ĐH Cần Thơ: Sản xuất nhân tạo thành công giống cá bóp

(Dân trí)- Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) vừa cho biết: Bộ môn kỹ thuật nuôi hải sản của khoa đã nghiên cứu thành công sản xuất giống nhân tạo và ương nuôi cá bóp giống.

Cá bóp là một trong những loại nuôi biển quan trọng trong phát triển nghề nuôi cá lồng ven biển và hải đảo. Cá lớn rất nhanh, có thể đạt 5- 8kg sau 1 năm nuôi; thịt cá bóp ngon, có giá trị xuất khẩu cao.

Lãnh đạo Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ) cho biết, nghề nuôi cá bóp trong lồng trên biển ở Kiên Giang chủ yếu dựa vào nguồn cá giống khai thác tự nhiên nên gặp nhiều khó khăn về số lượng và chất lượng con giống.

ĐH Cần Thơ: Sản xuất nhân tạo thành công giống cá bóp - 1
Cá bóp giống (loài cá có giá trị xuất khẩu cao).

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, bằng nhiều phương pháp khác nhau, việc ương nuôi cá bột cá bóp đã đạt kết quả khả quan góp phần vào việc phát triển loại cá này.

Cá bóp bố mẹ từ 10- 20kg/con được chủ động kích thích sinh sản nhân tạo và mỗi con cá mẹ đẻ ra khoảng 300.000- 900.000 trứng. Khi trứng nở, cá con được đưa về ương trên bể trong Khoa Thủy sản.

Cá bột sau 3 tuần ương nuôi đạt tỷ lệ sống 10-14%, dài từ 3- 4cm, năng suất đạt khoảng 700- 1.400 con/m3 nước ương. Hiện cá bóp giống đang tiếp tục được ương trong hệ thống bể tuần hoàn có tăng trưởng và tỷ lệ sống rất tốt; cá sau 1,5 tháng tuổi đạt 13-15cm.

Theo lãnh đạo Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ), trong thời gian tới, khoa sẽ phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của tỉnh Kiên Giang triển khai ứng dụng sản xuất giống nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi để phát triển nhanh và bền vững nghề nuôi cá bóp trên biển ở các tỉnh ven biển trên cả nước.
 
Huỳnh Hải