ĐH đẳng cấp quốc tế: Đã tìm được hướng đi khả thi?

(Dân trí) - Để dứt điểm những tranh cãi xung quanh việc Việt Nam sẽ xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế theo hướng nào, ngày 20/6, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định “Về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam”.

Theo đó, phương thức xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam sẽ theo hai phương án: Hoặc là thành lập một trường hoàn toàn mới hoặc thành lập trường dựa trên một hoặc một vài trường đã có. Tuy nhiên, phương án xây dựng một trường ĐH đẳng cấp mới hoàn toàn đang chiếm ưu thế hơn.

 

Vào ngày 24/2/2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chính thức hình thành tổ công tác xây dựng đề án thành lập trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, uỷ viên Hội đồng quốc gia về giáo dục được cử làm tổ trưởng. Khi được giữ trọng trách này, ông Trần Xuân Giá có nói: “Cánh cửa xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế đã mở”.

 

Tuy nhiên, sau 4 tháng hoạt động, tổ công tác này vẫn chưa tìm được hướng đi khả thi cho con đường xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế. Theo ông Giá, khó khăn nhất chính là vấn đề tìm cho được mô hình về một trường ĐH của Việt Nam nhưng phải đạt đẳng cấp quốc tế. Nhưng mô hình này nên thế nào, chọn từ mô hình mới hoàn toàn hay kế thừa từ những mô hình cũ.

 

Cũng theo ông Giá thì ông mong muốn được đi trên một con đường hoàn toàn mới, bởi theo ông “tận dụng cái cũ thì rất khó phát huy”. Việc bê một “toà nhà mới” nguyên xi đặt lên nền giáo dục Việt Nam hiện nay liệu có thể tồn tại. Bởi thực tế hai trường ĐH quốc gia của chúng ta cũng đã bê nguyên mẫu mô hình của Thái Lan. Nhưng đến nay, sự thành công đã không như mong đợi.

 

Nhiều thành viên khác trong tổ Đề án cũng đều cho rằng khi xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam phải xuất phát từ thực tế. Nếu không xem mình đang có cái gì và cần đổi mới cái gì thì sẽ thất bại giống như xây dựng hai Đại học Quốc gia.

 

“Không thể sao chép của nước nào, mình học tập, nghiên cứu và xuất phát từ điều kiện cụ thể của đất nước mình để vận dụng cho phù hợp. Đứng về mặt xã hội phải có kế thừa, đồng thời phải có tính toán cho sát với điều kiện thực tế của Việt Nam.

 

Ví dụ, tôi đi rất nhiều nước về để xây cái nhà nhưng miếng đất của tôi bị méo, tôi không thể bê nguyên xi cái nhà của họ để đặt vào miếng đất của mình. Có khi tôi chỉ học được một chút của họ để áp dụng vào mình thôi. Do đó tất cả các chính sách đều phải bắt nguồn từ cuộc sống. Cần phải rút kinh nghiệm từ hai ĐH quốc gia để áp dụng vào xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế” - GS. Nguyễn Xuân Hãn

Còn theo ý kiến của ông Thomas J. Vallely, chuyên gia của Mỹ trong việc giúp Việt Nam  thành lập trường đại học đẳng cấp quốc tế thì: “Những trường đại học ở đẳng cấp này của Mỹ thường không mở chi nhánh hay liên doanh ở châu Á hay bất kỳ một nơi nào khác. Điều đó khẳng định, Việt Nam khó lòng bê nguyên mẫu một trường đại học nào đó của Mỹ về “toạ lạc” trên nền đại học vốn có của của mình”.

 

Tuy nhiên, dù ở phương án xây mới hay nâng cấp một số trường vốn có lên thành đại học đẳng cấp quốc tế thì Thủ tướng vẫn đặc biệt lưu ý 5 mục tiêu sau cần phải đạt được khi thành lập đại học đẳng cấp quốc tế. Đó là:

 

1. Phải là trường đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tạo mô hình trường đại học mới có tác dụng thúc đẩy, tạo động lực, làm bài học kinh nghiệm cho đổi mới hệ thống giáo dục nước nhà.

 

2. Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và cạnh tranh để phát triển dựa trên sự đánh giá của xã hội, ĐH đẳng cấp quốc tế sẽ là mô hình trường ĐH mới, áp dụng những ý tưởng, phương pháp luận và phương thức hiện đại trong hoạt động giáo dục và hoạt động nghiên cứu, trong tổ chức, quản lý và nhân sự của trường.

 

3. Trường được trao quyền tự chủ và trách nhiệm cao về quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức nhân sự và tài chính.

 

4. Trường có quy mô vừa phải, tập trung phát triển một số ngành trọng điểm, mũi nhọn, trực tiếp góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

 

5. Trường có mối liên hệ chặt chẽ và khai thác sức mạnh tổng hợp về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý hàng đầu của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm, doanh nghiệp trong toàn quốc.

 

Về ngân sách xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế, Chính phủ khẳng định bảo đảm đầu tư ban đầu để xây dựng trường theo cách đầu tư tập trung và dứt điểm. Ngân sách nhà nước chiếm phần chính trong chi thường xuyên, đặc biệt là trong 10 năm đầu; cho trường được thí điểm cơ chế hoạt động tài chính riêng. Ban Quản lý dự án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế sẽ được Thủ tướng thành lập vào đầu năm 2007.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm