Điểm sàn: Không thể “cá mè một lứa”!
Như vậy, sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng Bộ GD-ĐT cũng đã công bố mức điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 (A, B: 15 và C, D: 14). Với mức điểm sàn này, các trường tốp trên dĩ nhiên không cần quan tâm, nhưng đối với các trường tốp dưới, đó vẫn là một bài toán đầy thách thức.
Và trong bối cảnh mà nếu phải tính đến các yếu tố mục tiêu đào tạo của từng trường, đặc điểm vùng miền và nguồn tuyển khác nhau, phần lớn ý kiến của người trong cuộc đều cho rằng: không thể tất cả cùng một “sàn”, không thể “cá mè một lứa”!
GS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng trường ĐH An Giang): Không hợp lý!
Với mức điểm sàn bộ đã ấn định, trường chúng tôi chỉ tuyển được chưa tới 40% bằng NV1, trong đó thiếu thí sinh (TS) để tuyển nhiều nhất là các ngành kinh tế.
Tôi thật sự thấy qui định về điểm sàn không hợp lý, chưa sát với thực tiễn, nhất là đối với những trường có điều kiện đặc thù, những trường đóng trên các địa bàn khó khăn, điều kiện giáo dục chưa đồng đều với cả nước và có mục tiêu đào tạo nhân lực tại chỗ như trường chúng tôi. Theo tôi, mức điểm sàn cao nên áp dụng cho các trường ĐH lớn, trọng điểm có trách nhiệm đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao... Đối với những trường chỉ nhằm mục tiêu đào tạo nhân lực tại chỗ, nâng cao dân trí, khó tuyển... không nên khống chế bằng một điểm sàn chung toàn quốc mà cần có cơ chế phù hợp hơn.
Trong công văn hỏa tốc do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long ký gửi các trường sáng 12/8, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường ĐH có dự kiến điểm trúng tuyển NV1 dưới 20 điểm cần dành khoảng 15-20% chỉ tiêu xét tuyển NV2, NV3 để tuyển được nhiều thí sinh đạt kết quả cao. Trong văn bản này, bộ cũng nhắc lại một qui định “mở” trong qui chế tuyển sinh: đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số và các trường đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây nguyên, Tây Bắc được xác định điểm trúng tuyển theo qui định tại điều 33 trong qui chế tuyển sinh với mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng ưu tiên được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 2 điểm; điểm chênh lệch giữa các khu vực có thể lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2 điểm. |
Sau khi biết được mức điểm sàn năm nay, tôi đang rất lo, lo Trường ĐH Cần Thơ sẽ không thể tuyển đủ người học trong khi nhu cầu học ĐH của con em chúng ta, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long không phải đã được đáp ứng đủ.
Với điểm sàn bộ qui định, ĐH Cần Thơ chỉ tuyển được tối đa 80% chỉ tiêu. Còn tới 20%, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp khó khăn về nguồn tuyển.
Khi xác định điểm sàn bộ nên xét đến những yêu cầu thực tế rất khác biệt, chênh lệch giữa các trường, các vùng miền. Mức điểm sàn như hiện nay làm khó cho nhiều trường vốn đã khó tuyển trong khi chẳng có ý nghĩa gì với đa số trường còn lại.
Thạc sĩ Trần Đình Lý (thành viên hội đồng tuyển sinh ĐH Nông Lâm TPHCM): Gây khó khăn cho các trường tốp dưới!
Thực tế tuyển sinh cho thấy điểm sàn không ảnh hưởng gì đến các trường tốp trên, ảnh hưởng ít đến các trường tốp giữa nhưng gây khó khăn cho các trường tốp dưới.
Theo tôi, không nên có một điểm sàn chung cho tất cả các trường, nên có nhiều mức sàn cho nhiều nhóm trường khác nhau. Có mức điểm sàn dành cho các trường đào tạo nhân tài, điểm sàn dành cho các trường đào tạo nhân lực và có điểm sàn riêng cho những trường phục vụ nâng cao dân trí.
Ngoài ra, việc bộ yêu cầu các trường có điểm chuẩn dưới 20 nên dành 15-20% chỉ tiêu xét tuyển NV2, 3 có yếu tố tích cực nhằm nâng chất lượng đầu vào. Nhưng nhìn ở góc độ hướng nghiệp, điều này triệt tiêu ý thích nghề nghiệp của người học.
Một TS có điểm thi bằng sàn được vào ngành mà họ yêu thích có thể sẽ học tốt và nảy sinh tài năng. Nhưng đối với những TS điểm cao, liệu họ có gắn bó với ngành học không? Chọn những TS điểm có thể thấp (tất nhiên đừng quá thấp) nhưng yêu thích nghề nghiệp sẽ có ý nghĩa hơn chọn những TS điểm cao nhưng chỉ xem NV2 như một trạm dừng chân...
Thầy Nguyễn Quốc Hợp (trưởng phòng đào tạo Trường ĐHDL Văn Hiến): Nên tùy vào loại trường!
Theo tôi, hiện nay điểm sàn là điểm chỉ dành cho các trường phía Nam và chủ yếu dành cho các trường nhóm dưới. Tôi cho rằng phải căn cứ vào thống kê điểm của khu vực phía Nam, từ đó mới đưa ra được điểm sàn dành cho các trường phía Nam. Nghĩa là điểm sàn phải tính theo khu vực. Hiện nay chúng ta có nhiều loại trường khác nhau, chất lượng mỗi trường cũng khác nhau, do đó mức điểm sàn cũng phải tùy thuộc từng loại trường.
Thầy Nguyễn Xuân Thao (hiệu trưởng Trường ĐH Tây nguyên): Không tuyển thêm được nhiều thí sinh!
Với mức điểm sàn này, trường chỉ tuyển được 70%, nếu trừ số "ảo" thì chỉ tuyển được khoảng 50% so với chỉ tiêu. Hiện trường vẫn chưa có quyết định chính thức về việc vận dụng điều 33 trong qui chế tuyển sinh, bởi vận dụng cũng không tuyển thêm được nhiều TS vì mặt bằng điểm thi chung của trường rất thấp.
Theo Tuổi trẻ