Đề xuất dùng môn văn xét tuyển ngành y

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tâm đắc với đề xuất của một số hiệu trưởng nên dùng môn văn để xét tuyển vào trường y. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này cần cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng.

Nhiều cái lợi

Tại hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược diễn ra tại Hà Nội ngày 10/10, lãnh đạo một số trường đại học y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.

Ủng hộ ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng:Việc thi theo khối lâu nay khiến thí sinh học lệch. Môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.

Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này”.

Theo bà Tiến, khi Bộ GD-ĐT đã quy định toán-văn-ngoại ngữ là ba môn bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT thì các trường y cũng nên theo hướng chọn tổ hợp môn đó để xét tuyển và cộng thêm môn tự chọn là môn hóa với ngành dược, môn sinh với ngành y.

Như vậy, thí sinh định hướng thi ngành y dược có thể chọn bốn môn xét tốt nghiệp cũng chính là bốn môn xét vào đại học, chứ không phải thi thêm nhiều môn như khi các trường duy trì thi theo khối B.

Thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)
Thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)

Ưu thế của môn văn trong ngành y

GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội khi được hỏi cũng ủng hộ đề xuất này.

Theo GS Thuyết: “Mới nghe, đề xuất này có vẻ lạ tai, nhưng phân tích kỹ sẽ thấy nó rất có lý. Trước hết, nếu các trường y, dược tuyển sinh dựa trên kết quả thi 3 môn bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) cộng thêm môn sinh hoặc hóa thì học sinh đỡ phải thi thêm một kỳ thi sát hạch của trường, giảm cồng kềnh và đạt yêu cầu của Bộ GD-ĐT khi tổ chức một kỳ thi chung”.

Ông phân tích ưu thế của môn ngữ văn với việc tuyển người vào ngành y:

“Môn ngữ văn gồm có hai phần: ngôn ngữvăn học. Phần ngôn ngữ giúp người học phát triển tư duy logic, diễn đạt rành rẽ, thuyết phục. Bác sĩ là người làm khoa học, cần tư duy tốt để phát huy khả năng của mình trong nghiên cứu. Bác sĩ có năng lực ngôn ngữ sẽ giao tiếp tốt, và đó là điều có ý nghĩa lớn trong ứng xử hằng ngày với bệnh nhân. Còn phần văn học bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục tình cảm nhân văn trong mỗi con người. Người học văn tốt chắc chắn sẽ có những rung động sâu sắc về những cảnh ngộ đời thường, những hoàn cảnh đáng thương của con người trong cuộc sống. Khi cảm thông được với người bệnh, bác sĩ sẽ tận tụy hết lòng tìm cách cứu chữa cho bệnh nhân. Khi cảm thông được với người bệnh, chia sẻ được những lo lắng với người bệnh, thậm chí bác sĩ có thể giúp đỡ người bệnh có thêm nghị lực để tự chữa bệnh cho mình.”

Xem xét lại, ta thấy lâu nay các trường y dược thi toán, hóa, sinh. Hai môn hóa, sinh gần với chuyên ngành y dược nhưng môn toán gần với các ngành cơ khí, tài chính, xây dựng hơn. Toán được chọn bởi có tác dụng rõ rệt là phát triển tư duy cho người học. Nay có thêm môn thi đánh giá tư duy của thí sinh thì càng tốt.

Cô Lan Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng một số giáo viên dạy văn khác cho rằng đề xuất dùng môn văn xét tuyển vào trường y tốt trên phương diện chiến lược lâu dài và rất có ý nghĩa.

Không chỉ riêng y, ngành nghề nào môn văn cũng rất cần và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống ở lời ăn, tiếng nói, cư xử giao tiếp giữa người với người.

Cần cân nhắc

Tuy nhiên, theo giáo viên này nếu thực hiện, môn văn chỉ nên là môn điều kiện cho thí sinh có nguyện vọng học trường y.

“Cần một ngưỡng nhất định đủ điều kiện thi vào trường y. Làm như vậy để học sinh lưu tâm, cố gắng. Không nên lấy môn văn là một trong 4 môn thi có điểm số ngang bằng các môn như toán-hóa-sinh. Như vậy, sẽ tạo áp lực cho các em, đặc biệt khi hiện nay học sinh đã/đang ôn theo khối thi truyền thống gồm 3 môn toán-hóa-sinh. Có thể công bố phương án tuyển sinh trong năm nay để sang năm 2016 thực hiện. Theo thời gian bộ môn văn dù là điều kiện nhưng số điểm và yêu cầu có thể nâng dần” – cô Lan Anh nêu ý kiến.

Có quan điểm phần nào gần với cô Lan Anh, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng để những thí sinh lâu nay đã ôn thi theo khối thi truyền thống của các trường y, dược khỏi bỡ ngỡ, tốt nhất là áp dụng phương án mới từ năm 2016. Về điểm số, theo ông, có thể tính toán để những môn như toán, ngữ văn, ngoại ngữ có hệ số 1, các môn hóa hoặc sinh có hệ số 2.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho rằng trước mắt chưa thể tiến hành tuyển sinh dùng môn văn xét tuyển vào trường y, cần ít nhất vài năm để chuẩn bị trước khi có thể thực hiện. Hội đồng hiệu trưởng các trường y dược sẽ họp vào tháng 12 tới để bàn cụ thể về các phương án tuyển sinh cho năm 2015.

Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội năm 2013 cho rằng bản thân mình và hầu hết các bạn khi đăng ký thi vào trường không chỉ xác định cần học tốt về kiến thức văn hóa mà còn ý thức, trách nhiệm của bác sĩ cứu người.

"Vào trường, em và các bạn lại học hỏi ở các anh chị khóa trên; thầy cô thường xuyên nhắc nhở. Trường cũng có bộ môn giáo dục y đức cho sinh viên. Việc soạn thảo văn bản có thể học ở các lớp đào tạo ngắn hạn hoặc tự bồi dưỡng" - Tiến nói.

Theo Văn Chung
Vietnamnet