đến trường như bánh mì thịt, bánh mì phết bơ đậu phụng hoặc gói xôi đậu… và kèm theo hộp sữa.
Với học sinh lứa tuổi 10-18, do nhu cầu năng lượng tăng cao nên cần có thời gian ăn thêm bữa phụ vào giờ ra chơi như: 1 hũ sữa chua, ly chè đậu, bánh nhân thịt… Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm đổi món ăn hàng ngày để đa dạng hóa thức ăn cho con em mình.
Não rất cần nhiều chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động và xây dựng trí thông minh. Nhiêu liệu giúp não hoạt động tốt là glucose, do đó cần lượng đường trong máu ổn định mới giúp não hoạt động tốt hơn.
Điều quan tâm là không lạm dụng nhiều đường tinh có trong nước ngọt, bánh kẹo ngọt và thức uống có đường vì việc này sẽ làm đường huyết không ổn định.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt, đậu, khoai sẽ tốt hơn đường tinh vì sự hấp thu vào máu diễn ra từ từ. Cùng với glucose, chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6) được xem như “kiến trúc sư” xây dựng trí thông minh vì đây là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh.
Để có được các chất này, nên mua các loại cá béo như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi và các loại hạt chứa nhiều dầu như hạt bí đỏ, hướng dương, vừng (mè)…
Lòng đỏ trứng và thịt nội tạng giúp tạo men myelin bao bọc dây thần kinh thúc đẩy việc truyền tín hiệu một cách trơn tru trong não. Acid amin - thành phần tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh, là chất mang tín hiệu từ tế bào thần kinh này sang tế thần kinh khác cũng rất quan trọng. Nó không thể tự tổng hợp được mà phải nhận từ thức ăn bên ngoài vào, đó là các thức ăn giàu đạm và các loại đậu…
Theo Lê Nguyễn
Tiền Phong