Diễn giả không tay chân Nick Vujicic phê phán nạn “bạo lực học đường”
(Dân trí) - Ngày 22/3, buổi diễn thuyết giao lưu giữa người đàn ông “không tay chân” Nick Vujicic và các thầy trò phụ huynh tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) trở nên nóng hơn bởi đề tài “bạo lực học đường”.
“Ôi… Người gì mà xấu thế! Không biết lớn lên sẽ làm được trò trống gì? Chắc cũng chẳng có ai chơi cùng đâu nhỉ…”. Và, buổi diễn thuyết của người đàn ông kỳ diệu “không tay chân” Nick Vujicic đã được bắt đầu như thế. Bằng những câu chuyện tưởng chừng “nhỏ nhưng không nhỏ” về ký ức tuổi thơ mà chính anh đã trải qua trong những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nick cho biết, ban đầu khi đối diện với những lời chê bai, trêu chọc và thậm chí bắt nạt đó của một số bạn trong trường, anh đã rất buồn và cảm thấy nỗi cô đơn dường như bao quanh mình ngày càng lớn. Những ngày sau đó, anh đã phải đấu tranh tâm lý cho việc đến trường khi nói với mẹ mình: “Mẹ ơi, con không muốn đi học nữa đâu. Bạn con luôn trêu chọc con là một người xấu xí và không thể làm được gì mẹ ạ…”.
“Ồ không… Con của mẹ hãy nhớ rằng, con không có gì là xấu cả, con luôn đẹp khi con chính là mình. Con là một người rất đặc biệt và con cũng có thể làm được những điều đặc biệt, Nick à”. - “Vâng, và tôi đã tiếp tục mạnh mẽ đến trường sau những lời động viên ấy của mẹ”, Nick kể.
Tất nhiên, ngoài mẹ của mình, ắt hẳn trên con đường lấy lại niềm tin vào bản thân và xây dựng nghị lực mạnh mẽ cho mình, Nick đã gặp được những con người có thể hiểu, đồng cảm và biết chia sẻ cùng anh. Đó là bác lao công trong trường, người duy nhất mà anh có thể trò chuyện thân mật, gần gũi nhất sau những giờ tan trường và ngồi đợi xe đến rước về. Đó là cô bạn gái khiến anh “sướng cả người” khi đã giúp anh quên đi lời chê bai, bắt nạt của 12 bạn khác trong lớp vì cô ấy nhận ra được nghị lực và đặt niềm tin vào anh.
“Nick à, bác đoán chắc rằng, sau này con sẽ là một nhà diễn thuyết giỏi đấy…” - Ồ không, cháu không nghĩ thế đâu bác ạ. Cháu không tài nào làm được một việc quá lớn như thế… Nhưng rồi, đúng như những gì mà bác lao công ấy nói với tôi ngày ấy và bây giờ, tôi đã có thể đứng trước tất cả các bạn và trò chuyện với các bạn như thế này. Đấy, có phải là không có gì là không làm được… đúng không nào?” - Nick tiếp chuyện.
Câu chuyện trở nên hào hứng và sức mạnh tương tác giữa Nick cùng các bạn học sinh càng được thể hiện gần gũi hơn khi thỉnh thoảng, Nick lại tự đệm vào một vài từ tiếng Việt cũng như đặt câu hỏi để bên dưới trả lời. Không chỉ đơn thuần Nick nói và mọi người nghe, không phải là một buổi diễn thuyết mà hơn hết, đó là cuộc trò chuyện thân mật giữa anh và các học sinh.
Trở lại với câu chuyện “tiêu cực học đường” ban đầu, Nick đã hỏi các bạn học sinh bên dưới: “Tôi có đủ dễ thương để được làm bạn với các bạn không nào? - Có (đông đảo học sinh bên dưới đồng thanh vang lên - PV). Vậy nếu, bỗng dưng tôi trở nên xấu tính, tôi luôn trêu chọc các bạn, thậm chí tôi đánh cả bạn trong lớp của mình, các bạn có chơi với tôi nữa không? - Không (tiếng các bạn học sinh đồng loạt vang lên - PV).
Nick cho rằng, một số bạn trong các trường học xem việc trêu chọc, đánh bạn là cách để thể hiện mình là một “tay chơi sành điệu”, thể hiện sức mạnh của mình trước những người yếu thế. “Ồ không, tôi không nghĩ như vậy. Việc đó quá dễ, ai làm mà không được, làm một người xấu như vậy rất dễ. Cái khó là làm sao để bạn nhận ra mình sai, sửa sai và nói lời xin lỗi”, Nick đưa ra quan điểm của mình.
Không chỉ phê phán những tệ nạn trong học đường thông qua những câu chuyện gắn với mình, Nick còn rất tâm lý khi vẽ ra những viễn cảnh thực tế mà 10 năm hay 20 năm nữa, chính những người bạn xấu tính ấy phải đối diện. Nick nói: “Các bạn hãy tưởng tượng nào, bây giờ các bạn còn đi học nhưng 10 năm sau chẳng hạn, các bạn sẽ có gia đình giống như tôi. Rồi các bạn cũng sẽ có con và nếu một ngày nào đó, con của bạn trở về nhà từ trường và bảo rằng, bố mẹ ơi bạn kia bắt nạt con, đánh con… Lúc đó, các bạn sẽ nghĩ thế nào, khi chính các bạn cũng đã từng làm như vậy với con của người khác (bạn cùng lớp của mình) khi còn nhỏ?”.
Để lý giải thêm cho câu chuyện của mình, Nick nói tiếp: “Với tôi, những việc mình làm cũng giống như khi mình ném một quả bóng vào đâu đó. Tất nhiên, nó sẽ dội ngược lại mình và không ai khác chính mình sẽ là người phải hứng lấy nó. Điều này cũng có nghĩa là, nếu các bạn làm gì xấu thì chính các bạn sẽ phải nhận lấy hậu quả ấy về sau, khi các bạn gieo hạt thế nào thì sẽ phải gặt quả ấy trong tương lai. Vậy nên, hãy luôn đối xử tốt với mọi người, với các bạn của mình và đón nhận những điều tốt đẹp bằng chính những hành động đẹp đối với người khác nhé”.
Buổi diễn thuyết hay nói đúng hơn là cuộc trò chuyện gần gũi tưởng như không có khoảng cách giữa Nick Vujicic và hàng ngàn học sinh có mặt tại sự kiện chỉ diễn ra trong một giờ đồng hồ nhưng có lẽ, ít nhiều đã truyền tải đến mọi người những thông điệp rất đời thường nhưng vô cùng ý nghĩa. Cũng có thể, những điều đó, chúng ta đã được nghe từ thầy cô, từ sách vở nhưng với cách chia sẻ rất gần gũi, hóm hỉnh và thực tế của một người giàu nghị lực, vươn lên từ những khiếm khuyết đặc biệt về cơ thể như Nick, những bài học này dường như được các em học sinh tiếp thu một cách nhẹ nhàng và dễ dàng hơn!
Bên cạnh buổi diễn thuyết chính, cuộc trò chuyện giữa Nick và mọi người trở nên sôi động hơn khi nhiều câu hỏi từ phía các bạn học sinh đã được gửi đến anh ngay tại chương trình. Bất ngờ hơn nữa, một số du học sinh của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã được chương trình nối máy để chia sẻ trực tuyến cùng với người đàn ông “không tay chân” kỳ diệu này.
“…Tôi từng mong tôi không là tôi/ Tôi từng mong tôi giống bao người/ Để sống thảnh thơi/ Sống như tôi vẫn mơ… Và rồi tôi nhận ra/ Rằng trong trái tim này/ Là tình yêu vô bờ/ Và đầy ắp ước mơ/ Và rồi tôi nhận ra/ Rằng những khó khăn này/ Càng làm tôi thêm yêu cuộc đời/ Và thắp sáng niềm tin trong tôi…”,