ĐH Quốc gia HN định hướng trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
(Dân trí) - Danh tiếng, uy tín của ĐH Quốc gia Hà Nội ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế bởi những nhân tố tiềm lực bên trong và kinh nghiệm đã được xác lập trong hơn 27 năm qua.
Tuy nhiên, giai đoạn tới, ĐHQGHN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn nếu không vượt qua được sẽ khó giữ được đại học hàng đầu Việt Nam và mang tầm quốc tế như hiện nay.
Đại học tiên phong trong công cuộc đổi mới
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ.
Sau hơn 27 năm hoạt động theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Thủ tướng Chính phủ ban hành, ĐH Quốc gia Hà Nội đã trải qua các giai đoạn phát triển, vươn lên mạnh mẽ, khẳng định uy tín, danh tiếng học thuật, luôn giữ vững vị thế hàng đầu Việt Nam, ghi danh vào nhóm các trường đại học hàng đầu Châu Á và thế giới.
Giai đoạn 2015-2020, là giai đoạn ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo nước nhà, với nhiều sáng kiến và thành tựu nổi bật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, quy mô đào tạo của ĐH QGHN có trên 35.000 sinh viên. Hàng năm ĐHQGHN cung cấp trên 5.000 cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ và khoảng 1.000 cử nhân thuộc hệ đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao.
ĐHQGHN đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo tiến sĩ. Theo đó, đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” bắt đầu được triển khai từ năm 2018, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hoạt động đào tạo tiến sĩ cũng đã góp phần gia tăng số lượng, chất lượng công bố quốc tế và duy trì vị thế của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên - kỹ thuật - công nghệ của ĐHQGHN đã có 90% nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus.
Theo xếp hạng của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds World University Rankings - Anh) thì ĐHQGHN có tiêu chí về đánh giá của các nhà tuyển dụng nằm trong nhóm 500 thế giới.
Đặc biệt, hiện nay ĐH Quốc gia Hà Nội có các tập thể khoa học mạnh có trình độ quốc tế được hình thành, với gần 100 nhóm nghiên cứu cấp đơn vị và 30 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN.
Hệ thống phòng thí nghiệm được quy hoạch với tổng số 216 phòng thí nghiệm (22 phòng thí nghiệm thực hành cơ sở, 143 phòng thí nghiệm chuyên đề và 41 phòng thí nghiệm mục tiêu), trong đó, có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN; 10 phòng thí nghiệm hợp tác doanh nghiệp và 10 phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế.
Nhiều năm đứng trong nhóm 500 thế giới
Từ năm 2015 đến nay, theo Bảng xếp hạng Scimago, chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của ĐHQGHN luôn đứng hàng đầu Việt Nam, nhiều năm đứng trong nhóm 500 thế giới.
Giai đoạn 2015-2019, toàn ĐHQGHN có 65 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, gấp 1,6 lần so với nhiệm kỳ trước, bình quân hàng năm có 13 phát minh, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; 38 giải pháp khoa học và công nghệ, trong đó riêng năm 2019 là 11 giải pháp; 35 sản phẩm khoa học và công nghệ hoàn chỉnh được chuyển giao hoặc thương mại hóa...
Đặc biệt, Chuyên san Vật liệu và Linh kiện Tiên tiến là ấn phẩm khoa học hợp tác giữa ĐHQGHN với Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) chính thức được SCOPUS chấp nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung (năm 2017).
Năm 2019, tạp chí này trở thành tạp chí khoa học duy nhất của Việt Nam vào danh mục SCIE uy tín hàng đầu thế giới và có chỉ số ảnh hưởng cao; năm 2020, được SCImago xếp trong danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới.
Trong 5 năm qua, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã công bố 3.602 bài báo khoa học trong hệ thống ISI/SCOPUS, chiếm 10% tổng số bài báo ISI/SCOPUS của cả nước, trong đó 01 công trình khoa học về khoa học xã hội được đăng trên tạp chí Nature, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.
Bình quân hàng năm có 720 bài, riêng năm 2019 có 919 bài, gấp 100 lần so với năm 1993 (giai đoạn mới thành lập ĐHQGHN) và gấp 1,72 lần so với năm 2015.
Chỉ số trích dẫn trung bình mỗi bài báo của ĐHQGHN đã vượt qua được ngưỡng trung bình, 5,2 lần so với 4,8 lần/bài báo của Châu Á; nhiều bài báo có số lần trích dẫn cao (từ 50 đến 500 lần).
Theo xếp hạng QS, năm 2018, ĐHQGHN có tiêu chí về tỷ lệ giảng viên/sinh viên nằm trong nhóm 500 thế giới. Số giảng viên tham gia giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh đạt tỷ lệ khoảng 46%.
Xếp hạng quốc tế của ĐHQGHN được thăng tiến theo từng năm. Theo xếp hạng của Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE), 3 năm liên tục (2019-2021), ĐHQGHN liên tục xếp vị trí số 1 Việt Nam và nằm trong nhóm 801-1000 thế giới.
Uy tín học thuật trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia
Đến nay, tổng số cán bộ khoa học của ĐHQGHN là 2.313 người. Tỉ lệ giáo sư và phó giáo sư là 19%. Tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học là 58%.
Ngày 10/6/2020, theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds, Anh) dành cho các trường đại học có thời gian thành lập dưới 50 năm, ĐHQGHN lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng, ở vị trí trong nhóm 101-150 các trường đại học có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới.
Trong 25 năm qua, các nhà khoa học của ĐHQGHN đã được trao tặng 18 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 Giải thưởng Nhà nước, 03 Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
ĐHQGHN đã thể hiện tốt vai trò và uy tín học thuật trong việc thực hiện các nhiệm vụ quốc gia như: Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm phát triển bền vững vùng Tây Bắc;
Các nhà khoa học của ĐHQGHN đã tham gia thực hiện khoảng 60% nội dung của Đề án Quốc sử và đã hoàn thành; Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam”;
Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã tham gia sáng lập và là thành viên chủ chốt triển khai có hiệu quả Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá”; Dự án do Thủ tướng Chính phủ giao; "Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông” do ĐHQGHN chủ trì; Dự án phát triển Trung tâm tư liệu Việt Nam học bắt đầu khởi động từ năm 2020...
Coi trọng nhân tài
Trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, ở mức rất thấp so với yêu cầu để xây dựng một đại học tầm cỡ khu vực và quốc tế, và việc ĐH Quốc gia Hà Nội có tên và liên tục thăng tiến trong các bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc.
Lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đạt được thành công trên là do ĐH QGHN đã mạnh dạn đề xuất, kiên trì theo đuổi, kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp đột phá để ĐHQGHN phát triển nhanh, bền vững.
Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; giữ vững được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ…
Từng thời điểm, giai đoạn quan tâm xác định các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của ĐHQGHN để có biện pháp tháo gỡ.
Kiên trì mục tiêu, con đường phát triển và triết lý phát triển. Luôn có khát vọng vươn lên trở thành một đại học nghiên cứu có danh tiếng trên thế giới
"Đổi mới sáng tạo không ngừng, vượt qua chính mình, dám nghĩ dám làm, tiên phong đi trước mở đường; làm việc lớn, việc khó mà hệ thống giáo dục chưa làm; giải phóng được sức sáng tạo to lớn của đội ngũ cán bộ; phát huy được nguồn trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ nhà khoa học - khối tài sản vô giá mà ĐHQGHN đang sở hữu để tạo thành sức mạnh và năng lượng cho phát triển" - lãnh đạo ĐH QGHN nhấn mạnh.
Đặc biệt, tập trung vào các nhân tố mang tính quyết định, đó là: nhân tài, bao gồm cả cán bộ và người học, trong đó đặc biệt coi trọng việc phát triển đội ngũ cán bộ khoa học xuất sắc, đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ khoa học đầu ngành có ảnh hưởng quốc tế.
Điều quan trọng nhất trong quá trình phát triển là ĐHQGHN đã gắn chặt với cộng đồng giáo dục đại học thế giới. Qua đó tiếp thu có chọn lọc mô hình, kinh nghiệm và tri thức, khoa học và công nghệ từ nước ngoài, đặc biệt là việc tiếp nhận kinh nghiệm và mô hình đào tạo, nhưng luôn đảm bảo phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
Sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 29 và Nghị quyết 20 để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 đặt ra mục tiêu:
Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường tri thức trong nước và quốc tế; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới.
Với những thành quả đạt được, ĐH QGHN phát huy thế mạnh của mình để thực hiện mục tiêu trên. Tuy nhiên, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức thời gian tới trong việc giữ vững và gia tăng vị trí trong khu vực và quốc tế như:
Việc “chuyển hóa” và “lột xác” lên một tầm vóc mới; thách thức của người đi trước mở đường cho hệ thống giáo dục Việt Nam; thách thức trong việc cạnh tranh với các cơ sở giáo dục đại học trong nước và nước ngoài; thách thức về chuyển đổi số, sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết... để vừa tận dụng những sức mạnh sẵn có và nắm lấy cơ hội để tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách chủ động.
Tất cả những thách thức nêu trên, đòi hỏi toàn Đảng bộ ĐHQGHN phải có quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, tận dụng tốt những cơ hội và thuận lợi, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động.
Tạo ra một bước phát triển quan trọng, đưa ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển con người và đất nước với mục tiêu: "Đổi mới sáng tạo - Trách nhiệm quốc gia - Phát triển bền vững", tạo nền tảng để đến năm 2025 ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Phấn đấu đến năm 2025 đứng vào nhóm 100 đại học hàng đầu Châu Á, nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.