THCN trong các trường ĐH:
Dễ tìm việc làm hơn một số ngành bậc ĐH
Trong thời gian gần đây, mô hình các trường CĐ đào tạo bậc trung học chuyên nghiệp (THCN), ĐH đào tạo bậc CĐ và THCN mở ra khá nhiều. Mô hình này tạo nhiều cơ hội cho các học sinh không đủ điều kiện vào ĐH, nhưng sau đó lại có cơ hội học tiếp lên ĐH (học liên thông).
Cả nước có 118 trường ĐH, CĐ mở hệ THCN với mục tiêu chung là tận dụng cơ sở vật chất thiết bị, đội ngũ giảng viên và kinh nghiệm quản lý để tạo nguồn nhân lực trung cấp cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay ở nước ta.
Hiện nay ở các nước tiên tiến, sau khi tốt nghiệp THPT đại bộ phận học sinh theo học các ngành nghề trung cấp, không đổ xô vào đại học. Cụ thể, ở Nhật Bản tỷ lệ này là trên 60%. Hiện nay, Nhà nước ta cũng đã áp dụng chính sách học liên thông, mở ra cơ hội cho học sinh thi rớt đại học có thể chọn học nghề, rồi có thể theo học tiếp các bậc cao đẳng, đại học, sau khi tốt nghiệp THCN mà không tốn thêm quỹ thời gian.
Ngay từ năm 2001, Trường Đại học DL Văn Hiến đã chọn những ngành nghề có sức hút lao động cao như: công nghệ thông tin, hướng dẫn viên du lịch, quản lý nhà hàng - khách sạn, kế toán doanh nghiệp, kế toán - kiểm toán, điện tử –viễn thông, mỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật công nghệ may… để tuyển sinh.
Tính đến nay đã có hơn 2.000 học sinh đã ra trường. Có thể nói, tất cả học sinh đạt loại khá, giỏi đều đã sớm có việc làm, thậm chí có một số ngành học 100% học sinh vừa ra trường đã có việc làm ngay. Hiện nay, đang có xu hướng là nhiều ngành học của bậc trung học chuyên nghiệp ra trường dễ tìm việc làm hơn một số ngành ở bậc đại học.
Trong số các trường đại học, cao đẳng có hệ trung học chuyên nghiệp trong cả nước, chỉ tiêu đào tạo Nhà nước giao cho các trường, ít nhất là 400-500 HS/năm, nhiều nhất là 1500-2000 HS/năm. Hệ THCN Trường Đại học DL Văn Hiến được giao chỉ tiêu bình quân 1.000 HS/năm. Khác với một số trường trung học chuyên nghiệp, gần như năm nào chúng tôi cũng tuyển đủ chỉ tiêu. Kết quả thi tốt nghiệp hàng năm đạt kết quả khá cao, đạt tỷ lệ khoảng 90%. Trong đó ngành du lịch, tin học kế toán có số học sinh theo học và tốt nghiệp nhiều nhất.
Với nhận thức học sinh hệ trung học chuyên nghiệp là lực lượng lao động trực tiếp, cần được rèn luyện kỹ năng thực hành, thực tập nên nhà trường đã dành thời lượng chương trình cho phần thực hành khá nhiều theo cơ cấu chương trình 40% là lý thuyết, 60% thực hành, thực tập và kiểm tra.
Có thể nói hệ THCN Trường Đại học DL Văn Hiến là một trong số ít trường có cơ sở độc lập khang trang, đáp ứng các yêu cầu qui cách trường lớp chuẩn, với khuôn viên gần 3.000m2 trên 30 phòng học, hội trường, lớp học, phòng máy, phòng làm việc và đặc biệt các phòng nghe nhìn với các thiết bị chuyên dùng tạo điều kiện thầy giáo giảng dạy và học sinh tiếp thu tốt.
Nhờ đóng trên địa bàn TPHCM, trường có điều kiện liên kết với nhiều trường, nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là với 230 công ty, nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành, kể cả các công ty liên doanh, xin gởi học sinh đến thực hành, thực tập. Có thể nói hiện nay đội ngũ trực tiếp giảng dạy là những thầy giáo có năng lực, giàu kinh nghiệm và tận tình với học sinh. Kế thừa thành quả giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới, chúng tôi đã vận dụng các phương pháp giáo dục hiện đại trong nhiều năm qua như: phương pháp thực tập ảo, thị trường chứng khoán ảo…
Trong lần điều chỉnh sắp đến, Hội đồng Đào tạo hệ THCN dự kiến từng bước đưa vào phục vụ giảng các phần mềm tin học (kế toán, du lịch, điện tử viễn thông) thêm các môn học đón đầu khi Việt Nam gia nhập WTO như tin học ứng dụng vào thương mại điện tử, kỹ thuật viên điện tử viễn thông, kỹ thuật viên mạng tin học, kỹ thuật viên thiết kế đồ hoạ, chuyên viên dịch vụ du lịch, khách sạn-nhà hàng, chuyên viên dịch vụ bảo hiểm, quảng cáo...
GS-TS Nguyễn Thành Xương
(Hiệu trưởng ĐH dân lập Văn Hiến)
Theo Sài Gòn Giải Phóng