Kỳ thi THPT quốc gia 2016:

Đề thi Vật lý vừa sức, có sự phân hóa cao

(Dân trí) - Đề thi môn Vật lý được đa phần giáo viên đánh giá là an toàn, vừa sức, có một số câu hỏi lạ, có sự phân hóa cao nhưng còn thiếu những câu hỏi mang tính thực tiễn.


Thầy giáo Nguyễn Chí Phú, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ.

Thầy giáo Nguyễn Chí Phú, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ.

Thầy giáo Nguyễn Chí Phú, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ:

Về cơ bản nội dung kiến thức của đề hỏi đều nằm trong chương trình vật lý THPT, rất bám sát nội dung sách giáo khoa. Khả năng phân loại của đề khá tốt. Trong đề thi này, về câu khó diễn đạt Vật lý chỉ có một câu, về hiện tưởng Vật lý có một câu. Về mặt ký năng đọc hiểu và phân tích đồ thị có 2 câu, một câu về đồ thị điện, một câu về phần cơ.

Nếu so sánh có thể thấy các câu về phần đồ thị ít hơn đề thi mọi năm. Đặc biệt năm nay không có câu nào về thí nghiệm thực hành, câu hỏi gắn kiến thức thực tế với kiến thức Vật lý THPT chỉ có duy nhất một câu hỏi về tầng Ozon. Tôi cũng nhận thấy có nhiều câu hỏi có ý tưởng tương đối quen thuộc và trùng lặp, không tạo được sự hấp dẫn và tương đối an toàn.

Phổ điểm năm nay theo tôi sẽ trải đều hơn ở mức độ 6-7, số học sinh đạt điểm 8-9 có thể sẽ tăng thêm hơn một chút, số học sinh đạt điểm tối đa cũng có thể tăng hơn năm ngoái nhưng chắc sẽ không nhiều.

Cô giáo Trần Thị Kiều Giang, giáo viên Trường THPT Chu Văn An.
Cô giáo Trần Thị Kiều Giang, giáo viên Trường THPT Chu Văn An.

Cô giáo Trần Thị Kiều Giang, giáo viên Trường THPT Chu Văn An:

Theo cá nhân tôi đề năm nay cấu trúc rất phù hợp. Sự phân hóa rất cao, đối với học sinh trung bình chỉ học sách giáo khoa thôi vẫn có thể được 4 điểm phù hợp với học sinh chỉ để xét tốt nghiệp. Đối với những học sinh ở mức độ khá các em có khả năng tư duy cao hơn có thể đạt được điểm 6,5. Còn những em học lực giỏi, vận dụng tốt hơn nữa kiến thức thì có thể đạt được 9 điểm.

Những em xuất sắc có khả năng vận dụng cao, tư duy và phối hợp kiến thức tốt thì có thể đạt được đến điểm 10. Trong những câu để các em đạt 10 điểm có liên quan nhiều đến kiến thức của lớp 10 và 11. Như vậy các em phải có kiến thức nền từ lớp 10 đến lớp 11 rất tốt mới có khả năng đạt điểm 10. Tôi thấy rằng với đề như thế này chắc chắn năm nay sẽ có em đạt điểm 10.

Đề năm nay hay hơn đề các năm trước ở chỗ, những năm trước có những câu gần như không em nào có thể làm được, có những câu quá lạ các em không hiểu nên không thể làm. Nhưng năm nay thì tất cả các câu hỏi đều được đặt ra trong khả năng của các em ở các mức học từ trung bình, khá, tới giỏi và xuất sắc.

Tuy nhiên năm nay không có những câu hỏi mang tính thực tiễn giống năm trước. Vật lý là môn khoa học thực nghiệm có tính thực tiễn nên sẽ hay hơn nếu có khác câu hỏi liên quan đến thí nghiệm thực hành. Điều đó sẽ tránh cho các em sẽ chỉ như những thợ giải bài tập.

Thầy giáo Lê Mạnh Cường, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.
Thầy giáo Lê Mạnh Cường, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Thầy giáo Lê Mạnh Cường, giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam:

Theo tôi đề thi năm nay vừa sức với học sinh, có sự phân hóa cao, đặc biệt là với tốp học sinh khá giỏi. Cấu trúc đề vẫn sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, chỉ có một vài câu hỏi cuối là không sắp xếp theo trình tự này.

Năm ngoái tôi thấy phần khó nhất rơi vào 5 câu cuối từ câu 45 đến câu 50. Có 2 câu khá mới và lạ trong đề là câu số 37 và câu 45, đòi hỏi sự vận dụng cao, học sinh xuất sắc mới làm được trọn vẹn. Với đề này, theo tôi năm nay có thể sẽ có điểm tối đa cho môn Vật lý và phổ điểm năm nay sẽ cao hơn năm ngoái một chút.

Nhật Hồng