Điểm Sử có còn “kinh hoàng” như năm trước?

(Dân trí) - Còn nhớ ở kì thi ĐH năm 2005, có tới trên 50% số thí sinh dự thi môn Lịch sử ở các trường ĐH hàng đầu có kết quả từ 1 điểm trở xuống. “Lịch sử” có lặp lại hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra sau kì thi ĐH năm nay?

Vẫn kẻ cười, người khóc…

 

Môn Lịch sử vẫn là mối lo ngại lớn nhất của phần đông thí sinh khối C năm nay trước khi bước vào kì thi đại học vừa qua. Ngay hôm kết thúc môn thi này chúng tôi có những tiếp xúc khá “kĩ” với các thí sinh và những phản hồi nhận được là khá khác nhau về đề thi cũng như khả năng làm bài của mỗi người.

 

Thí sinh Nguyễn Thị Giang, Vũ Thư, Thái Bình dự thi Đại học Luật nhận xét đề thi không khó, không lắt léo, nhưng… bất ngờ. Sự bất ngờ thể hiện ở câu hỏi III: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp bằng con đường hoà bình từ ngày 6/3/1946 đến 19/12/1946”.

 

Theo lí giải của Giang, học sinh chú ý nhiều vào giai đoạn từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công đến 6/3 (ngày kí hiệp định sơ bộ) với các sách lược nhằm loại quân Tưởng ra khỏi nước ta hơn là giai đoạn trong câu hỏi trên. Một bất ngờ nữa theo Giang là đề không có câu hỏi nào về kháng chiến chống Mỹ (từ sau hiệp định Giơnevơ 1954 đến 1975) như em và nhiều thí sinh khác “dự đoán”.

 

Cho dù chưa thi môn Địa, thí sinh này vẫn cho rằng môn Sử là môn khó kiếm điểm nhất trong ba môn thi. Kiến thức của môn học này quá rộng và việc không làm được câu hỏi nào chủ yếu là do không học trúng chứ không phải đề khó.

 

Giang cũng dẫn thêm “kinh nghiệm” năm trước: đề thi môn Lịch sử được nhiều giáo viên đánh giá tốt nhưng kết quả vẫn quá “tệ hại”. Với những phân tích như trên, Giang cho rằng kết quả thi cũng không mấy khả quan hơn năm trước, những thí sinh đạt điểm dưới 3 sẽ không ít.

 

Thí sinh Nguyễn Mạnh Cường, Uông Bí, Quảng Ninh lại nhìn nhận vấn đề “lạc quan” hơn. Dù không muốn đưa ra dự đoán về điểm số, nhưng thí sinh này cho biết mình hoàn thành tất cả các câu hỏi và “nhẩm tính” có thể đạt được khoảng 60-70% yêu cầu của đề. Cường cho biết, em hoàn thành bài thi trước thời gian qui định khoảng 30 phút và trong phòng thi cũng có một vài người làm xong bài sớm như vậy.

 

Thí sinh này cho rằng đề thi năm nay dễ hơn đề thi năm 2005 và đó là một cơ sở để dự đoán kết quả thi môn Sử sẽ không “tồi” như năm trước.

 

Những người chuyên chấm thi nói gì?

 

GS Phạm Xanh, khoa Lịch sử trường ĐH KHX&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, thời điểm này chưa thể nói nhiều về kết quả thi, nhưng ông “bật mí”: tại điểm ông coi thi vẫn có nhiều thí sinh làm được ít trang và có không ít người nộp bài sớm vì không làm được bài. Cho dù đánh giá kết quả thi năm nay có thể không đến mức tệ như năm trước nhưng ông nhận định, kết quả chung vẫn sẽ… thấp.

 

TS Vũ Quang Hiển khoa Lịch sử, ĐHXH&NV cho rằng, kết quả thi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thái độ ứng xử với môn Lịch sử ở trường phổ thông có vai trò rất quan trọng. Theo TS Hiển, kết quả thi môn Sử thấp “kinh khủng” ở kì thi năm trước đã “đánh động” không ít đến học sinh ôn thi đại học năm nay. Nhiều thí sinh đã quan niệm, môn Sử sẽ là môn học có nhiều khả năng làm nên sự khác biệt về điểm số trong cuộc đọ sức chung.

 

Nếu chỉ xét riêng về đề thi, TS Hiển cho rằng đề năm nay có phần “dễ chịu” hơn cho các thí sinh. Đề thi nằm trong chương trình, bao quát 4 chương của Sách giáo khoa lớp 12. Trong đề có câu hỏi mà học sinh chỉ cần học thuộc bài là đã được điểm, trong khi với những câu đòi hỏi phân tích, học sinh học “vẹt” không thể kiếm được nhiều điểm nhưng họ cũng có thể được cho điểm (dù ít) nhờ chạm được vào một số ý “nổi”.

 

Nhìn từ góc độ đề bài, ông nhận định: “Nếu không đạt được điểm 5 là kém thực sự”. Cũng theo ông, đề thi dễ hơn so với năm trước nhưng vẫn bảo đảm được tính phân loại và những thí sinh hiểu bài, trình bày vấn đề sắc sẽ đạt các thang điểm từ 7 đến 8.

 

Từ các phân tích trên TS Hiển cho rằng, mặt bằng chung về điểm của các thí sinh sẽ khả quan hơn năm trước và điểm trung bình sẽ là “phổ” điểm chủ yếu nhất.

 

Mạnh Cường - Phương Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm