Địa chỉ đỏ của phong trào khuyến học Yên Bái

(Dân trí) - Đến bây giờ, xã Suối Giàng đã có hệ thống trường từ mầm non đến THCS với hơn 700 học sinh. Điều đáng nói là 100% các em trong độ tuổi, cả trai và gái đều đến lớp theo học. Đặc biệt, xã đã được công nhận phổ cập cấp tiểu học.

Nơi độ cao 1.371 m so với mặt nước biển, xã Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn là niềm tự hào, sự kiêu hãnh của người dân tỉnh Yên Bái bởi đất, nước, khí trời mát mẻ hoà quyện với tình người Mông mặn mà đằm thắm nơi đây đã sản sinh ra giống chè Suối Giàng- thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Họ càng tự hào hơn bởi nơi non cao này thời gian gần đây đã có bước đột phá tạo ra một địa chỉ đỏ của phong trào khuyến học - khuyến tài.

 

Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội KH xã Suối Giàng Vàng A Tếnh kể: “Tính từ năm 1995 trở về trước cả xã chỉ có trên 200 em đi học thì hoàn toàn là trai, không có một em gái nào vì phong tục của người Mông không cho con gái đi học. Người lớn thì cơ bản là... mù chữ; ngay cả cán bộ chủ chốt của xã nhiều người không biết đọc, tập mãi cũng mới chỉ biết ký tên mình...”.

 

Đến bây giờ, xã Suối Giàng đã có hệ thống trường từ mầm non đến THCS với hơn 700 học sinh. Điều đáng nói là 100% các em trong độ tuổi, cả trai và gái đều đến lớp theo học. Đặc biệt, xã đã được công nhận phổ cập cấp tiểu học.

 

Năm 2003, Suối Giàng thành lập Hội KH với nhiều ngỡ ngàng, lúng túng, nhưng với quyết tâm cùng sự giúp đỡ của tỉnh hội Yên Bái, 8 Chi hội KH thôn bản, 3 Chi hội KH nhà trường luôn hoạt động đều tay, nền nếp, ích xã, lợi nhà. Hội KH Suối Giàng vận động hội viên đóng góp nguyên vật liệu, công sức; chính quyền xã trích ngân sách thuê thợ kỹ thuật xây dựng 120m2 nhà cho 120 em ở những bản xa ở bán trú theo học. Chính vì vậy nên  trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn ở tất cả các cấp học của Suối Giàng đều duy trì được số học sinh.

 

Hội KH kết hợp cùng chính quyền mở các lớp học bổ túc văn hoá xoá mù  ở tất cả thôn, bản cho nhân dân mà trước hết là đội ngũ cán bộ xã. Tài liệu học tập do cán bộ xã đi xin, đi mượn, giáo viên là các thày, cô giáo trong xã dạy “khuyến mại”. Hội trường UBND xã ngoài các buổi họp đã trở thành TTHTCĐ của Hội KH thường xuyên mở các lớp học xoá mù, bổ túc văn hoá, chuyến giao khoa học, kỹ thuật... Để đến bây giờ, đội ngũ cán bộ xã của Suối Giàng đã có 6 chức danh có trình độ trung cấp, 1 chức danh sơ cấp, 10 người trong xã đã có bằng hoặc đang theo học đại học.

 

Ông Tếnh còn kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện xung quanh câu chuyên học ở Suối Giàng: “Phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Chu mặc dù là anh em cọc chèo với ông nhưng hay trốn học nên phải nghỉ, giao lại chức danh Phó Chủ tịch cho người khác có trình độ cao hơn đảm nhiệm. Bà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho con gái nghỉ học đi gặt lúa bị phạt tới 800.000 đồng...”

 

Tất cả nhiều việc làm như thế đã tạo nên bước đột phát của Suối Giàng trong việc xây dựng quê hương trở thành một xã hội học tập.

 

Đình Hà