TPHCM:

Điểm sáng đi đầu trong xã hội hóa giáo dục

Trong năm học 2007-2008, so với các địa phương khác trong cả nước, ngành giáo dục-đào tạo TPHCM đã đạt thành tích tốt ở tất cả các bậc học, ngành học. Ðáng ghi nhận là những kết quả bước đầu trong xã hội hóa giáo dục.

Báo cáo mới đây của Sở Giáo dục-đào tạo (GD-ÐT) cho thấy, đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong học kỳ I.

Ngành giáo dục mầm non, với 617 trường mầm non và 765 nhóm lớp tư thục đã bảo đảm nuôi dạy cho 249.000 trẻ; giảm suy dinh dưỡng được 52% so với đầu vào.

Giáo dục tiểu học cũng tiến hành đổi mới phương pháp dạy và học.

Kết quả kiểm tra định kỳ lần 2 với môn tiếng Việt và toán cho thấy, không có hiện tượng học sinh (HS) ngồi nhầm lớp; tỷ lệ bỏ học là 0,02%.

Giáo dục trung học đã chấn chỉnh được tình trạng dạy thêm, học thêm; tổ chức thi thiết kế bài giảng trên máy tính các môn: sinh học, vật lý, công nghệ theo phương pháp mới.

Giáo dục chuyên nghiệp đã hiệu chỉnh mục tiêu đào tạo, phân bổ nội dung chương trình theo hướng tăng thực hành.

Có thể nói, TPHCM luôn là điểm sáng đi đầu trong xã hội hóa (XHH) giáo dục.

TP đặt ra mục tiêu xã hội hóa giáo dục là: GD-ÐT là quốc sách hàng đầu, đồng thời huy động hợp pháp nhiều nguồn đầu tư xã hội, tạo điều kiện chăm lo cho GD, nhất là vùng sâu, vùng xa, các diện chính sách.

Nhiều cơ sở công lập được chuyển sang cơ chế tự chủ, cung ứng dịch vụ công ích, không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận.

Tạo điều kiện phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập, xóa bỏ trường và lớp bán công trong trường công: 48 trường thuộc khu vực mầm non được chuyển thành công lập; năm trường tiểu học hoạt động theo cơ chế tự chủ; 24 trường trung học cơ sở bán công hiện hữu được chuyển thành công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính; 16 trường trung học phổ thông (THPT) bán công được chuyển thành trường công lập. Hệ thống các trường công lập đào tạo theo chuẩn quốc tế cũng dần được hình thành.

Hiện nay, trong 1.428 cơ sở GD của hệ thống GD quốc dân tại TPHCM, có gần 24 đơn vị có yếu tố nước ngoài, từ đầu tư đến thực hiện chương trình và phương pháp đào tạo.

Qua một thời gian thí điểm, ngành giáo dục thành phố cũng đã xây dựng được các mô hình XHH GD ở tất cả các bậc học.

Cấp học mầm non có trường Mầm non Rạng Ðông Quận, quận 6. Vay vốn kích cầu để xây dựng trường, phụ huynh HS sẽ đóng tiền hằng tháng với mức thu 340-390 nghìn đồng/tháng để trả vốn vay.

Ở cấp trung học có trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình). Ðây là mô hình nhà trường không dạy thêm, học thêm để thu tiền; tự chủ về tài chính; tổ chức nhân sự gọn nhẹ. Mức thu học phí là 110 nghìn đồng/tháng.

Trường THPT Trương Vĩnh Ký, quận Tân Bình do tư nhân đầu tư hoàn toàn, tiếp nhận 2.500 HS với khá đầy đủ trang thiết bị học tập, phòng ốc, ký túc xá. Ðây là một trong năm trường đạt kết quả tốt nghiệp cao nhất thành phố.

Trường THPT Lê Quý Ðôn theo cơ chế tự chủ tài chính. Học phí từ 850 - 900 nghìn đồng/tháng.

Trường THPT Quốc tế Việt - Úc là mô hình liên kết đào tạo quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu du học tại chỗ. Dạy theo chương trình THPT Úc và các môn: Văn - Tiếng Việt, Lịch sử Việt Nam. Học phí 6.300 USD/năm.

Sau một thời gian thực hiện, thành phố rút ra những bài học kinh nghiệm từ XHH GD. Tuy là chủ trương đúng đắn, nhưng quá trình XHH còn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể.

Thực tế cho thấy, nhiều kinh nghiệm rút ra từ XHH GD của địa phương này cũng khó áp dụng đại trà cho các địa phương khác do những đặc thù và sự khác biệt.

Chính vì thế, phải có sự đầu tư nghiên cứu và kiên trì thực hiện thí điểm rồi mới thận trọng tiến hành đại trà. Phải có sự đồng bộ trong cơ cấu thực hiện, phát huy mạnh mẽ cơ chế dân chủ cơ sở và phải bắt đầu từ giáo dục nhận thức.

Trong cuộc họp với Ban Văn hóa - Xã hội của HÐND thành phố mới đây, vẫn còn những ý kiến thắc mắc, lo ngại, nhất là về mức thu học phí của các trường công tự chủ về tài chính, không ít trường hợp vượt quá với quy định của Nhà nước.

Hệ thống các trường quốc tế với đủ loại hình đang được mở ra ngày càng nhiều trên địa bàn TP, tuy nhiên, việc xác định quy chuẩn, mức độ quản lý nội dung, hoạt động của các trường, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc..., nhất là các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang là mối lo ngại của nhiều người.

Theo Tiến sĩ Trần Kim Dung
Nhân dân