ĐH Giao thông vận tải TPHCM tuyển 2.410 chỉ tiêu

(Dân trí) - Năm 2008, trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM tuyển 2.410 chỉ tiêu, trong đó hệ ĐH là 2.010 và CĐ là 400. Hệ CĐ của trường không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển từ những thí sinh dự thi khối A kì thi ĐH năm 2008.

Bên cạnh việc cung cấp cho bạn thí sinh biết về chuyên ngành đào tạo của trường, chỉ tiêu, mã ngành đào tạo. Dân trí sẽ cung cấp thêm thông tin về việc trí có thể công tác sau khi sinh viên tốt nghiệp.

Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM: Ký hiệu Trường: GTS

Khối thi tuyển: A. Vùng tuyển: tuyển sinh cả nước.

* Hệ Đại Học:

- Ngành Điều khiển tàu biển [Mã ngành 101]: Chỉ tiêu 200.

Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác trên tất cả các loại tàu vận tải biển, sông, tàu khai thác và dịch vụ dầu khí của các công ty vận tải biển trong và ngoài nước; các công ty bảo hiểm, hoa tiêu, đại lý tàu và các tổ chức có liên quan đến vận tải thủy. Chỉ tuyển Nam.

- Ngành Vận hành khai thác máy tàu thủy [102]: chỉ tiêu 180.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có thể làm công tác vận hành máy tàu trên tất cả các phương tiện vận tải thủy, khai thác dịch vụ dầu khí, ở các công ty vận tải biển trong và ngoài nước, ở các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu, khu công nghiệp. Chỉ tuyển Nam.

- Ngành Điện và Tự động tàu thuỷ [103]: Chỉ tiêu 70.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có thể công tác trên các loại tàu thuỷ, ở các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ, phòng kỹ thuật của các công ty vận tải biển, đăng kiểm, trên các công trình nổi, giàn khoan ngoài biển, các khu chế xuất và các khu công nghiệp.

- Ngành Điện tử viễn thông [104]: chỉ tiêu 70.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có thể công tác tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, đặc biệt trong các dây chuyền công nghệ hiện đại, các hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến, công nghiệp điện tử, điều khiển tự động.

- Ngành Tự động hóa công nghiệp [105]: chỉ tiêu 70.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có thể đảm đương các công việc vận hành và bảo trì các thiết bị tự động, chuyên gia hệ thống phân tích nhu cầu tự động hóa của các công ty, nhà máy, phân tích và thiết kế cơ sở hệ thống tự động, chỉ huy các hệ thống tự động hóa, thiết kế và thi công dự án.

- Ngành Kỹ thuật điện (Điện công nghiệp) [106]: chỉ tiêu 70.

Đào tạo các kỹ sư Điện công nghiệp có trình độ cao về kỹ thuật điện, điện tử, tin học, thủy lực, khí nén, lý thuyết điều khiển, máy điện – thiết bị điện, các hệ thống điện tự động công nghiệp …, có khả năng vận hành, bảo trì, thiết kế và lắp đặt các hệ thống điện – tự động hiện đại trong các xí nghiệp, nhà máy, các khu công nghiệp, tàu biển và giàn khoan … Các kỹ sư Kỹ thuật điện công nghiệp sẽ nắm vững lý thuyết và thực hành trong các lĩnh vực Kỹ thuật điện – Điều khiển hệ thống điện và tự động công nghiệp.

- Ngành Đóng tàu và Công trình nổi [107]: chỉ tiêu 120.

Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thủy, thiết kế và đóng tàu, các tổ chức giám định và đăng kiểm, kho chứa dầu ở biển, khai thác đáy biển và đại dương, các phòng khoa học - công nghiệp của các công ty khai thác tàu, công trình nổi.

- Ngành Cơ giới hoá xếp dỡ cảng [108]: chỉ tiêu 65.

Sau khi ra trường, kỹ sư ngành này có thể công tác tại các cảng biển, nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu thủy, các giàn khoan dầu khí, các nhà máy sản xuất công nghiệp, quản lý các phương tiện cơ giới của các kho, bãi hàng xuất khẩu …

- Ngành Xây dựng công trình thủy và thềm lục địa [109]: chỉ tiêu 70.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có thể công tác tại cơ quan thiết kế - thi công các công trình cảng, xây dựng dân dụng, giám định và qui hoạch xây dựng công nghiệp dầu khí, quốc phòng và dân dụng.

- Ngành Xây dựng cầu đường [111]: chỉ tiêu 170.

Sau khi ra trường, kỹ sư ngành này có khả năng thiết kế, quản lý, tổ chức thi công những công trình cầu đường, có khả năng tham gia nghiên cứu và giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ.

- Ngành Công nghệ thông tin [112]: chỉ tiêu 140.

Sau khi ra trường, kỹ sư ngành này có thể đảm nhận các công việc xây dựng và quản lý các hệ thống xử lý thông tin, thiết kế phần mềm ứng dụng tại các công ty trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân.

- Ngành Cơ khí ô tô [113]: chỉ tiêu 70.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành cơ khí ô tô có khả năng khai thác, sửa chữa, bảo trì và quản lý kỹ thuật ô tô, tính toán thiết kế mới và thiết kế cải tiến các loại ô tô theo yêu cầu thực tế sản xuất, nắm vững các nghiệp vụ quản lý, tổ chức, khai thác các phương tiện vận tải ô tô.

- Ngành Máy xây dựng [114]: chỉ tiêu 65.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có khả năng nắm vững nghiệp vụ quản lý, tổ chức khai thác, nguyên lý hoạt động, tính năng kỹ thuật, để có thể khai thác, sửa chữa, thiết kế mới, thiết kế cải tiến các máy và thiết bị xây dựng. Máy xây dựng phục vụ các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp: các cảng, sân bay, cầu đường, thủy điện, nhà công nghiệp, giàn khoan ...

- Ngành Kỹ thuật máy tính (Mạng máy tính) [115]: chỉ tiêu 70.

Đào tạo các kỹ sư kỹ thuật máy tính có trình độ cao về kỹ thuật điện tử, tin học, vi xử lý; thiết kế và chế tạo phần cứng, phần mềm máy tính; thiết kế và xây dựng mạng máy tính, mạng truyền thông có dây và không dây … Các kỹ sư Kỹ thuật máy tính sẽ nắm vững về lý thuyết và thực hành trong các lĩnh vực Kỹ thuật điện tử – Công nghệ thông tin.

- Ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp [116]: chỉ tiêu 80.

Sau khi ra trường, kỹ sư ngành này có thể công tác tại các cơ quan thiết kế, quản lý, tổ chức thi công công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, nhà máy, cụm dân cư, cụm công nghiệp và giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật chuyên ngành.

- Ngành Quy hoạch giao thông [117]: chỉ tiêu 70.

Sau khi ra trường, kỹ sư ngành này có thể công tác tại các cơ quan quản lý liên quan tới xây dựng và giao thông, các ban quản lý dự án, viện quy họach và viện chiến lược để lập chiến lựơc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ đường sắt, đường thủy, các công ty tư vấn trong và ngoài nước liên quan đến khảo sát thiết kế công trình giao thông, các khu dân cư và khu công nghiệp, lập dự án nghiên cứu khả thi các công trình giao thông.

- Ngành Quản trị logistic và vận tải đa phương thức [118]: chỉ tiêu 70.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác các dịch vụ về logistic và vận tải đa phương thức như: phân phối, kho vận dịch vụ khách hàng, quản trị chiến lược của doanh nghiệp vận tải, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.

- Ngành Thiết bị năng lượng tàu thủy [119]: chỉ tiêu 70.

Sau khi sinh viên tốt nghiệp có thể tính toán, thiết kế kỹ thuật và thi công hệ thống, thiết bị năng lượng cho các loại tàu và công trình nổi. Lập quy trình công nghệ đóng mới và sửa chữa, tính dự trù nguyên vật liệu, nhân công và giá thành đóng mới và sửa chữa thiết bị, hệ thống năng lượng cho tàu và công trình nổi.

- Ngành xây dựng đường sắt – Metro [120]: chỉ tiêu 70.

Sau khi sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo, sản xuất và quản lý nhà nước liên quan đến chuyên môn, có khả năng khảo sát thiết kế, quản lý và tổ chức thi công, phân tích đánh giá dự án đầu tư, có khả năng tham gia nghiên cứu và giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật xây dựng đường sắt và metro.

- Ngành Kinh tế vận tải biển [401]: chỉ tiêu 140.

Sau khi ra trường, kỹ sư ngành này có thể công tác ở các công ty vận tải biển, cảng biển, xuất nhập khẩu hàng hoá đường biển và các tổ chức kinh tế có liên quan đến vận tải biển.

- Ngành Kinh tế xây dựng [402]: chỉ tiêu 80.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đảm đương các công việc sau: thẩm định các dự án đầu tư và duyệt kinh phí, nhận thầu toàn bộ công trình hoặc thuê lại từng phần, giám sát và nghiệm thu công trình về mặt tài chính, định mức và tổ chức lao động, khoán sản phẩm đến từng nhóm xây dựng.

* Hệ CĐ

Gồm các ngành: (chỉ tiêu 80 sinh viên/ngành)

Điều khiển tàu biển [C65] ; Vận hành Khai thác máy tàu thủy [C66] ; Công nghệ thông tin [C67]; Cơ khí động lực (Cơ khí ô tô) [C68]; Kinh tế vận tải biển [C69]

Các ngành Điều khiển tàu biển, Khai thác máy tàu thủy, Công nghệ thông tin và Kinh tế vận tải biển đã được đào tạo liên thông lên đại học để cấp bằng chính quy.

Hiện có tới hai trường ĐH Giao thông vận tải có tên gọi giống hệt nhau là: ĐH Giao thông vận tải (thuộc Bộ GD-ĐT, với cơ sở 1 đóng tại Hà Nội, cơ sở 2 tại TPHCM) và ĐH Giao thông vận tải (thuộc Bộ Giao thông vận tải, đóng tại TPHCM). Chuyên ngành đào tạo của 2 trường hoàn toàn khác nhau.

 

ĐH Giao thông vận tải của Bộ GTVT chủ yếu đào tạo các chuyên ngành giao thông đường biển. Tuy trường thông báo tuyển sinh trong cả nước nhưng thí sinh bắt buộc phải vào TPHCM để dự thi. Trường chỉ dùng mã ĐKDT duy nhất là GTS.

ĐH Giao thông vận tải của Bộ GD-ĐT chủ yếu đào tạo các chuyên ngành về giao thông đường bộ. Trường tuyển sinh trong cả nước, tuỳ thuộc thí sinh muốn học cơ sở ở Hà Nội hay ở TPHCM mà ghi kí hiệu trường khác nhau. Cụ thể: Thí sinh ĐKDT phía Bắc ghi ký hiệu trường: GHA; phía Nam ghi ký hiệu trường: GSA.

 
Nguyễn Hùng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm