“Đi” bằng đôi chân tật nguyền

(Dân trí) - Nguyễn Hồng Oanh sinh năm 1957 tại Hà Nội. Tuổi thơ của Oanh thật bất hạnh, lên 2 tuổi, chị bị liệt. Tuy bị liệt, nhưng Oanh luôn khát khao được học, được đến trường như bao bạn bè khác. Những năm tháng đi học với Oanh là cả một quá trình đầy chông gai, nhưng chưa bao giờ chị nản chí.

Đến trường trên lưng mẹ

 

“Mình được như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè. Cả đời mình không thể quên những ngày tháng trên lưng bố mẹ và bạn bè đến trường. Mình còn phải phấn đấu nhiều để không phụ lòng mọi người”, chị Oanh tâm sự. Chẳng là trường học ở xa, nhà nghèo không có lấy một chiếc xe đạp, bố mẹ phải luân phiên nhau cõng Oanh đi học. Những hôm cha mẹ bận không đưa Oanh đến trường được, cha mẹ vừa ra khỏi nhà, Oanh lại lôi sách vở ra học một mình. Đến trưa cha mẹ về, vẫn thấy con mê mải học, quên cả ăn cơm vì lo giải một bài toán khó. Rồi những lần phải đi chữa bệnh, cả một thời gian dài Oanh không được đến trường. Thời gian được đến lớp không nhiều nhưng Oanh học rất giỏi, lúc nào cũng nằm trong “top” đầu của lớp. Năm học lớp 8, Oanh còn được tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi văn thành phố.

 

Năm 22 tuổi, Oanh mới tốt nghiệp phổ thông rồi thi đỗ vào Đại học Ngoại ngữ. Đỗ rồi, nhưng đến trường như thế nào đây? Mình đã lớn, bố mẹ già yếu làm sao cõng được mình nữa? Thật may, Oanh có những người bạn hết lòng vì bạn bè, mọi người luôn phiên đến cõng Oanh đi học.

 

Cứ thế, 6 năm học cũng qua đi. 29 tuổi, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay Oanh cũng hy vọng tìm được một công việc gì đó, thế nhưng, mọi người đều lắc đầu khi nhìn thấy chị... “Những lúc ấy thấy tủi thân lắm, nhưng mình không cho phép mình lùi bước. Đành quay về “nghề truyền thống” đan áo len thuê chị làm từ khi còn là một cô bé lên 10 và học thêm tiếng Pháp để tìm kiếm thêm cơ hội”, chị tâm sự.

 

“Tình yêu đã tiếp bước cho tôi”

 

Tình yêu đến với Oanh rất bình dị. Chàng sinh viên Đại học Dược Nguyễn Duy Thuần là hàng xóm với Oanh. Anh vừa là người thầy, vừa là người bạn rất đỗi thân thiết với Oanh. Tình yêu nảy nở trong họ lúc nào cũng không biết nữa. Gia đình phản đối, nhưng sự quyết tâm của Thuần, tình yêu mãnh liệt của Oanh đã giúp họ vượt qua được tất cả. Khi Oanh vừa có thai thì anh lại được nhà trường cử đi học nước ngoài. Chị ở nhà, vẫn phải làm nghề may để phụ giúp gia đình chồng. Bây giờ, cậu con trai của chị đã 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 2 ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khi tôi hỏi nghị lực nào đã giúp chị làm được tất cả những điều đó, chị cười và nói “Tình yêu đã tiếp bước cho tôi. Vì con, vì chồng tôi sẽ không bao giờ cho phép mình lùi bước”.

 

Hiện giờ chị là cán bộ điều phối các dự án phục hồi chức năng tại Hội cựu chiến Binh Mỹ (15 Đặng Dung – Hà Nội). Bắt đầu công việc rất khó khăn, cứ vừa làm vừa học. Đây là công việc đầu tiên chị làm, lại trong môi trường mà phần lớn đều là người nước ngoài, khó khăn càng nhân lên gấp bội. Chị đã là một cán bộ dự án năng động, hoạt bát, không nề hà đi bất cứ đâu để tìm lại niềm tin cho những người khuyết tật. Năm 2004, chị tham gia Ngày sáng tạo Việt Nam với dự án làm một mô hình mạng lưới tập huấn cho các nhóm khuyết tật ở các tỉnh. Dự án của chị được chọn và được hỗ trợ 10 ngàn USD để triển khai ở miền Trung và miền Nam.

 

Trên chiếc xe lăn lọc cọc, chị vẫn tiếp tục những chuyến đi xa, từ Bắc chí Nam, lên Hà Giang rồi lại vào Đà Nẵng... Mỗi chuyến đi chị lại “cóp nhặt” thêm cho mình một chút tự tin, thấy mình trưởng thành hơn, giúp đỡ được nhiều người hơn. Chị luôn động viên những người cùng cảnh, người lành đi bằng đôi chân, còn chúng ta đi bằng nghị lực.

 

Hồng Hải