Đeo còng giấy vào tay kể tội trẻ: Nhận thức lệch lạc gây phẫn nộ

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Hình ảnh trẻ đeo còng bằng giấy được nhiều phụ huynh, chuyên gia đánh giá là hết sức phản cảm, phản giáo dục, không mang tính giáo dục và có thể xâm phạm đến quyền lợi của trẻ.

Đeo còng giấy vào tay kể tội trẻ: Nhận thức lệch lạc gây phẫn nộ - 1

Hình ảnh trẻ mầm non bị còng tay bằng bìa giấy với loạt "tội danh" (Ảnh chụp lại màn hình).

Những ngày qua, mạng xã hội liên tục xuất hiện đoạn clip, hình ảnh trẻ mẫu giáo bị đưa tay vào 2 lỗ của tấm bìa các-tông kèm loạt dòng chữ đùa vui như: "Sơ hở là khóc", "7h vào học, 10h đến", "thánh dỗi của lớp", "ăn chậm nhất lớp", "bà tám của lớp"... Thậm chí, một học sinh còn phải đeo còng tay giấy với dòng chữ "Ẻ (đi vệ sinh) nhiều nhất lớp".

Chưa dừng lại ở đó, clip này còn chèn nhạc nền bằng ca khúc "Những bàn chân lặng lẽ", nhạc phim "Cảnh sát hình sự".

Theo tìm hiểu, video này được tài khoản mạng xã hội @kimhue**** đăng tải. Sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng, người này đã xóa video. Tuy nhiên, nội dung này được chia sẻ lại trên nhiều nền tảng, hội nhóm và tiếp tục vấp phải không ít sự chỉ trích từ cộng đồng mạng, nhất là những phụ huynh có con nhỏ.

Anh Nguyễn Nhất (Phú Nhuận, TPHCM) - công tác tại một trường đại học lắc đầu ngao ngán.

"Tôi không biết clip này là do thầy cô giáo, phụ huynh hay một ai đó đăng lên, ý định của clip là gì nhưng là người làm giáo dục, tôi thấy việc này hết sức phản cảm và phản giáo dục. Không hiểu trò này vui ở đâu mà lại thành "trend" được không ít người hưởng ứng", anh Nhất chia sẻ.

Anh Nhất cho biết video này được xóa sớm nhưng đã từng đạt hơn 3,1 triệu lượt xem, hơn 20.000 tương tác, đa phần là "like" và "haha", cả nghìn lượt bình luận và chia sẻ.

"Có thể, ai đó cố tình "tạo trend, tạo content" để đăng lên TikTok, Facebook nhằm làm tăng tương tác. Tuy nhiên, cá nhân tôi không thể chấp nhận được việc này, tôi thấy cần lên án những hành vi lấy trẻ con ra câu view, câu like như thế", anh Nhất bày tỏ.

ThS Đinh Văn Mãi, chuyên ngành công tác xã hội, giảng viên Trường Đại học Văn Lang nhận định đây là một tình huống nhạy cảm liên quan đến trẻ em. Việc sử dụng hình ảnh hoặc biểu tượng gợi liên tưởng đến còng tay có thể gây ra lo lắng cho trẻ cùng sự phản đối của phụ huynh.

"Việc sử dụng những hình ảnh mang tính đùa vui nhưng lại gợi lên các hình ảnh tiêu cực không chỉ ảnh hưởng xấu đến tâm lý và nhận thức của trẻ mà còn tạo ra tiền lệ không tốt cho việc chăm sóc - giáo dục trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội", ông Mãi nói.

Theo ông Mãi, trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đang trong giai đoạn phát triển tâm lý rất nhạy cảm. Những hình ảnh hay trò chơi mang tính gợi hình như vậy có thể ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ, gây nên sự nhầm lẫn và sợ hãi.

Trẻ em có thể không hiểu rõ ý nghĩa của hành động và hình ảnh mình trong clip nhưng có thể khiến trẻ cảm thấy thiếu an toàn, lo lắng.

"Hình ảnh liên tưởng đến còng tay có thể làm trẻ liên tưởng đến hình ảnh bị bắt giữ hoặc bị trừng phạt, dẫn đến nỗi sợ hãi không cần thiết trong các tình huống khác", Ths Đinh Văn Mãi bày tỏ.

Đeo còng giấy vào tay kể tội trẻ: Nhận thức lệch lạc gây phẫn nộ - 2

Theo chuyên gia, những hành động, hình ảnh này có thể gây ảnh hưởng lâu dài về mặt tâm lý và nhận thức của trẻ (Ảnh chụp lại màn hình).

Nam giảng viên chỉ ra rằng, nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh tương tự như vậy thì trong tương lai, trẻ có thể phát triển nhận thức sai lệch về việc bị hạn chế hoặc kiểm soát.

Điều này dẫn đến trẻ cảm thấy tự ti về bản thân, không đủ năng lực hoặc bị kìm nén. Khi lớn lên, trẻ có thể trở nên e dè, thiếu tin tưởng hoặc thậm chí phát triển những hành vi đối nghịch trong các mối quan hệ xung quanh.

Qua sự việc, ThS Đinh Văn Mãi mong giáo viên cũng như phụ huynh cần cẩn thận trong việc lựa chọn trò chơi, hoạt động và hình ảnh mà trẻ sẽ tham gia hay tiếp xúc hằng ngày.

Trong đó, người lớn nên lựa chọn các nội dung giáo dục phù hợp với lứa tuổi của trẻ, cần có tính giáo dục, an toàn, tích cực, giúp trẻ phát triển trí tuệ, kỹ năng và nhân cách một cách lành mạnh; tránh xa những hình ảnh tiêu cực gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Mặt khác, giáo viên và phụ huynh cần tôn trọng quyền được bảo vệ an toàn, sự riêng tư cá nhân của trẻ, đặc biệt khi đưa hình ảnh của trẻ lên không gian mạng. Đừng vì những hành động đùa vui mà ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của trẻ em.

"Tôi tin rằng vụ việc như lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chính mỗi người trong chúng ta. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ trong thời đại 4.0 cần được thực hiện với sự cẩn trọng và trách nhiệm nhằm xây dựng môi trường phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai", ThS Đinh Văn Mãi nhấn mạnh.