Hà Tĩnh:

Địa phương giáo dục những gì trong chương trình phổ thông mới?

Phan Duy Nghĩa

(Dân trí) - Hà Tĩnh hiện có trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, đây là minh chứng, tư liệu "sống" để giáo dục, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ trẻ…

Địa phương giáo dục những gì?

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là một trong số các nội dung mới được ban hành và như là một bộ phận cấu thành của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Địa phương giáo dục những gì trong chương trình phổ thông mới? - 1

Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa để thực hiện tốt nội dung giáo dục địa phương.

Trong đó, ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp chủ yếu trong hoạt động trải nghiệm và các môn học.

Ở cấp Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT), nội dung giáo dục địa phương được quy định với thời lượng 35 tiết/năm học.

Nội dung giáo dục được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương. Trong đó giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử là nội dung quan trọng và cốt lõi.

Với Hà Tĩnh, nội dung giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương bao gồm: Lịch sử của địa phương; truyền thống quê hương; lễ hội; nghệ thuật truyền thống; di tích lịch sử; danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán; cảnh quan thiên nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của Hà Tĩnh.

Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa

Hiện nay, Hà Tĩnh có trên 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng; xếp hạng 589 di tích các loại, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 85 di tích cấp quốc gia, 502 di tích cấp tỉnh. Đây là minh chứng, tư liệu "sống" để giáo dục, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ trẻ.

Hà Tĩnh cũng là mảnh đất có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, nhiều làng nổi tiếng về văn hóa, khoa bảng và làng nghề truyền thống. Trong đó, nổi bật là các loại hình văn nghệ dân gian độc đáo như: Hát ca trù, hát sắc bùa, dân ca ví giặm, diễn xướng trò Kiều… Và rất nhiều lễ hội độc đáo gắn liền với những di sản văn hóa vật thể cũng như những phong tục, tập quán ở khắp các địa phương.

Từ đó, giúp các em có ý thức và trách nhiệm hơn trong phấn đấu học tập, lao động để gìn giữ và phát huy hơn nữa truyền thống của quê hương mình.

Việc tổ chức các tiết học thực tế gắn với các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo sự hứng thú cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Giáo viên có thể tổ chức dạy học gắn với các di tích lịch sử, văn hóa thông qua nhiều  hình thức.

Cụ thể: Tổ chức hoạt động tham quan học tập, dã ngoại, về nguồn cho học sinh tại di tích lịch sử văn hóa địa phương. Đây là hình thức trải nghiệm thực tế rất hấp dẫn, lôi cuốn. Bên cạnh việc học tập kiến thức về truyền thống lịch sử, văn hóa, các em còn được vui chơi, giải trí, giao lưu với nhau. "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", qua các chuyến đi thực tế, các em sẽ có những kỉ niệm đẹp, có ấn tượng tích cực và vì thế, kiến thức tiếp thu sẽ nhớ lâu hơn.

Tổ chức hội thi tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Đây là hoạt động trải nghiệm mang tính thi đua giữa các cá nhân, nhóm hoặc tập thể nên hình thức này rất hấp dẫn, lôi cuốn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tạo cho học sinh động cơ học tập tích cực thông qua việc tìm ra người/đội thắng cuộc. Địa điểm tổ chức hội thi tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương rất linh hoạt, nhưng tốt nhất là tổ chức tại thực địa.

Tổ chức giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, các nghệ nhân, những người lưu giữ truyền thống cách mạng văn hóa lịch sử địa phương. Đây là một hoạt động trải nghiệm tạo nhiều hứng thú cho học sinh. Việc giao lưu, gặp gỡ có thể được tổ chức tại trường, trong các tiết sinh hoạt tập thể ngoại khóa nhân các dịp lễ kỷ niệm hoặc có thể tổ chức thăm viếng, gặp gỡ giao lưu, tham quan tại những nơi mà nhân chứng lịch sử đã từng ở, công tác.

Hà Tĩnh là mảnh đất "địa linh nhân kiệt" có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Khai thác và phát huy nó để giáo dục, bồi đắp tình yêu và niềm tự hào về quê hương cho các thế hệ trẻ là trách nhiệm của mỗi người dân Hà Tĩnh nói chung và của những người làm công tác văn hóa, giáo dục nói riêng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm