Điều gì hấp dẫn ở du học Châu Âu?

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam sang Châu Âu, du học theo diện học bổng hoặc tự túc, ở rất nhiều bậc học khác nhau từ PTTH cho đến sau tiến sỹ.

Vì vậy, gần đây Page Hội du học sinh Việt Nam trên facebook (http://www.facebook.com/#!/pages/H%E1%BB%99i-du-h%E1%BB%8Dc-sinh-Vi%E1%BB%87t-Nam/314662871911933) có chủ đề bàn luận về những thuận lợi, khó khăn, cơ hội du học… ở châu Âu để các bạn đang có ý định hoặc chuẩn bị đi du học có được sự lựa chọn đúng đắn. Qua sự quan tâm và những ý kiến đóng góp của các thành viên của Page, cho thấy du học Châu Âu ngày càng hấp dẫn các bạn trẻ Việt Nam vì các lí do:

 

1. Về cơ hội du học: Châu Âu vẫn là “cỗ máy giáo dục” lớn nhất thế giới, và cũng rất chất lượng, với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, nơi mà người học được giáo dục, đào tạo một cách toàn diện và bài bản, được tạo điều kiện, được trang bị đầy đủ để thỏa sức sáng tạo và thể hiện khả năng của mình. Bằng cấp của các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) được cả khối và thế giới công nhận.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Nhiều nước Châu Âu có chính sách miễn giảm học phí cho các bậc học như Đức, Phần Lan, Ba Lan… tùy theo nước mà việc miễn hoặc giảm học phí đối với những chuyên ngành nhất định, hoặc điều kiện nhất định. Theo bạn Nguyễn Minh Đức, đang học năm cuối Thạc sỹ về công nghệ Sinh học ở Đức, thì với bậc học ĐH sinh viên ở nước này sẽ được miễn học phí cho dù học bằng tiếng Anh hay Đức.

 

Theo thành viên Venuer của Page, thì Tây Ban Nha và Phần Lan cũng được giảm 90% học phí. Thông tin từ các Admin Ba Lan của Page, nếu bạn học Đại học ở Ba Lan và bằng tiếng Ba Lan thì hoàn toàn miễn học phí..

 

Có nhiều chương trình học bổng lớn và hấp dẫn, bản thân EU có những chương trình học bổng rất lớn cho sinh viên toàn thế giới điển hình là Erasmus (http://ec.europa.eu/education/external-relation-programmes/mundus_en.htm), và ngay các nước thành viên EU, các trường, các viện cũng có những chương trình học bổng lớn như Đức có DAAD (http://www.daadvn.org/vi/), Hà Lan có Netherlands Fellowship Programmes-NFP (http://www.studyinholland.nl/scholarships/scholarships-administered-by-nuffic/netherlands-fellowship-programmes#.UFm2IY0aNWU), Pháp có học bổng Eiffel (http://www.egide.asso.fr/jahia/Jahia/appels/eiffel)...

 

2. Về sinh hoạt phí: Ở một số nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan… khá rẻ, thậm chí những nước được coi là đắt như Đức, Pháp… nhiều bạn đang học tập ở đó có tổng tiền chi tiêu hàng tháng còn rẻ hơn chi phí (cả sinh hoạt phí và học phí) của các bạn đang học các trường quốc tế ở Việt Nam. Nếu bạn chi tiêu hợp lý, thì việc học tập ở một số nước EU khá kinh tế, không đắt đỏ và chắc chắn rẻ hơn các nước Mỹ, Hàn, Nhật…

 

3. Về cuộc sống và văn hóa: việc hòa nhập của du học sinh với cuộc sống ở EU khá nhanh, có thể là do quan điểm “cởi mở và thân thiện” của người châu Âu. Châu Âu là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa, các châu lục… do vậy con người ở đây cũng được “quốc tế hóa”, nên họ có vẻ dễ gần và cởi mở. Mọi người, nhất là lớp trẻ ở đây hầu hết dùng được tiếng Anh. Nhưng chắc chắn một điều, nếu bạn biết thêm tiếng bản địa ngoài tiếng Anh thì bạn sẽ hòa nhập tốt hơn và khám phá được nhiều điều thú hơn trong văn hóa của họ.

 

4. Về học tập nghiên cứu: Đây là điều rất khác biệt giữa Châu Âu và những nơi khác. Ở Châu Âu, với bậc học ĐH sinh viên mỗi năm được nghỉ 2 kỳ, cái này tương đối giống với Hàn và Nhật... Sinh viên cũng học khá nặng, nhưng được thực hành, thực tập nhiều.

 

Với nghiên cứu sinh, có sự khác biệt khá nhiều, nghiên cứu sinh tiến sỹ được thoải mái sáng tạo, đề xuất ý tưởng, nghiên cứu, được chủ động mọi thứ liên quan đến công việc của mình. Họ thảo luận nhiều với giáo sư hướng dẫn, nghiên cứu sinh là người đưa ra ý tưởng và thực hiện, giáo sư là người gợi ý, hướng mình đi đúng. Và nghiên cứu sinh ở đây có thể nói là rất thoải mái về thời gian, những ai đã từng học ở Hàn và Nhật chắc sẽ hiểu điều này.

 

Ở đây họ làm việc theo hiệu quả công việc, và chỉ làm tối đa 8 tiếng một ngày (phần lớn thì ít hơn). Cuối tuần nghỉ, một năm có khoảng 8 tuần nghỉ (tùy theo nước)… điều quan trọng nhất, là trong thời gian làm việc phải làm việc hết mình, thật hiệu quả.

 

5. Làm thêm: Với bậc học đại học, hoặc thạc sỹ, thường du học sinh sẽ đi làm thêm để trang trải cuộc sống, mặc dù đang khủng khoảng kinh tế, nhưng phần lớn các bạn đều cố gắng và tìm được những việc làm phù hợp. Có bạn làm bồi bàn, bạn làm dọn dẹp, bạn đi bán hàng….

 

Nếu bạn biết tiếng bản địa, thì có thể đi gia sư như bạn Bạch Văn Năm, đang học Thạc sỹ ở Ba Lan. Với bậc học Tiến sỹ, phần lớn nghiên cứu sinh có học bổng, hoặc được tài trợ trực tiếp từ dự án nghiên cứu, trừ học bổng nhà nước Việt Nam (322, học bổng hiệp định), thì các học bổng, hoặc tiền từ dự án mà nghiên cứu sinh nhận được thường khá so với thu nhận của nước sở tại, nên họ có cuộc sống tương đối tốt. Mặt khác họ phải tập trung nghiên cứu, nên đối tượng này ít đi làm thêm.

 

Du học ở đâu cũng có khó khăn, ở Châu Âu cũng vậy.  Trước tiên là thay đổi điều kiện, môi trường sống. Khí hậu ở đây rất lạnh nhất là vào mùa đông, ở nhiều nước EU, nhiêt độ mùa đông thường dưới 0 độ, cá biệt những nơi âm 20 độ. Sự khác biệt về văn hóa, cũng là những khó khăn bước đầu mà du học sinh ở Châu Âu gặp phải. Nhớ đồ ăn Việt chắc là vấn đề của mọi du học sinh, nhất là học ở các nước rất xa quê hương như ở Châu Âu…

 

Chu Đình Tới

(NCS ở Châu Âu)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm