Điểm sàn đại học không còn ý nghĩa với tuyển sinh của các trường?

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng, điểm sàn hiện giờ không có nghĩa đối với trường đại học tốp trên và cũng không có nghĩa với cả trường tốp dưới và ngoài công lập.

Dựa vào thực tế tuyển sinh năm 2015 và năm 2016 và căn cứ vào Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến chỉ qui định điều kiện cần đối với thí sinh là tốt nghiệp THPT còn các trường ĐH qui định điều kiện đủ để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nghĩa là, thay vì Bộ qui định một ngưỡng sàn chung thì giao cho các trường qui định ngưỡng này tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo, uy tín, chiến lược phát triển của trường. Việc này được thực hiện tương tự như đối với các trường cao đẳng năm 2016.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố, dư luận rất băn khoăn, liệu rằng khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có đảm bảo không, nhất là đối với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng.

GS. Nguyễn Quý Thanh, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mặc dù việc bỏ “điểm sàn” là bước đi nhằm tăng quyền tự chủ của trường đại học, nhưng, trong khi trường đại học chưa thực sự chứng tỏ được về năng lực thực tế để thực hiện quền tự chủ và quản lý chất lượng thì sự lo lắng của xã hội là có cơ sở

Theo GS Thanh, trường đại học chỉ thuyết phục được xã hội về năng lực của họ thông qua kiểm định chất lượng khách quan. Khi trường đại học được tổ chức kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới có thể xem trường có đủ năng lực thực hiện tự chủ.


Điểm sàn đại học giờ không có nghĩa đối với trường ĐH tốp trên và cũng không có nghĩa với trường tốp dưới nên tranh luận giữ điểm sàn hay không giữ là không có căn cứ

Điểm sàn đại học giờ không có nghĩa đối với trường ĐH tốp trên và cũng không có nghĩa với trường tốp dưới nên tranh luận giữ điểm sàn hay không giữ là không có căn cứ

PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho biết, cách đây 3 năm, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tuyển sinh theo đề án với 2 phương thức là các trường được tuyển sinh theo đề án của mình, trong đề án đó có thể các trường tuyển sinh theo học bạ và tuyển sinh theo phương thức riêng; phương thức thứ 2 là tuyển sinh theo điểm sàn.

Theo bà Nga, thực tế trong 3 năm vừa qua, đại đa số các trường tuyển sinh bằng học bạ tập trung ở các trường đại học ngoài công lập nhưng trong 2 năm trở lại đây số lượng trường công lập tuyển sinh xét học bạ gia tăng cao, trong đó có khá nhiều trường đại học công lập ở tốp giữa tuyển sinh theo hình thức xét học bạ.

"Mặc dù khi nộp đề án tuyển sinh lên bộ, nhiều trường có thể nói tuyển sinh 40% là xét học bạ và 60% là theo điểm sàn. Nhưng liệu rằng con số công khai đó đã đúng chưa? minh bạch chưa? Cụ thể, kết quả cuối cùng tuyển sinh vào các trường đó là bao nhiêu? Tôi nghĩ con số đó của nhiều trường không đúng" - bà Nga băn khoăn.

"Vậy điểm sàn hay ngưỡng bảo đảm chất lượng cố gắng giữ đầu vào cho học sinh nhưng vô hình chung ngưỡng đó không áp dụng với trường tốp dưới và với trường ngoài công lập. Liệu có cần ngưỡng đó hay không, trong khi các trường công lập, trường ngoài công lập phía dưới họ đang xét học bạ, không xét theo điểm sàn" - bà Nga nói.

Bà Nga cho rằng, điểm sàn giờ không có ý nghĩa đối với trường ĐH tốp trên và cũng không có ý nghĩa với trường tốp dưới nên tranh luận giữ điểm sàn hay không giữ là không có căn cứ và cơ sở khoa học thực tiễn chứng minh đã có nhiều trường công là trường ngoài công lập không cần điểm sàn từ lâu.

Trao đổi với PV Dân trí, nhiều chuyên gia và trường ĐH cho rằng năm 2017 không nên qui định điểm sàn vì thực tế điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa như khi tổ chức thi “3 chung”. Mặt khác việc qui định điểm sàn chung không phát huy được tính năng động, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường trong việc xác định điểm sàn phù hợp với điều kiện của từng trường và yêu cầu của từng ngành đào tạo cũng như đồng bộ với chính sách chất lượng của trường.

Bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng

GS Nguyễn Quý Thanh đề xuất, việc giao cho các trường tự quyết hoàn toàn về tuyển sinh và bỏ điểm sàn chung cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo chất lượng. Thí dụ, trước mắt Bộ GD&ĐT có thể trao cho các trường đại học và những chương trình đào tạo được đánh giá, kiểm định chất lượng và đạt chuẩn chất lượng của Việt Nam, chuẩn ASEAN (AUN-QA) hoặc chuẩn quốc tế (ABET, AACSB, HCERES, CTI, v.v.) quyền tự quyết về tuyển sinh (kể cả về “điểm sàn”).

Ngược lại, đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT vẫn nên áp dụng ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu.

Luật Giáo dục Đại học cũng qui định trường đại học được thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn ga cho biết, trên thực tế điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH).

Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).

Trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo nhất quán phương châm lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động.

Nhật Hồng