Tuyển sinh 2021:
Đề xuất giảm lệ phí xét tuyển ĐH,CĐ còn 25.000 đồng/nguyện vọng
(Dân trí) - Nhiều trường đại học đề xuất nên giảm lệ phí đăng ký xét tuyển cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào tạo thuận lợi cho thí sinh.
Sáng 25/3, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 tại 4 đầu cầu: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên nghiên cứu giảm lệ phí xét tuyển ĐH năm 2021 cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục cần bàn bạc, thống nhất về mức giảm để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Ông Vũ Đức Thành, đại diện trường ĐH FPT nói, mức giảm 5.000 đồng tuy không nhiều nhưng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho thí sinh và phụ huynh.
Về việc phân bổ kinh phí, lãnh đạo các trường thống nhất các địa phương vẫn giữ lại 15.000 đồng cho mỗi nguyện vọng như mọi năm, phần còn lại sẽ được chuyển về các trường.
Trường có trách nhiệm phân bổ lại một phần cho các đơn vị hỗ trợ công tác xét tuyển thuộc Bộ GD&ĐT cũng như các chi phí trong xét tuyển chung như phần mềm...
Đồng tình với đề xuất trên, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc Bộ GD&ĐT sẽ cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần và được đăng ký xét tuyển trực tuyến góp phần giảm áp lực cho thí sinh.
Trong thời gian tới, với sự phát triển của các trung tâm khảo thí quốc gia của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM sẽ tạo điều kiện để cho các trường có nhiều lựa chọn trong tuyển sinh và có độ tin cậy cao. Vì chức năng của kỳ thi tốt nghiệp là để tốt nghiệp, các trường không còn quá lo lắng về kỳ thi này. Thí sinh cũng có sự lựa chọn ngày càng cao.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đã tính toán và dự kiến mức thu lệ phí năm nay sẽ ở mức 25.000 đồng/nguyện vọng. Mọi năm là 30.000 đồng/nguyện vọng.
Ông cũng khẳng định, mức giảm này không ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động thi và tuyển sinh của các Sở GD&ĐT và các trường ĐH. Phần giảm đó sẽ thuộc về phần hỗ trợ chung của Bộ, kinh phí cho các sở giáo dục và đào tạo và các trường vẫn sẽ ổn định như năm 2020.
Tạo điều kiện tối đa cho thí sinh trong xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021
Báo cáo tại hội nghị, Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2020 đã hoàn thành và đạt hiệu quả. Với trên 900.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT đang được đa số trường ĐH, CĐ sử dụng để tuyển sinh.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Trong những năm qua, sự đổi mới về công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Những thành công của năm 2020 chính là tiền đề, nền tảng để Bộ GD&ĐT cũng từng bước phân rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học và sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như các trường phổ thông.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, 5 "từ khóa" để góp phần tạo nên sự thành công trong mùa tuyển sinh 2020 gồm: Ổn định, chủ động, thích ứng, công nghệ và hợp tác.
Các giải pháp được đưa ra sẽ mang tinh thần chung là tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Chính phủ cũng quan tâm sát sao và hỗ trợ hiệu quả cho thí sinh, các trường.
Các cơ sở giáo dục đại học cũng chủ động thực hiện tư vấn tuyển sinh và áp dụng công nghệ hiệu quả. Trách nhiệm giải trình của các đơn vị cũng cần phải cải tiến.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, dự báo về năm 2021, các yếu tố như dịch bệnh, thiên tai có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, số lượng phương thức tuyển sinh sẽ đa dạng hơn. Bộ GD&ĐT cũng đưa ra một số phương án.
Một là, giữ ổn định về mặt quy chế, phương thức tổ chức phối hợp giữa các đơn vị để chủ động thích ứng với mọi biến động.
Tiếp tục ứng dụng CNTT trong tuyển sinh như ĐKXT nguyện vọng online, giảm thiểu sai sót, tạo điều kiện cho thí sinh
Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra trong khâu xét tuyển, tổ chức thi ở các trường, kể cả các trường thi tuyển sinh riêng. Các trường cũng cần thanh kiểm tra nội bộ theo hướng công bằng, khách quan, đúng quy chế.
Các Sở GD&ĐT cần tiếp tục lên kế hoạch tổ chức giảng dạy, ôn thi, hướng dẫn tiếp nhận nguyện vọng thí sinh nhằm hỗ trợ tốt nhất trong ĐKXT bằng trực tuyến/giấy. Kiểm tra kỹ thông tin liên quan đến nguyện vọng, đối tượng thí sinh…