ĐH dân lập “ồ ạt” tăng học phí

(Dân trí) - Các trường ĐH Dân lập hiện nay “ồ ạt” tăng học phí, mỗi trường tăng một mức khác nhau. Lý do tăng đều rất chính đáng - trả lương, đầu tư cơ sở vật chất… nhưng khi bàn đến chất lượng đào tạo thì chính lãnh đạo các trường còn “ậm ừ”.

Đầu năm học này, hàng loạt các trường ĐH Dân lập tăng học phí, mức tăng của các trường từ 10% đến 30%. Điểm qua mức tăng của một số trường như: ĐH Thăng Long: tăng 20% lên 10 triệu đồng/năm; ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM tăng gần gấp đôi so với năm học 2006-2007, lên 8,2 triệu đồng/năm; ĐH Dân lập Hải Phòng sẽ tăng từ 6,8 triệu lên 7,9 triệu/năm…

Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định) cũng đang chuẩn bị kế hoạch sẽ tăng học phí lên 10% mỗi tháng. Giải thích về mức tăng này, ông Đặng Thế Huy - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, giá cả hiện nay tăng cao như thế nên đời sống giáo viên rất khó khăn. Ngay từ đầu năm 2008, trường chúng tôi đã phải bằng nhiều cách để hỗ trợ một phần cho các thầy cô. Bắt đầu từ 2009 chúng tôi mới thu với mức học phí mới.

Tuy nhiên, khi áp dụng mức học phí này, chúng tôi sẽ giải thích cho sinh viên hiểu. Vì là trường Dân lập nên đội ngũ giảng viên đều phải đi thuê, khi giá cả tăng thì trường cũng phải tăng mức thu nhập cho các thầy. Hơn nữa, do trường nằm ở tỉnh lẻ chúng tôi phải trả tiền cho mỗi tiết học của các thầy cao gấp đôi mức trả trên Hà Nội, mỗi tiết từ 80.000 - 85.000đ vì các thầy phải mất thời gian đi về.

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng cũng chia sẻ “nỗi lo lắng lớn nhất của chúng tôi là giữ chân giảng viên, vì trong cơ chế thị trường hiện nay, nếu trả thấp thì khó mời được những giảng viên giỏi. Vì thế, muốn chất lượng đào tạo tăng thì lương giáo viên và học phí cũng tăng. Nó là việc cần thiết”.

Ông Nghị cho rằng, mức học phí các trường ngoài công lập hiện nay phải từ 9-10 triệu/năm. “Trước đây, mức học phí chúng tôi thu hơn 5 triệu, nay tăng lên gần 7 triệu là nằm trong khoản cho phép và ở đó, thoả mãn điều kiện: chất lượng và đảm bảo điều kiện bình thường cho các nhà giáo hoạt động” - ông Nghị nói.

Được biết, ĐH Dân lập Hải Phòng sẽ tăng mức học phí từ 6,8 triệu lên 7,9 triệu/năm.

Còn ông Trương Văn Định, Hiệu trưởng trường ĐH DL Chu Văn An khẳng định: “Chắc chắn chúng tôi sẽ phải tăng học phí, vì tài chính hiện nay biến động quá. Trường dự kiến tăng khoảng 20-30% và áp dụng từ học kỳ II của năm học này”.

Ông Định giải thích, chúng tôi tăng là để tăng lương cho giáo viên và chi phí tối thiểu cho chất lượng đào tạo. Vì hiện nay, các trường Dân lập chúng tôi trả lương cho giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất chủ yếu dựa vào tiền học phí của học sinh. Với tình trạng hiện nay, lương giáo viên cân đối các khoản bình quân 2 triệu/ tháng thì làm sao mà sống nổi. Mặc dù trường mới thành lập nhưng cũng đã tuyển đến 70 cán bộ rồi, trong đó giáo viên là 50. Trường còn phải đầu tư cho giáo viên đi học, vì thế tăng học phí là điều không thể khác được.

Tuy nhiên, thanh tra của Bộ GD-ĐT đã phát hiện có hiện tượng một số trường báo cáo không chính xác số lượng giảng viên cơ hữu khi đăng ký mở ngành đào tạo. Ví dụ như ĐH Tư thục Công nghệ thông tin Gia Định được phép tuyển sinh 7 ngành đào tạo nhưng chỉ có 1 giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; ĐH DL Phú Xuân được phép tuyển sinh 12 ngành nhưng chỉ có 3 giáo viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ; ĐH Phạm Văn Đồng, cả trường chỉ có 2 tiến sĩ; CĐ Công nghiệp Huế có 133 giảng viên cơ hữu nhưng chưa có giảng viên trình độ tiến sĩ…

Ngoài lý do tăng học phí để tăng lương cho giáo viên, các trường đều khẳng định sẽ dùng khoản tăng này để đầu tư thêm cơ sở vật chất. Tuy vậy, điều mà dư luận quan tâm hơn cả là, chất lượng đào tạo có tăng?

Trả lời câu hỏi này, ông hiệu trưởng ĐH DL Chu Văn An hùng hồn khẳng định: “Về chất lượng thì các trường Dân lập sẽ tự cạnh tranh nhau. Nhà nước không cần phải lo vì chúng tôi đều mời giảng viên có tiếng từ các trường đại học lớn” (?!). Nhưng liệu có bao nhiêu % giảng viên là từ các trường uy tín? Và chất lượng thực là bao nhiêu?

Có lẽ, “ý thức” được khó khăn không dễ giải quyết này, nên ông Đặng Thế Huy, Phó hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh phát biểu rất “nước đôi” rằng: “Chất lượng là do thầy và trò cùng nỗ lực tạo nên. Chúng tôi dự kiến tăng học phí, nhưng nói tăng 10% học phí mà đòi tăng chất lượng ngay thì lấy đâu ra. Nếu muốn tăng chất lượng thì thầy phải nhiệt tình hơn và trò cũng phải chịu khó học tập hơn”.

Hồng Hạnh