ĐH Ngoại thương tổ chức hội thảo tuyển sinh

(Dân trí) - Chiều ngày 15/3 tới, Diễn đàn sinh viên trường ĐH Ngoại thương tổ chức chương trình hội thảo “FTU - Con đường ra biển lớn” dành cho những thí sinh cùng các bậc phụ huynh có quan tâm và nguyện vọng vào trường.

Hội thảo nhằm định hướng giúp các thí sinh và các bậc phụ huynh có cái nhìn bao quát hơn về trường ĐH Ngoại thương (bề dày lịch sử, cơ cấu tổ chức các khoa ngành, chương trình đào tạo, chất lượng giảng dạy và học tập, các hoạt động ngoại khóa…) cũng như cung cấp đầy đủ những thông tin, quy chế tuyển sinh đồng thời tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc thường gặp xoay quanh kì thi ĐH-CĐ 2009.

Thời gian: 13h30 ngày 15/3/2009

Địa điểm: Phòng hội thảo Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) trường ĐH Ngoại Thương - 91 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội.

Hội thảo là cơ hội gặp gỡ các thầy cô đến từ Ban giám hiệu, các khoa ngành đào tạo của nhà trường, trò chuyện và giao lưu với các bạn thủ khoa 2008. Đặc biệt, đến với hội thảo, các thí sinh cùng các bậc phụ huynh sẽ được trực tiếp giải đáp những thắc mắc về tuyển sinh 2009 và nhận được các phần quà từ Ban tổ chức và Nhà tài trợ chương trình.

Thông tin chi tiết xin xem tại http://www.ftuforum.net/
 
Bổsung thông tin tuyển sinh năm 2009
 
Trường ĐH Ngoại thương vừa thông báo tuyển thêm hai ngành đào tạo trong năm 2009. Do nhận được quyết định mở ngành chậm nên hai ngành học mới này đã chưa kịp có mặt ở trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009”.
 
Theo đó, hai ngành học mới này là ngành Kinh doanh quốc tế và ngành Kinh tế quốc tế.

Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo của hai ngành mới này là chương trình được thiết kế phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động chất lượng cao, có những môn học mới đang được giảng dạy tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới, hai chương trình này đều có tính liên thông cao với các chương trình quốc tế của Mỹ, Anh và các nước phát triển khác theo hình thức 2+2 hoặc 3+1.

Ngành đào tạo

Khối

Chỉ tiêu

Mã ngành

Kinh doanh quốc tế

A,D1

100

460

Kinh tế quốc tế

A,D1

100

470

Điểm xét tuyển theo quy định chung của Nhà trường.

Dưới đây là thông tin về hai ngành học mới này:

1. Ngành Kinh doanh Quốc tế: Đào tạo cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức cộng đồng, có sức khỏe tốt, thông thạo một trong các ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế có thể làm việc tại: các tập đoàn đa và xuyên quốc gia, các tổng công ty, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các ngân hàng, công ty kiểm toán, công ty phân phối, các tổ chức tài chính- ngân hàng, hiệp hội ngành nghề cũng như các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế.

2. Ngành Kinh tế Quốc tế: Đào tạo cử nhân ngành Kinh tế quốc tế có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức cộng đồng, có sức khỏe tốt, có kỹ năng phân tích, hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề thuộc những lĩnh vực chuyên sâu về kinh tế quốc tế, có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp và có khả năng sử dụng thành thạo một trong các ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế quốc tế có đủ năng lực để làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chuyên nghiên cứu, đào tạo về kinh tế quốc tế, các định chế kinh tế - thương mại - tài chính quốc tế, các ngành nghề thuộc lĩnh vực thông tin đại chúng như quan hệ công chúng (PR), truyền hình, báo chí… nhờ nền tảng kiến thức kinh tế - xã hội sâu rộng được cung cấp qua các môn học mới như: Các lý thuyết và mô hình truyền thông; Quảng cáo và truyền thông quốc tế; Marketing trực tuyến; Thương hiệu trong kinh doanh quốc tế; Quản lý chuỗi cung ứng; Xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh quốc gia…

Nguyễn Hùng