Điểm cao môn Lịch sử: Không khó!

Nhiều học sinh tỏ ra “ngại” môn thi Lịch sử, tuy nhiên, theo cô giáo Trần Thị Minh Hiển (tổ trưởng Tổ Xã hội, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) thì để được điểm cao khi làm bài môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không khó.

Học lần lượt từng vấn đề và không học tủ

 

Chương trình ôn thi tốt nghiệp lớp 12 bó gọn trong gần 300 trang của 2 cuốn sách giáo khoa (SGK) Lịch sử lớp 12. Trong tài liệu hướng dẫn ôn tập của Bộ GD-ĐT,  phần lịch sử Việt Nam chỉ yêu cầu ôn tập những nội dung cơ bản nhất. HS chỉ phải ôn tập từ năm 1919 đến năm 1975. Cả một chương từ 1975 đến 2000 các em không phải ôn.

 

Không chỉ bớt hẳn một giai đoạn mà ngay trong từng giai đoạn (mà các em phải ôn), nội dung ôn tập cũng được lược đi nhiều so với sách giáo khoa. Như vậy, các em chỉ phải ôn tập những nét chính, những nét rất cơ bản trong lịch sử Việt Nam. So với năm ngoái, khối lượng kiến thức năm nay HS phải ôn tập chỉ bằng 7/10.

 

Cần nhớ không học tủ và học lần lượt theo từng vấn đề.

 

Học để hiểu và nắm bản chất

 

Để ôn tập có hiệu quả, các em nên lưu ý phương pháp học. Khi học ôn, cần phải đi từ quy nạp đến diễn giải. Cụ thể, phải xem nội dung từng chương gồm những bài nào, trong bài đề cập đến vấn đề gì, những vấn đề đó bao gồm những sự kiện nào.

 

Cách học này khác hẳn với khi học một bài mới ở trên lớp (học từng phần trong một bài, từng bài trong một chương, rồi mới đến thứ tự các chương).

 

Lịch sử có những vấn đề cần phải học thuộc. Nhưng nếu học thuộc lòng từng câu từng chữ thì không bao giờ có thể nhớ hết được. Những vấn đề cần học thuộc lòng là chủ trương của Đảng, ý nghĩa lịch sử của từng sự kiện... Để dễ thuộc, các em chia ra thành từng vấn đề nhỏ, thành từ câu, từng ý.

 

Ví dụ, khi học ý nghĩa của một sự kiện, các em chia ra từng ý như: Sự kiện này đối với thế giới có ý nghĩa gì, đối với VN trong giai đoạn đó có ý nghĩa gì, đối với tổng thể một chặng đường dài có ý nghĩa gì. Như vậy, các em sẽ nắm được bản chất của vấn đề mà nếu chỉ ngồi học thuộc lòng từng câu, từng chữ thì sẽ chẳng bao giờ thuộc hết được.

 

Chia ra các dạng bài cho dễ học

 

Trong quá trình ôn tập, các em nên học theo các dạng bài sẽ dễ nhớ, dễ hiểu. Thường thường Lịch sử có các dạng bài sau:

 

Dạng bài các cuộc cách mạng, các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch... Chú ý đến lô gic của dạng bài này, gồm: Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến cách mạng; Diễn biến của cách mạng; Kết quả ý nghĩa của cách mạng.

 

Dạng bài các Hội nghị, các đại hội... cần trình bày: Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến hội nghị (đại hội); Nội dung hội nghị/ đại hội; Kết quả, ý nghĩa hội nghị/ đại hội.

 

Dạng bài Lịch sử một nước (ví dụ nước Mỹ, nước Nhật...) học theo dàn bài sau: Tình hình kinh tế; Tình hình chính trị; Tình hình xã hội.

 

Về phương pháp làm bài thi, đầu tiên chúng ta đọc kỹ đầu bài để xem đầu bài hỏi ta những vấn đề gì? Mức độ trả lời từng vấn đề đó như thế nào.

 

Sau đó chúng ta sẽ lập dàn bài chi tiết. Ở khâu này thường các em hay làm đại khái, qua loa. Như vậy thật là thiếu sót vì chính dàn bài sẽ giúp ta trả lời rõ ràng, mạch lạc, đủ ý.

 

Cuối cùng bắt tay vào viết bài. Cần viết rõ ràng, mạch lạc, chữ viết đủ nét dễ đọc. Cách hành văn sáng sủa dễ hiểu, câu văn đúng ngữ pháp, viết đúng chính tả. Khi làm xong thì rà soát lại toàn bài.

 

Nếu thấy cần bổ sung những vấn đề còn thiếu thì các em viết xuống dưới bài và ghi rõ “Bổ sung câu 1” hoặc “Bổ sung câu 2”...

 

Quý Hiên (ghi)

Theo Tiền Phong