Điểm cần lưu ý trong bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM
(Dân trí) - TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP. HCM cho hay, ma trận đề thi bài thi đánh giá năng lực của nhà trường sẽ được chia làm 3 phần.
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị Khảo thí trực tuyến giới thiệu về Bài thi đánh giá năng lực ở Việt Nam năm 2021 do ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 24/2.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, bài thi đánh giá năng lực của trường bắt đầu cùng thời điểm mà trường ĐHQGHN bắt đầu bài thi đánh giá năng lực. Đến nay, nhà trường đã tổ chức được tổng cộng 5 kỳ thi trong 3 năm (2018-2020) và năm 2021 nhà trường tiếp tục tổ chức kỳ thi này.
Mục tiêu kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM là tự chủ tuyển sinh; tuyển chọn được thí sinh phù hợp, giỏi và đủ năng lực vào học tại trường; đổi mới phương thức và nội dung đánh giá năng lực, tuyển sinh phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng đổi mới của giáo dục Việt Nam; đồng thời định hướng học tập cho học sinh THPT chuẩn bị kỹ năng, năng lực để học tốt.
Đề thi do đó được xây dựng trên định hướng đánh giá năng lực cơ bản, cần thiết để học tốt đại học và học tập suốt đời, gồm các năng lực: sử dụng tiếng Việt, sử dụng tiếng Anh, logic và xử lý số liệu, giải quyết các vấn đề khoa học; cung cấp số liệu/ dữ kiện và hạn chế đánh giá khả năng ghi nhớ, thuộc.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết: Ma trận ngân hàng câu hỏi được xây dựng qua 9 bước. Từ bước xây dựng, phản biện câu hỏi rồi được thử nghiệm trên đối tượng học sinh lớp 12 (từ những trường chuyên đến trường bình thường).
Công tác thử nghiệm luôn được thực hiện trước những năm câu hỏi được đưa vào đề thi. Ví dụ, câu hỏi được thử vào năm 2018-2019 thì mới được đưa vào sử dụng năm 2020. Đây là quy trình rất chặt chẽ, được nhà trường chuẩn bị trong thời gian rất lâu nhằm đảm bảo tính khoa học của bài thi.
Ma trận đề thi được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). Phần thứ hai là toán học, tư duy logic và phân tích số liệu. Phần ba là phần giải quyết vấn đề. Cấu trúc đề thi gồm tổng cộng 120 câu hỏi, đều là câu hỏi trắc nghiệm có 4 lựa chọn (thời gian làm bài thi kéo dài 150 phút).
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Quốc gia TP. HCM cho biết, bài thi về ĐHQG - TPHCM hơi khác so với các tiếp cận của ĐHQGHN ở phương thức tổ chức thi: "Ở đây chúng tôi tổ chức bài thi trên giấy và cho thi đồng loạt, còn ĐHQGHN thì cho thi trên máy.
Mỗi phương thức có lợi thế nhất định. Hai trường đều phát triển phương thức riêng của mình và căn cứ vào đó, sau này chúng ta có thể hỗ trợ qua lại lẫn nhau".
Thang điểm bài thi được xác định bằng lý thuyết đáp ứng câu hỏi - IRT. Điểm tối đa của bài thi là 1200 điểm nhưng không phải mỗi câu đều có thang điểm giống nhau. Tùy vào độ khó dễ, các câu sẽ có điểm khác nhau.
Hệ thống quản lý thi sẽ bắt đầu từ khâu đăng ký dự thi, quản lý thi, công bố kết quả đều áp dụng công nghệ thống tin. Nhà trường có hệ thống máy chủ, mạng máy tính, phần mềm chuyên dụng; việc đăng ký dự thi và đóng lệ phí đều có thể thực hiện online.
Thời gian tổ chức thi Đánh giá năng lực dự kiến bắt đầu vào ngày 28/3 (đợt 1) và 4/7 (đợt 2).